| Hotline: 0983.970.780

Đối tượng nào nên trì hoãn tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 AstraZeneca?

Thứ Sáu 19/03/2021 , 13:20 (GMT+7)

9 nhóm người trì hoãn tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 AstraZeneca được Bộ Y tế khuyến cáo tại 'Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 AstraZeneca'.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai tiêm vacxin phòng Covid-19 AstraZeneca cho các đối tượng ưu tiên từ ngày 8/3. Ảnh: VNVC.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai tiêm vacxin phòng Covid-19 AstraZeneca cho các đối tượng ưu tiên từ ngày 8/3. Ảnh: VNVC.

Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 AstraZeneca được Bộ Y tế ban hành ngày 18/3, quy định đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là người từ 18 tuổi trở lên, không quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vacxin.

Bộ Y tế lưu ý 9 đối tượng trì hoãn tiêm chủng gồm: Người đang mắc bệnh cấp tính; Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ; Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao như prednisolon (tương đương prednisolon trên 2mg/kg/ngày trong khoảng trên 7 ngày), hoặc đang điều trị hóa trị, xạ trị; Trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh Covid-19; Tiêm vacxin khác trong vòng 14 ngày trước; Đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; Người trên 65 tuổi; Giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khuyến cáo các đối tượng cần phải khám sàng lọc kỹ và tiêm chủng trong bệnh viện gồm người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; Người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định; Người mất tri giác, mất năng lực hành vi; Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống như mạch <60 lần/phút hoặc >100 lần/phút, huyết áp tối thiểu <60mmHg hoặc >90mmHg, huyết áp tối đa <90mmHg hoặc >140mmHg, nhịp thở >25 lần/phút...

Vacxin phòng Covid-19 AstraZeneca. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Vacxin phòng Covid-19 AstraZeneca. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đặc biệt, chống chỉ định với người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên tại lần tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vacxin.

Trước khi tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 AstraZeneca, nhân viên y tế khám sàng lọc được tập huấn chuyên môn về khám sàng lọc trước tiêm chủng vacxin phòng Covid-19. Nhân viên y tế khám sàng lọc trước tiêm chủng hỏi rõ tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử tiêm vacxin phòng Covid-19, tiền sử dị ứng, tiền sử tiêm vacxin khác trong vòng 14 ngày qua, tiền sử mắc Covid-19, tiền sử bệnh nền, tiền sử suy giảm miễn dịch, ung thư... để đánh giá, phân loại đối tượng tiêm chủng, trì hoãn hoặc không chỉ định...

Đối tượng tiêm chủng được thăm khám nếu đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được tư vấn, ký giấy cam kết đồng ý tiêm chủng. Thực hiện việc ghi chép, lưu giữ cơ sở dữ liệu tiêm chủng của các đối tượng vào phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân.

Ngày 8/3, Việt Nam bắt đầu triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vacxin phòng Covid-19. Đối tượng được ưu tiên tiêm là lực lượng tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 và 13 tỉnh thành có dịch.

Loại vacxin phòng Covid-19 được tiêm đợt đầu gồm 117.600 liều vacxin AstraZeneca của Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu phát triển và được SK Bioscience Co Limited (Hàn Quốc) sản xuất; được Hệ thống tiêm chủng VNVC phân phối đưa về Việt Nam ngày 24/2. 

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.