| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 14/09/2019 , 06:50 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 06:50 - 14/09/2019

Đồng tiền hối lộ tấn công đạo đức quan trường

Cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất và tống đạt kết luận điều tra đại án MobiFone mua 95% cổ phần AVG với giá 8900 tỷ đồng, gây thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước.

Đáng sợ hơn, hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông là ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn đã thừa nhận bản thân thu lợi bất chính từ thương vụ tai tiếng này.

14-11-10_vg-mobifone
Ảnh minh họa.

Vụ án MobiFone thua lại AVG là một sự nhũng nhiễu ngược dòng. Bởi lẽ, từ nhiều năm nay quan chức chủ yếu tiếp tay cho tư nhân thao túng các cuộc mua bán công sản. Còn ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo và thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước là MobiFone tham gia mua bán cổ phần của AVG là một doanh nghiệp tư nhân do ông Phạm Nhật Vũ làm đại diện. Khi mới ra đời, AVG được quảng bá rất rầm rộ và từng được hy vọng sẽ đem lại diện mạo đột phá cho công nghệ truyền hình. Thế nhưng, do đầu tư dàn trải và quản lý yếu kém, AVG trở thành một gáng nặng cho Phạm Nhật Vũ và những kẻ đồng sở hữu.

Để biến đống nợ AVG thành một món hời béo bở, Phạm Nhật Vũ đã cậy nhờ đến thế lực của những quan chức tha hóa. Thông qua vai trò Lê Nam Trà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị MobiFone, một kế hoạch ngoạn mục đã được tính toán kỹ lưỡng và thực thi man trá. Dự án MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG có sự tham gia trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông - Nguyễn Bắc Son, thì hầu như không có trở ngại gì.

Dù trên nguyên tắc, Bộ Thông tin - Truyền thông không có chức năng và điều kiện để xác định giá mua, hiệu quả của dự án, và Văn phòng Chính phủ đã xin ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhưng hai cơ quan trên cũng chưa có ý kiến phản hồi, nhưng ông Nguyễn Bắc Son vẫn cố ý đẩy nhanh tốc độ thương vụ. Cụ thể, ông Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo ông Trương Minh Tuấn (là thứ trưởng khi ấy) ký quyết định phê duyệt dự án.

Vì sao phải gấp gáp như vậy? Vì đến tháng 4/2016, thì ông Nguyễn Bắc Son chính thức về hưu, nên dự án phải triển khai ngay trong năm 2015. Chính ông Nguyễn Bắc Son thừa nhận đã gạch bỏ nội dung "giao Hội đồng quản trị MobiFone chịu trách nhiệm quyết định giá mua" tại tờ trình và gạch bỏ "Quyết định giá mua" tại Điều 2 dự thảo quyết định, đồng thời có bút phê cho cấp dưới hoàn tất dự án. Theo trích lục lời khai của cơ quan điều tra, thì "động cơ dẫn đến các sai phạm là do cựu bộ trưởng mong muốn thực hiện dự án trước khi nghỉ hưu để tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ công tác của mình, mặt khác muốn MobiFone và AVG phải nhớ đến tên Son".

Kinh doanh lĩnh vực truyền hình đòi hỏi nhiều giải pháp kỹ thuật và giải pháp kinh tế khác hẳn kinh doanh viễn thông di động, đó là điều ông Lê Nam Trà và dàn lãnh đạo MobiFone đều biết. Thế nhưng, họ vẫn lấy tiền của MobiFone có 100% vốn Nhà nước để thâu tóm AVG một cách hùng hổ và ngờ nghệch. Nếu phía sau không có hứa hẹn lợi ích cá nhân, thì chắc chắn chẳng ai chịu làm. Một doanh nghiệp đang lao đao như AVG đã được phù phép bằng các loại thủ thuật ranh ma để… qua mặt thiên hạ. Thậm chí, còn xuất hiện tin đồn AVG được một công ty nước ngoài đặt cọc 10 triệu USD để mua lại. Tin đồn dĩ nhiên do phía Phạm Nhật Vũ tung ra, và những người tích cực cổ vũ cho tin đồn ấy là những quan chức Bộ Thông tin Truyền thông.

Khi mọi chuyện vỡ lở, ông Nguyễn Bắc Son mới khai rằng: Trong quá trình thực hiện dự án, Chủ tịch AVG - Phạm Nhật Vũ đã nhiều lần liên lạc gọi điện thoại, nhắn tin cho vị Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông để hối thúc, mong muốn ông Nguyễn Bắc Son chỉ đạo sớm nhằm bán được cổ phần của AVG. Bản thân ông Nguyễn Bắc Son cũng ý thức mình sắp rời khỏi cương vị uy quyền, nên muốn dự án trót lọt để các cổ đông AVG sẽ "cảm ơn" ông bằng vật chất.

