Chỉ đạo sát trên cơ sở thực tiễn
Xin Thứ trưởng đánh giá về kết quả của ngành nông nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2023?
Về xuất khẩu nông, lâm thủy sản, ngành nông nghiệp đã có bước chuyển biến tích cực, thể hiện rõ nhất ở con số. Từ việc giảm 68% trong tháng 1/2023, đến tháng 5 ngành chỉ còn giảm 11,1%. Giá trị xuất khẩu đạt 20,26 tỉ USD.
Nếu theo đà này, dự kiến hết quý III, chúng ta có thể bắt kịp kỷ lục xuất khẩu năm 2022 và hoàn toàn đủ cơ sở để đạt mục tiêu 55 tỉ USD Chính phủ giao vào cuối năm. Đặc biệt, giá trị xuất siêu của toàn ngành tiếp tục được giữ ở mức cao.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng thay đổi khá rõ nét. Thị trường Hoa Kỳ từ 26,4% giờ chỉ còn hơn 20%, thị trường Trung Quốc tăng từ 17,6% lên hơn 21%. Trước sự biến động của thị trường như vậy, chúng ta phải linh hoạt tiến hành các biện pháp xúc tiến thương mại ở các thị trường cũng như các đối tượng khác nhau.
Những tháng đầu năm 2023 ghi nhận bước đột phá của ngành hàng lúa gạo, trong đó giá bán tăng từ 485 USD/tấn lên 495 USD. Đó là thành quả từ việc phủ kín các giống lúa chất lượng cao ở khắp các vùng sinh thái, nhất là các khu vực trọng điểm nông nghiệp như ĐBSCL. Nhờ đó, năng suất lúa tiếp tục tăng, lên mức 67,4 tạ/ha, đảm bảo tổng sản lượng dù diện tích gieo trồng giảm.
Hiện nhiều loại trái cây vào vụ thu hoạch như sầu riêng, mít, vải. Tôi được biết, nhiều doanh nhân Trung Quốc đã vào Bắc Giang. Bản thân các tỉnh này cũng dày dạn kinh nghiệm về quảng bá, xúc tiến thương mại, cũng như giữ quan hệ mật thiết với các tỉnh biên giới của Trung Quốc. Do đó, Bộ NN-PTNT tin tưởng vào một vụ mùa thành công nữa của nông sản Việt.
Trong công tác tổ chức sản xuất, những khó khăn vẫn tồn tại từ các tháng trước, đó là giá vật tư đầu tăng cao thách thức về biến đổi khí hậu, hạn hán, thiên tai. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT đã hết sức chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành. Ngay từ cuối năm 2022, kết quả sản xuất của chúng ta vẫn đáp ứng được yêu cầu, thể hiện rõ nét ở ngành hàng lúa gạo. Cụ thể, đến giữa tháng 5/2023, sản lượng đạt 17,46 triệu tấn, tăng gần 1%, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như đóng góp cho thế giới.
Về chăn nuôi, dù giá thức ăn lên rất cao nhưng Việt Nam có lợi thế ở khả năng khống chế dịch bệnh. Do vậy, đàn lợn đạt 26 triệu con, tăng trưởng mức 2,6%, đàn gia cầm tăng 1,3% và đàn bò 6,41 triệu con, tăng 1,2%. Về thủy sản, sản lượng hết tháng 5/2023 đạt 3,4 triệu tấn, tăng 1,4%. Sản lượng gỗ rừng trồng là 11,54 triệu mét khối, tăng 3,3 %.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn thẳng thực tế, là tốc độ tăng trưởng toàn ngành có xu hướng chậm lại. Đây là thực tiễn mà chúng ta phải rà soát, xem xét để tiếp tục có những chỉ đạo để duy trì đà tăng trưởng từ nay đến hết năm 2023.
Tìm nguồn xung lực mới
Để lấy lại tốc độ tăng trưởng cho toàn ngành và đạt các mục tiêu Chính phủ giao, ngành nông nghiệp đã đề ra những biện pháp và kế hoạch nào?
Qua các chuyến thị sát vừa qua, tôi nhận thấy rất nhiều ngành, lĩnh vực không có đơn hàng. Công nhân, người lao động chỉ làm một số buổi trong tháng hoặc một số buổi trong tuần, gây ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, kéo theo nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng giảm đi. Thêm vào đó là xung đột địa chính trị, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn ra trên quy mô toàn cầu.
