Theo Sở NN-PTNT Thừa Thiên- Huế, trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên- Huế và các ban quản lý rừng đã tổ chức 353 đợt truy quét tại rừng, lập biên bản 99 vụ khai thác rừng trái phép, tịch thu 38,45 m3 gỗ, 14 máy cưa xăng, tháo dỡ 39 lán trại và 845 bẫy các loại; phát hiện và xử lý 81 vụ phá rừng, với tổng diện tích 15 ha, đã xử phạt hành chính 15 vụ vi phạm, với tổng số tiền 61 triệu đồng, khởi tố 3 vụ phá hoại rừng; phát hiện 260 vụ vi phạm về vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu gần 148 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách hơn 897 triệu đồng.
Địa phương này cũng đã xảy ra 9 vụ cháy rừng, với diện tích rừng bị cháy 7,76 ha, diện tích rừng bị thiệt hại 1,73 ha rừng trồng. Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm còn phát hiện và dập tắt hàng chục vụ cháy khác ngay từ ngoài bìa rừng, không để xảy ra cháy lan vào rừng trồng.
Về công tác phát triển rừng, Sở NN-PTNT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế ban hành quy định danh mục loài cây trồng rừng kinh tế cung cấp gỗ lớn theo từng dạng lập địa khác nhau. Đến nay, đã trồng được 2.267 ha/5.700 ha kế hoạch, chủ yếu là rừng sản xuất được trồng lại sau khi khai thác trắng; nâng cấp chất lượng rừng 181 ha.
Diện tích trồng rừng phòng hộ, đặc dụng theo kế hoạch đầu năm là 250 ha, được thực hiện chủ yếu bằng nguồn vốn trồng rừng thay thế, hiện đã trồng được 100 ha; đã gieo ươm khoảng 15 triệu cây giống chuẩn bị cho kế hoạch trồng rừng trong năm; chăm sóc rừng được 2.196 ha, khoán quản lý bảo vệ rừng đạt 170.150 ha rừng.
Đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có 7.800 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC, trong đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiền Phong là 3.000 ha, nhóm hộ là 4.670 ha. Cùng đó, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã hoàn thành việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2019 với tổng số tiền 48,7 tỷ đồng, với diện tích chi trả 152.625 ha do 589 chủ rừng quản lý. Kế hoạch chi trả tiền DVMTR năm 2020 là 30,1 tỷ đồng cho 153.202 ha rừng.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, tuyên truyền và phổ biến thông tin pháp luật về bảo vệ rừng rộng rãi cho toàn thể người dân.
Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án quan trọng về bảo vệ rừng như: Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, Kế hoạch phát triển rừng trồng gỗ lớn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch giảm phát thải các bon rừng; Đề án phát triển rừng ngập mặn tại xã Hương Phong; Đề án Thành lập trằm chim và quy hoạch đa dạng sinh học vùng cửa sông Ô Lâu, Đề án Phát triển hệ thống hợp tác xã lâm nghiệp bền vững... Đặc biệt, tập trung mọi nguồn lực để quản lý có hiệu quả diện tích rừng tự nhiên và thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng năm 2020.