| Hotline: 0983.970.780

Đóng giếng nước ngầm không đảm bảo chất lượng

Thứ Năm 03/04/2025 , 09:02 (GMT+7)

Sóc Trăng Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đang từng bước chuyển đổi từ khai thác nước ngầm sang nước mặt để đảm bảo cấp nước ổn định, lâu dài và chất lượng.

Giếng nước ngầm nhiễm mặn

Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng hiện đang quản lý và khai thác hệ thống cấp nước đô thị gồm 23 nhà máy/trạm khai thác xử lý nước. Trong đó, có 21 nhà máy/trạm khai thác nước ngầm, với 64 giếng khoan (14 giếng tầng sâu, 50 giếng tầng nông) và 2 trạm khai thác nước mặt.

Tổng công suất khai thác được cấp phép của toàn hệ thống là 91.530 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, khối lượng nước khai thác thực tế từ nguồn nước ngầm và nước mặt hiện chỉ đạt gần 80% so với công suất được cấp phép, tương đương khoảng 73.000m3/ngày đêm.

Nguồn nước ngầm ở Sóc Trăng đang đứng trước nguy cơ nhiễm mặn. Ảnh: Kim Anh.

Nguồn nước ngầm ở Sóc Trăng đang đứng trước nguy cơ nhiễm mặn. Ảnh: Kim Anh.

Theo ông Đặng Văn Ngọ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng, tình trạng xâm nhập mặn đang tác động nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm trong các giếng khoan. Mực nước ngày càng hạ thấp, khả năng hồi lưu chậm, khiến trữ lượng nước không đảm bảo cho việc khai thác.

Nhằm chủ động nguồn nước và giảm phụ thuộc vào nước ngầm, vừa qua, Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đã đề xuất UBND tỉnh quy hoạch và kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy nước tập trung quy mô 300 ha tại Phân trường Phú Lợi (xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành). Dự kiến, nhà máy có công suất khai thác 200.000-300.000m3/ngày đêm, với khả năng dự trữ trên 2 triệu m3 nước.

Ông Ngọ cho biết, lý do lựa chọn vị trí này vì nguồn nước nơi đây nằm xa biên độ xâm nhập mặn, cách TP Sóc Trăng khoảng 20km. Bên cạnh đó, trữ lượng nước tại Phân trường Phú Lợi khá dồi dào từ sông Hậu đổ về, đảm bảo phục vụ lâu dài. Đặc biệt, khu vực này có sẵn 17 ao chứa nước với tổng diện tích khoảng 20 ha, thuận lợi cho việc trữ nước.

Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đang tiến hành đầu tư hệ thống khai thác nước mặt. Ảnh: Kim Anh.

Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng đang tiến hành đầu tư hệ thống khai thác nước mặt. Ảnh: Kim Anh.

“Khi có nhà máy nước tập trung tại Phân trường Phú Lợi, sẽ đảm bảo cấp nước cho TP Sóc Trăng và một phần các địa phương khác trong toàn tỉnh. Đồng thời, nhà máy còn cấp nước cho toàn tuyến Đại Ngãi, hỗ trợ các khu, cụm công nghiệp và hướng đến cung cấp nước cho cảng nước sâu Trần Đề trong tương lai”, ông Ngọ chia sẻ.

Tăng cường sử dụng nguồn nước mặt

Trong thời gian chờ đợi dự án lớn được thông qua, Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng dự kiến thuê đất, đầu tư gần 200 tỷ đồng xây dựng Trạm bơm nước thô tại cống Chùa Mới (ấp Xây Đá, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành). Vị trí này cách điểm lấy nước ở Phân trường Phú Lợi khoảng 7km. Nguồn nước từ trạm bơm này sẽ được truyền dẫn về các nhà máy lớn tại TP Sóc Trăng để xử lý.

Doanh nghiệp cấp nước này kỳ vọng từng bước giảm khai thác nước ngầm và chuyển đổi sang sử dụng nước mặt. Từ nay đến cuối năm 2025, đơn vị đặt mục tiêu ngừng khai thác toàn bộ các giếng có lưu lượng sụt giảm hoặc chất lượng nước không đảm bảo. Đồng thời, tiến dần sang sử dụng nguồn nước mặt, để khắc phục vấn đề “chất lượng nước ngầm mỗi lúc xấu hơn”.

Trong quá trình chuyển đổi này, hệ thống xử lý nước cũng sẽ được cải tạo để phù hợp với nguồn nước mới. Bên cạnh đó, công ty đang đầu tư cụm xử lý để nâng công suất xử lý, đảm bảo cung cấp nguồn nước ổn định, chất lượng cao.

Chuyển đổi từ khai thác nước ngầm sang nước mặt là hướng đi cần thiết và mang tính chiến lược lâu dài ở Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Chuyển đổi từ khai thác nước ngầm sang nước mặt là hướng đi cần thiết và mang tính chiến lược lâu dài ở Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Hiện tại, TP Sóc Trăng có hai nhà máy được cấp phép khai thác nước mặt, gồm Nhà máy nước Nguyễn Chí Thanh và Nhà máy nước Khu công nghiệp An Nghiệp, với công suất thiết kế/cấp phép là 5.000m3/ngày đêm/nhà máy.

Việc chuyển đổi từ khai thác nước ngầm sang nước mặt tại Sóc Trăng là hướng đi cần thiết và mang tính chiến lược lâu dài, góp phần hạn chế sụt lún, giảm nguy cơ ô nhiễm do khai thác kéo dài và đảm bảo cấp nước bền vững.

Xem thêm
'Thổi giá' vật liệu xây dựng cao hơn giá công bố

Đà Nẵng Chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tại Đà Nẵng gặp khó khi giá vật liệu xây dựng cao hơn giá được công bố.

Nghiên cứu sản phẩm quốc gia cho kinh tế biển

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc với Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo ngày 2/4.

Bình luận mới nhất