| Hotline: 0983.970.780

Đơn vị đầu tiên ở Bình Định đón nhận chứng chỉ rừng bền vững FSC

Thứ Bảy 16/01/2021 , 12:47 (GMT+7)

Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên ở Bình Định được cấp chứng chỉ FSC.

Sáng 16/1, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (Bình Định) long trọng tổ chức lễ đón nhận chứng chỉ rừng bền vững FSC do Tổ chức GFA của CHLB Đức cấp.

Theo ông Trần Nguyên Tú, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Hiện tại, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn đang được UBND tỉnh Bình Định giao quản lý 8.455,99ha rừng và đất rừng; trong đó có 1.436,33ha rừng đặc dụng, 4.782,82ha rừng phòng hộ, 1.619,36ha rừng sản xuất, đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp 606,93ha và đất phi nông nghiệp 10,55 ha.

Trong những năm qua, công ty đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lâm nghiệp thông qua việc khảo nghiệm các giống keo mới và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng keo thâm canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng ở Bình Định.

Công ty đã triển khai xây dựng khảo nghiệm các giống và xây dựng vườn giống cho các loài keo lai, keo lá tràm, thông Cariber…nhận chuyển giao các quy trình nhân giống keo bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Ông Trần Nguyên Tú, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (đứng giữa), nhận chứng chỉ FSC do bà Nguyễn Thị Tú Anh, đại diện Tổ chức GFA trao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Trần Nguyên Tú, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (đứng giữa), nhận chứng chỉ FSC do bà Nguyễn Thị Tú Anh, đại diện Tổ chức GFA trao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã áp dụng kỹ thuật nuôi dưỡng, chuyển hóa rừng trồng keo cung cấp gỗ nhỏ thành rừng cung cấp gỗ lớn. Thông qua việc sử dụng các giống keo mới trong trồng rừng và áp dụng kỹ thuật chuyển hóa rừng trồng keo đã nâng cao được năng suất, chất lượng rừng trồng của công ty.

Đặc biệt, công ty đã ký kết thỏa thuận hợp tác liên doanh, liên kết…với Viện nghiên cứu  Giống và công nghệ sinh học để sản xuất cây giống chất lượng cao bằng phương pháp nuôi cấy mô. Qua đó Viện và công ty đã thực hiện nhiều hoạt động hợp tác về lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống, Viện đã thực hiện nhiều nghiên cứu hiện trường trên địa bàn của công ty.

Công ty đã sử dụng các giống do Viện chọn tạo, từ đó đưa sản phẩm nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đã đạt được nhiều thành công. Các hoạt động nói trên đã nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho công ty, đồng thời góp phần phát triển lâm nghiệp tại tỉnh Bình Định.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định, đến năm 2035, tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh này sẽ có 30.000ha. Theo đó, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn đã xây dựng “Dự án trồng rừng gỗ lớn” giai đoạn 2016-2021, sản xuất theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, chế biến, tiêu thụ và phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững. Đến nay, công ty đã thực hiện xong diện tích quy hoạch gỗ lớn, trong đó trồng mới gần 700ha và chuyển hóa từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn gần 200ha.

Để thực hiện Thông tư 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ NN-PTNT “Quy định về quản lý rừng bền vững”, cũng như góp phần thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006-2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 phải có ít nhất 30% diện tích rừng sản xuất được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn xây dựng Phương án quản lý rừng bền vững.

Rừng trồng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Rừng trồng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhằm quản lý rừng theo định hướng có cơ sở khoa học và thực tiễn, bảo đảm quản lý rừng bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, đạt được các nguyên tắc về quản lý rừng bền vững và tiến tới được cấp chứng chỉ rừng FSC-CM quốc tế trên diện tích rừng đạt tiêu chuẩn, nhằm tăng hiệu quả kinh tế và cải thiện thu nhập cho CBCNV của công ty và góp phần tạo vùng nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của địa phương.

Ngày 18/12/2020 Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn đã chính thức được Tổ chức GFA (CHLB Đức) cấp chứng chỉ rừng FSC cho 4.183,6ha trên diện tích 8445,44 ha rừng và đất rừng của công ty đang quản lý và sử dụng. Sau gần 2 năm xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh lâm nghiệp quản lý rừng bền vững theo 10 nguyên tắc và tiêu chuẩn FSC  SDT V5.1, đến nay Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn đã đạt được kết quả mỹ mãn.

Rừng trồng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Rừng trồng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên ở Bình Định được cấp chứng chỉ FSC. Việc đón nhận chứng chỉ FSC giúp sản phẩm từ rừng của công ty có giá trị kinh tế cao khi tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước. Đây là “bệ đỡ” để trong thời gian tới công ty sẽ đầu tư một nhà máy chế biến theo chuỗi từ sản xuất cây giống chất lượng cao, trồng rừng, quản lý rừng bền vững và chế biến gỗ.

“Năm 2020 Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn vinh dự được Trung tâm nghiên cứu phát triển thương hiệu Việt–Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tôn vinh là 1 trong tốp 50 “Doanh nghiệp Việt Nam điển hình sáng tạo năm 2020”; và được tôn vinh là sản phẩm, dịch vụ uy tín chất lượng năm 2020 về thương hiệu sản phẩm gỗ rừng trồng và cây con lâm nghiệp”, ông Trần Nguyên Tú, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, cho hay.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.