Thực tế đã diễn ra giống như kịch bản chi tiết của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông. Sau khi số tiền hàng ngàn tỷ đồng chảy tài khoản MobiFone sang tài khoản AVG, thì lập tức ông Phạm Nhật Vũ đến nhà riêng của ông Nguyễn Bắc Son tại phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội để đưa số tiền 3 triệu USD. Ngoài ra, ông Nguyễn Bắc Son còn nhận 200 triệu đồng từ ông Cao Duy Hải - Tổng Giám đốc MobiFone và 200 ngàn USD từ ông Lê Nam Trà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị MobiFone.

Một thương vụ dùng vốn Nhà nước lẽ ra phải có lợi cho Nhà nước, hoặc phải có lợi cho cả doanh nghiệp Nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân, thì nơi hưởng lợi đầu tiên lại là túi tiền của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông. Thử hỏi, nếu ông Nguyễn Bắc Sơn không có động cơ đen tối thì thương vụ MobiFone - AVG có dễ dãi như vậy không? Nói cách khác, ông Nguyễn Bắc Sơn đã tranh thủ dự án này để hốt cú chót, trước khi giã từ cuộc đời quan chức! Hành vi của ông Nguyễn Bắc Son đã khiến ngân sách mất đi khoảng 7.000 tỷ đồng.

Trong đại án MobiFone - AVG, lần đầu tiên có hai vị Bộ trưởng cùng bị khởi tố tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng” và “nhận hối lộ”.

Ông Trương Minh Tuấn đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật, khi ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông chưa được bao lâu. Lúc đang làm Thứ trưởng, ông Trương Minh Tuấn đã rất năng nổ giúp sức cho những sai phạm của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong quá trình đổi trắng thay đen để MobiFone mua cổ phần AVG.

Tương tự thượng cấp bất minh, ông Trương Minh Tuấn cùng thừa nhận tại cơ quan điều tra: ông Phạm Nhật Vũ đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin thúc giục ông triển khai nhanh thương vụ MobiFone - AVG với nhiều ngọt lạt đưa đẩy.

Ông Trương Minh Tuấn từng chủ biên cuốn sách “Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”, nên thừa hiểu những dích dắc xung quanh cái bắt tay mờ ám. Tuy nhiên, chỉ cần được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, thì ông Trương Minh Tuấn vẫn lấy tư cách thứ trưởng để ký duyệt dự án. Kết quả, ông Phạm Nhật Vũ đã cung kính mang 200 ngàn USD đến tận cơ quan để “cảm ơn”, và ông Trương Minh Tuấn vui vẻ đón nhận.

Được xác định như một gạch nối quan trọng cho thương vụ quái dị, ông Lê Nam Trà - Chủ tịch Hội đồng quản trị MobiFone có hưởng chút đỉnh mật mỡ nào không? Theo lời khai của ông Lê Nam Trà, thì ông Phạm Nhật Vũ cũng "tình thương mến thương" trao cho ông Lê Nam Trà số tiền 2,5 triệu USD. Như vậy, ông Lê Nam Trà chỉ hưởng lợi trực tiếp từ cuộc mua bán MobiFone - AVG ít hơn 500 ngàn USD so với ông Nguyễn Bắc Son.

Ông Lê Nam Trà không bất ngờ với sự “cảm ơn” ấy, vì kết luận của cơ quan điều tra nêu rõ: "Bị can Lê Nam Trà thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son với mong muốn giữ được chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Mobifone và sẽ được "lại quả" sau khi thực hiện xong dự án. Hành vi của Lê Nam Trà đã giúp sức cho Nguyễn Bắc Son đạt được ý chí, mục đích”.

Bây giờ, Luật Phòng chống tham nhũng cũng đã quy định tội danh dành cho doanh nghiệp tư nhân. Ông Phạm Nhật Vũ đã đưa hối lộ một cách có mục đích và có hệ thống như vậy, cũng là một dấu hiệu cho thấy sự nguy hiểm của giới tài phiệt trong khả năng công phá đạo đức quan trường và gây họa cho xã hội. Bởi lẽ, đại án MobiFone - AVG không chỉ làm thất thoát số tiền lớn của ngân sách, mà còn để lại hệ lụy là làm chậm quá trình cổ phần hóa MobiFone để đưa lên sàn giao dịch chứng khoán. Thương hiệu MobiFone sau cuộc mua bán chấn động, đã hao tổn nghiêm trọng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm