Tỉnh Thừa Thiên- Huế hiện có 19 Hợp tác xã lâm nghiệp bền vững (HTX) được thành lập, 20 HTX theo kế hoạch, đạt tỷ lệ 95%. Các HTX được thành lập với vốn điều lệ bình quân 291 triệu đồng; HTX cao nhất là 897 triệu đồng.
Đây là mô hình HTX theo chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn, theo nguyên tắc quản lý bền vững có chứng chỉ rừng FSC; có doanh nghiệp đối tác cũng là thành viên của HTX lo đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, nhiều tổ chức dịch vụ gieo ươm cây giống chất lượng cao, thân thiện với môi trường.
Cùng đó, các HTX cũng mở rộng dịch vụ, sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu của các thành, tiến tới đáp ứng nhu cầu thị trường, có chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, kinh tế HTX.
Ông Hồ Đức Lăng, thành viên HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc cho biết, với 40 ha rừng trồng sản xuất, lúc còn trồng rừng gỗ dăm, khi đến thời kỳ thu hoạch, ông thường bị thương lái ép giá nên giá trị và hiệu quả kinh tế rừng trồng không cao. Sau khi trở thành thành viên của HTX Hòa Lộc, ông Lăng quyết định chuyển 40 ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, đã được cấp chứng chỉ FSC.
“Sau khi chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC với cây giống chất lượng cao và thân thiện môi trường, đến nay 40 ha rừng FSC của gia đình cho thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/ha. Điều quan trọng là không còn tình trạng lái buôn ép giá nhờ có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, ông Lăng chia sẻ.
Ông Hồ Đa Thê, Giám đốc HTX Hòa Lộc cho hay, người dân đã nhận thức được lợi ích khi chuyển sang trồng rừng gỗ lớn nên tích cực hưởng ứng. Cùng với việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho bà con, như cây giống chất lượng cao và thân thiện môi trường, phân bón, tổ chức khai thác, vận chuyển và sơ chế gỗ; HTX còn tìm kiếm đối tác thu mua lâm sản ngoài gỗ để kết nối và phát triển sản xuất thêm dưới tán rừng với mục tiêu “lấy ngắn, nuôi dài”.
Để phát triển rừng trồng FSC chất lượng, ông Thê cho hay, HTX Hòa Lộc đang chú trọng đầu tư vườm ươm giống chất lượng cao, thân thiên môi trường với số lượng thường xuyên từ 500 ngàn - 1 triệu cây giống.
“Việc sử dụng cây giống thân thiện với môi trường sẽ giúp cải thiện điều kiện đất đai do không sử dụng túi bầu bằng túi polyetylen (PE) thải ra môi trường xung quanh, sử dụng túi bầu bằng chất hữu cơ giàu chất dinh dưỡng với nhiều nốt sần cố định đạm, có khả năng cải tạo đất, chống xói mòn. Đặc biệt, đáp ứng các yêu cầu quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, PEFC” ông Thê chia sẻ.
Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN-PTNN Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện địa phương có hơn 7.768 ha rừng gỗ lớn FSC, trong đó, nhiều nhất là Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong với hơn 3.000 ha.
Sở NN-PTNT Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện, đồng thời rà soát và mở rộng trồng thêm 120 ha mới, nâng diện tích rừng FSC trong năm 2020 lên khoảng 328ha. Cùng với đó, ngành lâm nghiệp Thừa Thiên- Huế đã đưa vào gieo ươm và vận động người trồng rừng sử dụng cây giống lâm nghiệp thân thiện môi trường bằng túi bầu tự hoại, chuyển dần sang thay thế sử dụng túi PE nhằm cải thiện đất đai, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
“Giống là vấn đề then chốt quyết định đến chất lượng và năng suất rừng trồng. Do vậy, tỉnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng mô hình sản xuất cây con phục vụ cho việc trồng rừng bằng phương pháp nuôi cấy mô giống thân thiện môi trường. Các nguồn giống đã và đang được sử dụng hiệu quả, đảm bảo nguồn cung cấp chất lượng tốt để sản xuất cây con, đáp ứng nhu cầu trồng rừng theo hướng bền vững ngày càng tăng cao của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh” ông Nguyên nhấn mạnh.
Cùng với việc thành lập mới 19 HTX Lâm nghiệp bền vững tại các xã, 3 HTX đã tổ chức dịch vụ gieo ươm cây giống chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Đây được xem là nền tảng bước đầu cho hoạt động tái cơ cấu ngành lâm nghiệp Thừa Thiên- Huế.