Giảm một nửa thời gian cho kết quả xét nghiệm nhờ phương pháp mới
Tính đến thời điểm hiện nay, Chi cục đã triển khai thực hiện và hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục đăng ký kiểm dịch như hướng dẫn trực tiếp khai báo kiểm dịch tại chỗ; hướng dẫn thực hiện kết nối khai báo kiểm dịch trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia để giảm thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp;
Thực hiện cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch trên hệ thống Một cửa quốc gia ngay khi có kết quả xét nghiệm qua mạng nội bộ để giúp cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa nhanh; nhận và phát trả Giấy chứng nhận kiểm dịch tại bộ phận một cửa của Chi cục… bước đầu Chi cục đã được đánh giá cao và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ doanh nghiệp.
Đối với thủ tục kiểm dịch, nhờ phương pháp xét nghiệm mới do Chi cục xây dựng từ nhiều năm qua, hiện thời gian từ khi lấy mẫu xét nghiệm đến khi có kết quả đã giảm một nửa, góp phần giúp các tổ chức, cá nhân giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan công tác kiểm dịch, giải quyết thông quan hàng hóa, giảm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp.
Từ cuối năm 2017 đến nay, Chi cục đã triển khai thực hiện giải quyết thủ tục cấp Giấy CNKD đối với động vật, sản phẩm động vật trên cạn xuất nhập khẩu qua hệ thống Cổng thông tin Một cửa Quốc gia.
Thời gian đầu triển khai, Chi cục tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, đối với các doanh nghiệp mới thành lập hoặc doanh nghiệp chưa thực hiện được, Chi cục chủ động mời doanh nghiệp đến Chi cục thực hiện thủ tục khai báo kiểm dịch ngay tại chỗ. Các kiểm dịch viên của Chi cục trực tiếp hướng dẫn cho các doanh nghiệp thao tác ngay trên máy tính được nối mạng tại Chi cục.
Với cách làm này, Chi cục đã hỗ trợ doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý nhanh chóng những vướng mắc, khó khăn trong việc đăng ký khai báo kiểm dịch trên môi trường mạng...
Doanh nghiệp được giải thích cặn kẽ, đầy đủ, được tiếp cận tốt hơn với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, chủ trương của Bộ NN-PTNT, của Cục Thú y tạo thuận lợi và giảm tối đa chi phí, thời gian đi lại cho doanh nghiệp.
Qua đó mỗi cán bộ, công chức của Chi cục đồng thời là chuyên viên hướng dẫn, xử lý hồ sơ vừa là “tư vấn viên” trực tiếp giải đáp cho doanh nghiệp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng hình ảnh công chức thân thiện, đại diện cho hình ảnh là công bộc của người dân.
Tín hiệu vui từ kết quả nghiên cứu vacxin DTLCP
Từ năm 1997 đến nay, Chi cục Thú y Vùng VI đã định hướng xây dựng kế hoạch nghiên cứu sản xuất vacxin bệnh lở mồm long móng (LMLM) từ các chủng vi rút được thu thập từ thực địa để chủ động hướng đến sản xuất vắc xin phòng chống dịch bệnh trên gia súc, hạn chế lệ thuộc nhập khẩu vắc xin từ nước ngoài và tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi.
Kết quả đã thu thập lựa chọn được các vi rút týp O; týp A và týp Asia1 đạt tiêu chuẩn để sản xuất vacxin và xây dựng các qui trình công nghệ tại phòng thí nghiệm để đưa vào áp dụng sản xuất vacxin.
Hiện nay, vacxin lở mồm long móng mang thương hiệu Việt Nam đã được lưu hành góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước chi phí nhập khẩu vacxin ngoại và rất chủ động nguồn cung cấp để tiêm phòng bệnh cho gia súc tại Việt Nam.
Đây là thành tựu nổi bật của ngành vì lần đầu tiên sau nhiều năm nghiên cứu đã chế tạo thành công vacxin lở mồm long móng type O-type A..
Thời gian qua, Chi cục Thú y vùng VI đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước để nghiên cứu vắc-xin phòng, chống DTLCP và bước đầu đã có kết quả tích cực.
Mặc dù thời gian không dài nhưng nhóm nghiên cứu đã phân lập và nuôi cấy virus DTLCP qua nhiều đời trên các dòng tế bào chuyên biệt. Đây là tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất vacxin trong thời gian tới.
Hiện Chi cục đã nghiên cứu được một số loại tế bào dòng có khả năng đáp ứng việc nuôi cấy virus, đồng thời tiến hành đánh giá sự biến đổi của virus qua các giai đoạn cấy truyền, tiến tới nghiên cứu vacxin DTLCP theo hướng vacxin nhược độc nhân tạo (thông qua cấy truyền nhiều đời).
Thời gian tới Chi cục tiếp tục phối hợp với các đơn vị cùng nghiên cứu các bước chuyên sâu tiếp theo.
Ngoài ra, Chi cục sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chẩn đoán xét nghiệm hiện đại như hệ thống tự động hóa một số khâu chẩn đoán xét nghiệm nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian xét nghiệm mẫu, trả lởi kết quả phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính.
Đồng thời, tiếp tục quan tâm, phối hợp với các địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu để xây dựng mở rộng số lượng vùng, cơ sở và các chuỗi sản xuất sản phẩm động vật an toàn dịch bệnh (ATDB) để phục vụ xuất khẩu ra thị trường các nước như: chuỗi chăn nuôi gà ATDB xuất khẩu đi Nhật, Châu Âu, Trung Đông và một số nước Châu Á của một số công ty, doanh nghiệp.
Cụ thể như: công ty CP. Việt Nam tại Bình Phước, chuỗi chăn nuôi lợn ATDB của công ty Greenfeed tại Bình Thuận, chuỗi sản xuất sữa ATDB xuất khẩu đi Trung Quốc của công ty Vinamilk, chuỗi sản xuất yến ATDB xuất khẩu thị trường Trung Quốc của công ty Yến Quân, chuỗi sản xuất tôm nguyên con ATDB xuất khẩu đi Úc của Công ty Việt Úc và Công ty Trung Sơn…
Thực hiện Quyết định về việc “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà để xuất khẩu giai đoạn 2015-2020” Bộ NN-PTNT, đến nay vùng VI đã có 32 vùng được công nhận là vùng An toàn dịch bệnh (ATDB) với 565 cơ sở được công nhận ATDB trên gia súc-gia cầm.
Cụ thể: 10 vùng ATDB đối với bệnh Cúm gia cầm và Newcatlse (Đồng Nai, Bình Dương và Tây Ninh); 02 vùng ATDB đối với bệnh LMLM/ Dịch tả lợn (Bình Dương); 01 vùng ATDB đối với bệnh Lao và bệnh Sảy thai truyền nhiễm trên trâu bò (toàn TP.HCM); 19 vùng ATDB đối với bệnh Dại trên chó nuôi (17 quận/huyện của TP. HCM và 02 huyện Côn Đảo, Tp. Vũng Tàu - tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu).
Kết quả xây dựng vùng ATDB trên gà đã tạo điều kiện cho sản phẩm gia cầm của Công ty TNHH Koyu & Unitek được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Đây là mốc quan trọng cho ngành chăn nuôi gà của Việt Nam, bởi lần đầu tiên sản phẩm thịt gà đạt chuẩn được thị trường Nhật Bản chấp nhận.