150 doanh nghiệp Ấn Độ đến đất Sen hồng
Vừa qua, tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp diễn ra Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp. Đây là sự kiện lần đầu tiên, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị này để mời gọi doanh nghiệp Ấn Độ đến đầu tư tại tỉnh, cũng như hợp tác với các doanh nghiệp tại địa phương.
Hội nghị là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp Ấn Độ và doanh nghiệp Đồng Tháp trao đổi hợp tác về thương mại và đầu tư. Đến nay, có khoảng 150 doanh nghiệp Ấn Độ đăng ký tham gia chương trình. Qua đó cho thấy, thị trường Việt Nam nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ. Sự kiện cũng nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh đất và người Đồng Tháp, môi trường và cơ hội hợp tác đầu tư vào tỉnh để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chia sẻ tại sự kiện này, ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. HCM cho rằng, Việt Nam có thế mạnh về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Riêng Đồng Tháp, mỗi năm sản xuất 3,39 triệu tấn lúa, 183.000 tấn trái cây, trong đó sản lượng xoài của tỉnh lên tới 185.000 tấn trong một năm. Ngoài tiềm năng về phát triển nông nghiệp, Đồng Tháp là nơi tập trung các ngành công nghiệp khác như, da giày, dược phẩm, công nghệ thông tin và dệt may. Đây là các lĩnh vực mà doanh nghiệp Ấn Độ đang có thế mạnh cần hợp tác để phát triển.
“Ấn Độ có nhiều máy móc nông nghiệp có thể góp phần phần phát triển nông nghiệp Đồng Tháp. Ấn Độ có công nghiệp chế biến xoài, có thể hợp tác với Đồng Tháp trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu xoài. Ngoài ra lĩnh vực công nghiệp khác cũng có thể hợp tác với địa phương như chế biến gạo và những sản phẩm từ lúa gạo. Đặc biệt, công nghệ thông tin và sản xuất máy tính cũng là một lĩnh vực tiềm năng hợp tác với Đồng Tháp và ĐBSCL. Chúng tôi hy vọng qua Đồng Tháp, các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ tiếp cận với thị trường và đầu tư ở vùng ĐBSCL”, ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM khẳng định.
Còn về lĩnh vực thương mại, ông Madan Mohan Sethi cho rằng, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ năm 2022 đạt 15,1 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước, dự báo thương mại song phương đến năm 2025 có thể đạt con số 20 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Đồng Tháp sang Ấn Độ đạt trên 18 triệu USD trong năm 2022, tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2016. Đặc biệt, trong thời gian gần đây các lô hàng từ Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ ngày càng nhiều, bao gồm các sản phẩm nông sản.
Đồng Tháp là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, ngoài gạo và thuỷ sản có sản lượng xếp trong nhóm đầu cả nước, Đồng Tháp còn có nhiều loại cây ăn trái nổi tiếng, có thể đẩy mạnh xuất khẩu đến Ấn Độ như xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành. Đặc biệt địa phương còn có làng hoa Sa Đéc - một trong những vùng trồng hoa lớn nhất nước, cung cấp trên 12 triệu sản phẩm hoa kiểng mỗi năm. Hiện tỉnh đang tập trung phát triển công nghiệp chế biến. Đây thật sự là cơ hội cho doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư vào sản xuất các sản phẩm nông sản mang giá trị gia tăng tại Việt Nam để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu rất cao về thực phẩm chế biến tại quê nhà.
Đồng Tháp cam kết đồng hành
Tỉnh Đồng Tháp nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung, là khu vực sản xuất nông sản lớn nhất của Việt Nam rất hy vọng qua sự kiện gặp gỡ, giao thương lần này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Đồng Tháp và ĐBSCL đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản và đặc biệt là "hoa Sa Đéc" vào Ấn Độ.
Tại Đồng Tháp hiện có 2 doanh nghiệp do doanh nhân Ấn Độ đầu tư tại Khu công nghiệp Sa Đéc là: Công ty TNHH Dầu gạo Sethia Hemraj, Công ty TNHH Olam Global Agri Việt Nam. Trong đó, Công ty TNHH Dầu gạo Sethia Hemraj là doanh nghiệp Ấn Độ đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực chiết xuất, trích ly dầu từ cám gạo tại Đồng Tháp.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty TNHH Dầu gạo Sethia Hemraj đạt doanh thu 534 tỷ đồng và đang chuẩn bị các bước để thực hiện giai đoạn 2 của dự án, cũng như phát triển thêm sản phẩm dầu ăn đóng chai. Công ty TNHH Olam Global Agri Việt Nam tại TP Sa Đéc có diện tích 32.000m2, chính thức sản xuất vào tháng 3/2023 với sản phẩm thức ăn hỗn hợp dạng viên dành cho cá tra. Đến tháng 5, doanh thu đạt 51,4 tỷ đồng, sản lượng ước đạt 4.000 tấn. Hiện Công ty đang cải tạo lại nhà máy trên cơ sở mua lại từ doanh nghiệp trước đó để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đây là sự kiện quan trọng được tỉnh tập trung chuẩn bị từ nhiều tháng trước để đón trên 150 doanh nghiệp Ấn Độ về tham dự các hoạt động giao lưu, kết nối, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch và công nghệ thông tin. Đây cũng chính là thế mạnh của Đồng Tháp, mở ra cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.
Ngoài ra, với nguồn lao động trẻ dồi dào, trong đó có hơn 40% đã qua đào tạo cùng với với trên mười ngàn lao động đã và đang đi làm việc ở nước ngoài được rèn luyện tác phong công nghiệp, Đồng Tháp và Ấn Độ còn có tiềm năng mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như dệt may, công nghệ thông tin, dược phẩm… Hiện Đồng Tháp có 2 doanh nghiệp dược và thực phẩm là 2 ngành hàng đầu cả nước, mong muốn có cơ hội phát triển hợp tác liên doanh, giúp chuyển giao các công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, nhất quán chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, chúng tôi đã chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án.
Hiện tại, Đồng Tháp đang kêu gọi nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh như: Tân Kiều, Tân Lập, Trường Xuân, Quảng Khánh. 2 khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn là Thường Phước và Dinh Bà đã được xây dựng hoàn chỉnh, sẵn sàng cho việc triển khai thi công dự án. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính nhanh chóng, chính quyền thân thiện… đang mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Ấn Độ tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh tại vùng Đất sen hồng.
Cũng theo ông Nghĩa, một lợi thế khác là thời gian gần đây, mạng lưới giao thông ở ĐBSCL đang được Chính phủ quan tâm đầu tư, hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm. Mới đây tuyến đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu đã chính thức khởi công, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. HCM đến Đồng Tháp chỉ còn 2 giờ đồng hồ, tạo thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp trong vùng. Ngoài ra, Đồng Tháp còn có hệ thống giao thông thủy, với 2 bến cảng nằm bên bờ sông Tiền giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện ra biển Đông và Campuchia.
“Hiện nay, Đồng Tháp có trên 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực. Sự kiện kết nối thương mại đầu tư sẽ là cơ hội để doanh nghiệp trong tỉnh và doanh nghiệp Ấn Độ tiếp cận, giao lưu, tìm hiểu nhu cầu, kết nối, hợp tác vươn xa” ông Nghĩa kỳ vọng.