Ngày 18/12, người dân Milan đã bắt đầu đón chào mùa lễ hội quan trọng nhất trong năm với chiếc bánh panettone khổng lồ do các nghệ nhân làm bánh ở thành phố miền Bắc Italy tạo nên.
Hoàn thiện bánh Giáng sinh khổng lồ |
Chiếc bánh panettone xốp mềm, thơm mùi cam chanh này nặng tới 140 kg và cao 2 mét. Các nghệ nhân đã mất tới 36 giờ để có thể hoàn tất chiếc bánh, với thành phần chính là nho khô, mứt vỏ cam, mứt vỏ chanh, nước lọc, bột mì, đường, trứng, bơ và vani.
Chiếc bánh được nướng trong một chiếc lò hình trụ đặc biệt, với thời gian nướng dài hơn (10 giờ) và nhiệt độ thấp hơn bình thường. Khi nướng, chiếc bánh được treo ở tư thế úp ngược để bơ có thể chảy xuống.
Để niềm vui lễ hội được lan tỏa rộng rãi, chiếc bánh panettone đặc biệt này được cắt ra thành 1.200 miếng, chia cho người dân địa phương và khách du lịch quốc tế đến với "kinh đô thời trang".
Du khách chụp ảnh tại buổi lễ ra mắt bánh panettone khổng lồ |
Trong khi đó, các nhà khoa học thuộc Phòng Nghiên cứu vật lý quốc gia (NPL) của Cơ quan Đo lường quốc gia Anh vừa phát kiến một tấm thiệp Giáng sinh siêu nhỏ chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi. Sản phẩm của họ quả thực đã tạo ra điều thú vị về kích thước: chỉ 15 x 20 micro mét (1micro mét tương đương 1/1.000.000 m). Đây là tấm thiệp nhỏ nhất được chế tạo cho tới thời điểm này, nhỏ hơn 100 lần so với mức kỷ lục 200 x 209 micro mét trước đó.
Các nhà khoa học cho biết có thể đưa hơn 200 triệu thiệp Giáng sinh đặc biệt này vào trong khung của một con tem bưu điện thông thường. Tuy nhỏ nhưng tấm thiệp này cũng không thiếu các nội dung và hình ảnh ý nghĩa như những tấm thiệp có kích thước bình thường, với đầy đủ lời chúc và dòng chữ "Seasons greetings," in bên dưới hình chú người tuyết ngộ nghĩnh được khắc khéo léo.
Cận cảnh tấm thiệp Giáng sinh siêu nhỏ |
Hóa ra việc chế tạo ra loại thiệp này không đơn thuần để góp vui cho ngày lễ hội mà đằng sau nó còn là một ý nghĩa nghiên cứu khoa học cực kỳ hữu ích. Để có được những hình ảnh và con chữ này, các nhà khoa học đã phải thao tác với những kỹ thuật minh họa siêu khó: sử dụng chùm ion hội tụ trên hợp chất silicon và nitơ phủ bạch kim. Các tác giả của công trình cho biết việc họ vận dụng thành công kỹ thuật này có thể coi là một bước sáng tạo đột phá, mở đường cho nhiều ứng dụng khác trong các lĩnh vực vật chất siêu nhỏ, công nghệ chế tạo pin và kỹ thuật bán dẫn.