| Hotline: 0983.970.780

Đánh thức tiềm năng miền biên viễn [Bài 4]: Doanh nghiệp phát tài, Lai Châu phát triển

Thứ Sáu 07/04/2023 , 08:28 (GMT+7)

Với định hướng quy hoạch không gian phát triển là 'Một trục - Hai vùng - Ba trụ cột', Lai Châu cam kết tạo những ưu đãi tốt nhất có thể cho doanh nghiệp.

Sau gần 20 năm chia tách và thành lập tỉnh, Lai Châu đã thu hút được hơn 160 dự án của các nhà đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 83.000 tỷ đồng. Trong số đó, 19 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản có tổng số vốn gần 4.500 tỷ đồng.

Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở NN-PTNT Lai Châu, nhằm làm rõ hơn những chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư và danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

b822165f0f4ad3148a5b

Giám đốc Sở NN-PTNT Lai Châu, Đặng Văn Châu cho biết, tỉnh có rất nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư. Ảnh: Đinh Tùng

- Lai Châu là tỉnh biên giới, với đất nông nghiệp chiếm phần lớn tỷ lệ diện tích tự nhiên. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã có những cơ chế, chính sách nào để tạo điều kiện, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp?

Lai Châu có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp như tỷ lệ che phủ rừng cao hơn trung bình cả nước (51%), diện tích mặt nước, diện tích đất lâm nghiệp lớn và đặc biệt đất tương đối “sạch” do ít chịu tác động của phân bón hóa học.

Từ những năm đầu tái lập tỉnh, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 12/2008 về chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư; Quyết định số 8/2013 về quy định các chính sách hỗ trợ đầu tư, trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi; Quyết định 1003/2010 và 315/2012 về phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư. Cùng với đó, tỉnh còn Quyết định số 75/2006 về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010; Quyết định số 441 về ban hành tạm thời chính sách hỗ trợ đầu tư và cơ chế quản lý vùng nguyên liệu chè tập trung...

Dựa trên chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh các chính sách về miễn, giảm tiền thuê đất sản xuất nông nghiệp, các chính sách hỗ trợ tích tụ đất đai cho doanh nghiệp, hoặc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là liên quan tới dự án đầu tư về chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.

grab4f970Pu_20Ta_20Leng

Lai Châu có nhiều bản du lịch sinh thái độc đáo và đỉnh Putaleng cao 3.049m - một trong ba đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Ảnh: Đinh Tùng

Với những doanh nghiệp liên kết người dân theo chuỗi, Lai Châu còn hỗ trợ cả về giống, vật tư đầu vào với mức ưu đãi rất cao. Chẳng hạn, 100% chi phí về giống cây, 50% chi phí vật tư phân bón, thuốc BVTV… Chúng tôi luôn “trải thảm đỏ”, lấy đó làm lợi thế cạnh tranh, làm sao để doanh nghiệp bớt được phần khó khăn về giao thông, đi lại khi đến với Lai Châu.

Với phương châm: “Doanh nghiệp phát tài, Lai Châu phát triển”, tỉnh cam kết thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp không quá 2 ngày; cấp quyết định chủ trương đầu tư không quá 2/3 thời gian theo quy đinh; cấp phép xây dựng không quá 10 ngày. Ngoài ra, các thủ tục về thuế, hải quan, giải phóng mặt bằng… luôn được quan tâm để thực hiện thuận tiện, nhanh chóng. Nhiều đơn vị hỗ trợ, cung cấp thông tin được thành lập như Trung tâm Tư vấn và xúc tiến đầu tư, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch.

- Theo ông, công cuộc xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Lai Châu đã gặp những thuận lợi và thách thức nào?

Địa phương đã tổ chức và tham gia rất nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, cả trên địa bàn tỉnh lẫn các chương trình của bộ, ban, ngành và tỉnh bạn. Mục đích để tăng cường kết nối và cung cấp cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu đầu tư vào Lai Châu thông tin một cách đầy đủ nhất, nhiều nhất về các tiềm năng, lợi thế cũng như danh mục dự án đầu tư vào nông nghiệp. Chúng tôi hiểu rằng, trước khi đồng hành cùng Lai Châu, nhà đầu tư nào cũng muốn cảm nhận được sự tin tưởng.

