| Hotline: 0983.970.780

Hơn 20.000 người đã tiêm vacxin phòng Covid-19

Thứ Tư 17/03/2021 , 07:32 (GMT+7)

Thêm 4.260 người đã được tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 trong ngày 16/3. Nâng tổng số người tiêm vacxin phòng Covid-19 tại 12 tỉnh thành phố lên 20.695 người.

Quân nhân thuộc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 (Bệnh viện Quân y 175) tiêm vacxin phòng Covid-19 ngày 16/3. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Quân nhân thuộc Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 (Bệnh viện Quân y 175) tiêm vacxin phòng Covid-19 ngày 16/3. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tính từ ngày 8/3 bắt đầu triển khai tiêm vacxin phòng Covid-19 đến chiều 16/3 đã có 20.695 người thuộc đối tượng ưu tiên tại 12 tỉnh thành phố đã tiêm vacxin gồm Hải Dương, Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng, Hòa Bình, Khánh Hòa.

Nhóm được ưu tiên tiêm vacxin phòng Covid-19 là lực lượng tuyến đầu chống dịch gồm cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19; nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 16/3 Chương trình TCMR cũng ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng vacxin phòng Covid-19 AstraZeneca với các dấu hiệu như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, phát ban, đau cơ, buồn nôn, tiêu chảy…

Nếu người được tiêm xuất hiện dấu hiệu mẩn ngứa lan rộng, mạch nhanh, huyết áp tăng cao hoặc tụt, tức ngực khó thở, chân tay lạnh… hoặc có diễn biến nặng lên thì cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Chương trình TCMR đã tổ chức kiểm tra giám sát tại một số tỉnh/thành phố cho thấy công tác an toàn tiêm chủng và tư vấn trước tiêm chủng được tất cả các địa phương thực hiện đầy đủ. Người đến tiêm được thông báo số điện thoại của các cơ sở y tế trong trường hợp khẩn cấp để được hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh đảm bảo an toàn tiêm chủng, các điểm tiêm còn bố trí các phòng theo quy tắc một chiều, giãn cách giữa các bàn, các phòng để phòng chống lây nhiễm SARS-COV-2.

Vacxin phòng Covid-19 đang được tiêm cho nhóm ưu tiên tại Việt Nam do hãng dược AstraZeneca phối hợp Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu phát triển, sản xuất. Lô đầu tiên gồm 117.600 liều vacxin Covid-19 AstraZeneca về Việt Nam hôm 24/2.

Theo Bộ Y tế, từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có 60 triệu liều vacxin phòng Covid-19 AstraZeneca thông qua 3 đơn vị là COVAX Facility và UNICEF và Công ty VNVC (VNVC chuyển giao vacxin mua được từ AstraZeneca cho Bộ Y tế theo cơ chế phi lợi nhuận).

Hiện vacxin phòng Covid-19 của Astrazeneca đã được chấp thuận và sử dụng ở nhiều quốc gia. Những ngày vừa qua, một số quốc gia (Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Ireland, Iceland) đã ra thông báo ngưng triển khai tiêm vacxin AstraZeneca do các ca phản ứng phụ nghiêm trọng không mong muốn như xuất huyết, đông máu, số lượng tiểu cầu trong máu thấp. Hiện các nước đang thận trọng điều tra xem có mối liên hệ giữa vacxin và phản ứng hay không.

Việt Nam chưa ghi nhận các trường hợp đông máu sau tiêm, nên vẫn tiếp tục triển khai tiêm vacxin phòng Covid-19 AstraZeneca.

Ngày 14/3, Công ty dược phẩm AstraZeneca tuyên bố: “Việc xem xét cẩn thận tất cả dữ liệu an toàn hiện có của hơn 17 triệu người được tiêm chủng vacxin Covid-19 AstraZeneca ở Liên minh châu Âu và Anh cho thấy không có bằng chứng về việc tăng nguy cơ thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc giảm tiểu cầu, ở bất kỳ độ tuổi xác định nào, nhóm, giới tính, lô hàng hoặc ở bất kỳ quốc gia cụ thể nào”. Hiện công ty này đang cùng các cơ quan y tế châu Âu tiến hành các cuộc kiểm tra bổ sung.

Xem thêm
5 nguyên nhân phổ biến gây ung thư vú

Nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh ung thư vú là sử dụng các liệu pháp thay thế hormone và thuốc tránh thai. Ngoài ra, thừa cân, béo phì cũng gia tăng xác suất mắc ung thư vú.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ngâm chân bằng nước lá lốt thường xuyên có tốt không?

Ngâm chân bằng nước lá lốt là phương pháp Đông y phổ biến, giúp kích thích huyệt, đả thông kinh mạch và tăng tuần hoàn máu.

Bình luận mới nhất