Trong một thế giới như vậy, tiến bộ khoa học công nghệ là yếu tố quyết định giúp chúng ta duy trì tốc độ tăng trưởng, cũng như đảm bảo mọi quy trình canh tác, chăm sóc, phòng bệnh đến sơ chế, đóng gói, chế biến.
Ngành nông nghiệp đã tích cực hợp tác, liên kết chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào, cũng như chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công trình khoa học từ khối viện, trường ra ngoài sản xuất, giúp làm tăng sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp chịu ảnh hưởng của yếu tố thị trường, mùa vụ, kể cả dịch bệnh. Đó là lý do đưa Bộ NN-PTNT đến quyết định tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, các buổi làm việc với địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, HTX để công tác điều hành sát thực tiễn.
Một vấn đề nữa là hạ tầng nông nghiệp còn nhiều vấn đề. Do đó, công tác tổ chức giải ngân vốn đầu tư công cũng là một yêu cầu rất cấp bách. Hiện Bộ NN-PTNT đã giải ngân được 27,62%, dự kiến hết tháng 6/2023 sẽ đạt 34 - 35%.
Không thể không nhắc đến vai trò của truyền thông. Đây là năm thứ ba chúng ta thực hiện Nghị quyết Trung ương 13 và còn gần hai năm rưỡi nữa là phải về đích. Cho nên truyền thông cần tham gia, tạo sức mạnh tổng thể cho ngành nông nghiệp thực hiện được mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái là cả quá trình chuyển đổi. Muốn làm được, chúng ta phải có những giải pháp căn cơ, đồng bộ, trong đó có chuyển đổi số, đồng thời chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ chuỗi đơn giá trị sang đa giá trị.
Bên cạnh yếu tố nội lực, ngành nông nghiệp còn cần thêm những xung lực nào để phát triển bền vững, tạo sinh kế ổn định cho bà con nông dân?
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhắc về việc xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng. Muốn vậy, rõ ràng chúng ta cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp, làm sao để số lượng doanh nghiệp và quy mô các doanh nghiệp khu vực này phát triển, đồng thời liên kết sản xuất một cách mạnh mẽ theo chuỗi ngành hàng.
Cần phải coi những sự hợp tác đó như những "trung tâm", kéo theo sự tham gia của các trang trại, bà con nông dân để tập trung theo chuỗi và gắn kết thị trường. Dù vậy, tại khu vực nông nghiệp mới chỉ có khoảng 15.400 doanh nghiệp, với mức đầu tư cho nông nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của toàn ngành.
Xúc tiến đầu tư, vì thế có thể coi là xung lực cho ngành tăng tốc. Chúng ta phải thay đổi nếp nghĩ, rằng không phải khi có sản phẩm mới đi xúc tiến mà cần tính sẵn yêu cầu của thị trường. Trước khi xuất khẩu đi khu vực nào thì nắm chắc thị trường đó đòi hỏi công nghệ gì, tiêu chí và quy chuẩn gì. Khi biết rồi thì kêu gọi sự đồng hành của doanh nghiệp cùng địa phương và các Bộ, ban, ngành phối hợp đầu tư công nghệ cao, chuỗi khép kín từ giống, thức ăn dinh dưỡng, thú y, phòng bộ, xây dựng vùng an toàn sinh học.
Vừa qua, nhân chuyến công tác châu Âu, tôi nhận thấy các quốc gia tại đây đánh giá cao Việt Nam. Họ cho rằng chúng ta là một đối tác tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Nhiều nước châu Âu đã và đang đàm phán để đưa nông sản Việt Nam tới châu lục này nhiều hơn. Phải khẳng định ngoài yếu tố về quy mô dân số, quy mô nền kinh tế, ảnh hưởng chính trị chúng ta là “cầu nối” rất quan trọng của khu vực ASEAN.
Đặc biệt, Việt Nam từ năm 1956 đến giờ mới có một lãnh đạo Bộ phát biểu tại Hội nghị Thú y thế giới. Bài phát biểu của Bộ NN-PTNT được đánh giá rất cao. Ngoài ra, 11 chương trình hợp tác đã được Bộ đề xuất, với trọng điểm là việc nghiên cứu sản xuất vacxin, thử nghiệm, đánh giá vacxin, thuốc thú y, phòng chống dịch bệnh, đào tạo đội ngũ và trang thiết bị.
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 25,8 tỉ USD. Để làm được điều này, Bộ NN-PTNT chỉ đạo đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, liên minh kinh tế Á - Âu...