Với tinh thần đó, cuối năm 2021, UBND tỉnh Lai Châu đã phối hợp Bộ NN-PTNT thực hiện hội nghị xúc tiến đầu tư. Đó là sự kiện tạo sức lan tỏa rất lớn, không chỉ riêng cho tỉnh mà còn là toàn bộ khu vực miền núi phía Bắc. Thông qua hội nghị, rất nhiều doanh nghiệp đã biết và quan tâm tới Lai Châu. Tỉnh đã được tiếp nhiều nhà đầu tư quan tâm đến khảo sát, đánh giá hiện trạng, tính khả thi để xây dựng. Bước đầu ghi nhận, số lượng doanh nghiệp và dự án đầu tư vào địa phương có xu hướng tăng theo thời gian.

bata5865-232848_583

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong một dịp thăm bản du lịch Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ. Ảnh: Đinh Tùng.

Khó khăn của Lai Châu khi thu hút đầu tư là khoảng cách địa lý khi cách Hà Nội tới 400 km. Qua quá trình tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy tâm lý ban đầu của nhà đầu tư là hơi e dè. Tuy nhiên, đến Lai Châu rồi họ mới thấy thực tế không hẳn như cái mọi người nghĩ. Nơi đây đa dạng về các tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Một vướng mắc nữa là chính sách đất đai. Do yếu tố lịch sử và tập quán canh tác, việc dồn điền đổi thửa, tập trung đất đai ở một số chỗ chưa đạt mong muốn. Hy vọng rằng sau khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, Lai Châu sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn này.

Như ông vừa chia sẻ, tỉnh đã phối hợp Bộ NN-PTNT để tái cơ cấu ngành nông nghiệpthu hút đầu tư trên địa bàn. Xin ông đánh giá công tác này như thế nào và nêu một số định hướng triển khai thời gian tới?

Dấu ấn lớn nhất của hợp tác này có lẽ là việc giới thiệu các doanh nghiệp tiềm năng, uy tín để nghiên cứu đầu tư vào Lai Châu. Cùng sự quan tâm của Bộ trưởng và các Thứ trưởng khi lên thăm, động viên tỉnh nhiều lần, Lai Châu có thêm nhiều cơ hội hợp tác với các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là trong khâu chọn tạo, chuyển giao giống, khoa học công nghệ. Hiện tỉnh có nhu cầu lớn về các giống có năng suất, chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và rất mong được tham gia những chương trình, đề án, chính sách liên quan.

Với đặc điểm tự nhiên, Lai Châu có thế mạnh về phát triển dược liệu dưới tán rừng. Trong đó, sâm Lai Châu được xem là mũi nhọn nhờ giá trị kinh tế và hàm lượng saponin cao. Vừa qua, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm tìm biện pháp căn cơ phát triển sâm Lai Châu bền vững, tương lai có thể trở thành sản phẩm chủ lực quốc gia.

các đc lãnh đạo Thăm sâm 2

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng khảo sát mô hình trồng sâm tại huyện Mường Tè. Ảnh: Đinh Tùng

Trong định hướng đến năm 2050, Lai Châu đặt mục tiêu: Tăng trưởng GRDP trung bình 9-10%; Lượng khách du lịch tăng trưởng bình quân 20%/năm; Giá trị xuất nhập khẩu tăng 11,5%/năm… Trên cơ sở ấy, tỉnh đã định hướng bố trí không gian và các trụ cột của tỉnh Lai Châu là: “Một trục – Hai vùng – Ba trụ cột”. Cụ thể: Một trục là trục trọng yếu phát triển kinh tế kết nối Than Uyên – Tân Uyên – TP. Lai Châu – Phong Thổ và Cửa khẩu Ma Lù Thàng. Hai vùng là vùng kinh tế động lực (Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, TP. Lai Châu) và vùng kinh tế nông lâm sinh thái sông Đà (Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè). Ba trụ cột là dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp.

Lai Châu hy vọng nhận sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao… để cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư, cũng như kết nối tiêu thụ, xuất khẩu và mở biên hơn nữa cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Chúng tôi hiểu rõ, rằng nếu chi phí logistics quá cao, sản phẩm sẽ mất lợi thế cạnh tranh dù chất lượng tốt đến đâu.

- Xin cảm ơn ông!

Giám đốc Sở NN-PTNT Đặng Văn Châu cho biết, ngành nông nghiệp Lai Châu hiện trăn trở với vấn đề truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông lâm sản. Để có thể thực hiện một cách bài bản, ông kiến nghị Bộ NN-PTNT cho phép thành lập một trung tâm sản xuất giống cho địa bàn. Mô hình này có thể thông qua các doanh nghiệp làm cầu nối, trước khi đưa vào sản xuất.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.