Có những cánh đồng nông hộ, những trang trại, những hợp tác xã mà thu nhập hàng năm lên đến vài tỷ đồng mỗi héc-ta; đưa sản phẩm nông nghiệp dễ dàng hội nhập thị trường thế giới vốn dĩ rất khó tính, tô điểm cho cao nguyên thêm xanh...
Từ một tổ liên kết sản xuất nhỏ để đến nay, sản phẩm cà phê của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Dịch vụ Công Bằng Ea Kiết đã vươn ra thị trường thế giới.
Bằng chứng là sản phẩm cà phê của HTX được chứng nhận cà phê bền vững Fairtrade, đời sống xã viên được nâng cao, góp phần khẳng định thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột...
Từ khó khăn ban đầu
Năm 2008, Tổ liên kết Thương mại Công Bằng Ea Kiết (huyện Cư M'gar, tỉnh Đăk Lăk) được thành lập. Lúc đó, tổ tập hợp được 48 hộ thành viên tham gia chương trình cà phê bền vững với tổng diện tích 91,1 ha, sản lượng 360,5 tấn.
Tuy nhiên mô hình Tổ liên kết gặp nhiều hạn chế do tư cách pháp nhân không đầy đủ, dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, không thể mua bán, trao đổi với nước ngoài...
Tháng 3 năm 2011, HTX Dịch vụ Công Bằng Ea Kiết được thành lập, trên cơ sở Tổ liên kết, với mục đích là liên kết các hộ trồng cà phê có cùng nhu cầu được hỗ trợ về vật tư nông nghiệp, kỹ thuật canh tác, chế biến, bảo quản cà phê;
Đồng thời cùng nhau cam kết ứng dụng và tuân thủ các tiêu chuẩn canh tác cà phê tiên tiến của thế giới, nhằm làm gia tăng giá trị của sản phẩm cà phê và nâng cao kiến thức thương mại cho nông dân.
HTX được thành lập với chức năng trồng và chế biến cà phê quả tươi chứng nhận Fairtrade; tiêu thụ sản phẩm cà phê, nông sản, vật tư nông nghiệp; dịch vụ phân bón các loại và chế biến cà phê bột.
Việc thành lập HTX nhằm hướng đến mục tiêu mở rộng thị trường, mở rộng ngành nghề kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho bà con xã viên được tiếp cận các chính sách của Nhà nước và của các tổ chức; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...
Tuy nhiên, những ngày đầu mới thành lập là chuỗi ngày gặp vô vàn khó khăn. Những người đứng ra kêu gọi thành lập HTX cũng là nông dân như mọi người khác nên chưa thể tạo được niềm tin.
Hơn nữa, nông dân từ trước đến nay chỉ quen canh tác cà phê theo lối truyền thống, bây giờ nghe đến việc canh tác cà phê theo hướng bền vững với những tiêu chí, những quy định khắt khe, nhiều người không dễ dàng chấp nhận.
Ông Trần Thanh Sơn - Phó Giám đốc Kinh doanh của HTX, cho biết những ngày đầu, vận động bà con gia nhập vào HTX rất khó khăn.
Thời gian đầu, kinh phí chưa có nên Hội đồng quản trị cùng Ban Quản lý HTX phải làm không lương suốt một thời gian dài. Hơn nữa, một số cán bộ quản lý HTX chưa qua các lớp đào tạo cơ bản, do vậy không theo kịp sự đổi mới từng ngày của cơ chế thị trường.
Còn nữa, vườn cây của bà con lúc ấy phân tán, không đồng đều, không thật sự tốt do canh tác thiếu định hướng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, theo đó việc định hướng sản xuất cà phê bền vững cho bà con gặp nhiều khó khăn...
Đến thành quả hôm nay
Vượt qua những khó khăn ban đầu để đến bây giờ, vùng cà phê của HTX đã thực sự là những cánh đồng vàng trên cao nguyên ngút xanh này.
Hiện HTX đã có 97 thành viên tham gia chương trình cà phê bền vững FLO, với tổng diện tích 183,3 ha, tổng sản lượng là 722,2 tấn. Sản phẩm của HTX đã được Tổ chức Thương mại Công bằng thế giới cấp chứng nhận cà phê bền vững Fairtrade.
Nhờ làm ăn hiệu quả nên HTX đã luôn qua tâm đến công tác an sinh xã hội. Hàng năm, HTX đã hỗ trợ các thành viên phân bón, cây giống và cây chắn gió; tạo công ăn việc làm cho rất nhiều con em trên địa bàn; lập quỹ khuyến học để kịp thời hỗ trợ, động viên con em thành viên đạt thành tích cao trong học tập. HTX cũng đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để cùng địa phương tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới... |
Hạt cà phê ở đây đã vươn đến và được đón nhận ở những thị trường khó tính nhất trên thế giới. Từ đây, HTX đã xây dựng được một thương hiệu mạnh trên thị trường thế giới cho vùng cà phê Ea Kiết (cà phê Robuta chế biến ướt chứng nhận Fairtrade).
Do sản phẩm được chứng nhận Fairtrade nên đầu ra rất ổn định (đầu ra sản phẩm do Cty TNHH DakMan Việt Nam thu mua). So với thị trường cà phê nhân xô thì sản phẩm của HTX luôn cao hơn từ 2.000-3.000 đồng/kg, đối với cà phê chế biến ướt giá bán cao hơn thị trường 6.000 đồng/kg.
Từ đó, bà con nông dân đã có ý thức hơn trong việc sản xuất cà phê bền vững, áp dụng các giải pháp thực hành nông nghiệp tốt, chất lượng sản phẩm được nâng cao, môi trường được cải thiện, mối quan hệ cộng đồng ngày thêm gắn bó...
Ông Sơn cho biết thêm, nhờ sản xuất cà phê bền vững nên lợi nhuận hàng năm của bà con tăng thêm từ 25-30 triệu đồng mỗi hộ so với những hộ không tham gia vào HTX; năng suất vườn cây tăng từ 10-15%, tuổi thọ vườn cây cũng được tăng do chăm sóc đúng cách, trong khi chi phí sản xuất thì lại giảm.
Chị Nguyễn Thị Hiếu (thôn 5, xã Ea Kiết) có vườn cây 1,8 ha, chị gia nhập vào HTX từ những ngày đầu mới thành lập. Ngừng tay hái cà phê, chị cho biết, ngày đầu còn chưa tin tưởng vào HTX cũng như cách làm mới này.
Tuy nhiên càng làm càng thấy hay, chị và bà con đã học được rất nhiều điều trong phương pháp sản xuất cà phê bền vững. Đến nay, vườn cà phê của chị đã cho năng suất ổn định. "Vui nhất là đầu ra ổn định, giá bán sản phẩm luôn cao hơn thị trường" - chị nói.