| Hotline: 0983.970.780

Dự án nâng cao năng lực quản lý ngành trồng trọt: 3 tỉnh về đích sớm

Thứ Ba 17/01/2012 , 10:25 (GMT+7)

Hiện đã có 3 tỉnh cơ bản hoàn thành thí điểm mô hình SX rau an toàn.

Một mô hình SX RAT của dự án
2011 là năm thứ hai Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) triển khai hiệu quả dự án Nâng cao năng lực quản lý ngành trồng trọt nhằm cải thiện sản lượng, chất lượng sản phẩm cây trồng do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Theo đó, có 3 tỉnh cơ bản hoàn thành thí điểm mô hình SX rau an toàn (RAT). 

Dự án có tổng số tiền trên 67 tỉ đồng, trong đó Chính phủ Nhật Bản tài trợ không hoàn lại hơn 64,5 tỉ đồng thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (gọi chung là dự án Jica).Vốn đối ứng của Việt Nam là trên 3 tỉ đồng (trích từ ngân sách của Bộ NN-PTNT). Thời gian thực hiện dự án là 3,5 năm, bắt đầu từ tháng 7/2010 và kết thúc vào tháng 1/2014.

 Dự án gồm 2 hợp phần chính là: Hợp phần bảo hộ giống cây trồng và hợp phần SX sản phẩm cây trồng an toàn. Trong đó, mục đích của hợp phần bảo hộ giống cây trồng là nâng cao năng lực và hoàn thiện hệ thống bảo hộ giống cây trồng nhằm đáp ứng các yêu cầu hội nhập, thực hiện được đầy đủ các nghĩa vụ thành viên của tổ chức UPOV (Hiệp hội Quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới) vào năm 2016. 

Mục đích dài hạn của hợp phần SX sản phẩm cây trồng là nâng cao nhận thức của nông dân và cán bộ nông nghiệp tại nơi thực hiện dự án, đồng thời nâng cao năng lực giám sát và quản lí việc SX sản phẩm cây trồng an toàn từ TƯ đến địa phương. Chúng tôi xin giới thiệu những kết quả chính của hợp phần SX sản phẩm cây trồng an toàn mà dự án đã thực hiện trong năm 2011.

Năm 2011, trong bối cảnh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có sản phẩm rau vẫn đang nhức nhối về tình trạng mất an toàn, dự án đã đặt trọng tâm vào việc thực hiện thí điểm việc SX RAT tại 4 HTX thuộc 3 tỉnh (trong tổng số 6 tỉnh triển khai dự án) tại miền Bắc gồm Hưng Yên, Hà Nam và Quảng Ninh.  

Tổng diện tích mô hình thực hiện thí điểm là trên 11 hecta, với 114 hộ nông dân tham gia. Dự án cũng đã lựa chọn 5 cán bộ kỹ thuật chuyên trách tại các điểm thí điểm nhằm hướng dẫn nông dân SX RAT. Cụ thể, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật và quy trình SX một số loại rau chính, cách sử dụng phân bón, thuốc BVTV, cách thu hoạch, bảo quản, sơ chế, bảo hộ lao động… Nông dân cũng được cán bộ dự án hướng dẫn thực hiện GAP cơ bản như lập biểu mẫu ghi chép nhật ký đồng ruộng và lưu trữ hồ sơ SX từ đầu cho tới khi bán sản phẩm (ngày giờ, nơi mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu; ngày giờ phun thuốc, bón phân…; tên người bán vật tư, người mua sản phẩm…).

Dự án đã hỗ trợ các vật tư đầu vào của SX như giống, phân bón, thuốc BVTV cho nông dân. Đồng thời xây dựng khu vực sơ chế, hỗ trợ máy cày, kéo và các thiết bị phục vụ học tập như máy chiếu, máy ảnh, máy tính… Nông dân và học viên tham gia dự án cũng được tiếp xúc và giao lưu với nhiều tình nguyện viên của Jica trực tiếp sang và làm việc tại Việt Nam.

Tại các điểm thí điểm, dự án cũng đã hướng dẫn nông dân thực hiện lấy 75 mẫu đất, 18 mẫu nước trên đồng ruộng nhằm phân tích các chỉ tiêu sinh hóa của đất, nước so với tiêu chuẩn cho phép. Đồng thời, dự án tổ chức được 3 khóa đào tạo/HTX thực hiện thí điểm và các xã vệ tinh trong năm 2011, với gần 250 lượt nông dân tham gia học cách SX RAT.  

Tại 6 tỉnh triển khai thí điểm, dự án cũng đã lựa chọn tổng cộng 30 học viên tham gia 3 khóa đào tạo giảng viên trong năm 2011, với nội dung đào tạo tập trung vào phổ biến các quy phạm pháp luật, chính sách liên quan đến SX cây trồng an toàn và GAP, giới thiệu GlobalGAP, AseanGAP, VietGAP, thực hành GAP cùng các kiến thức về IPM, kiến thức marketing, nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu… 

Kết quả, 30 học viên đã được Cục Trồng trọt cấp chứng chỉ, trở thành các cán bộ kỹ thuật hạt nhân tại các địa phương thực hiện dự án. Ngoài ra, dự án cũng đã cử các chuyên gia, giảng viên, nông dân của Việt Nam trực tiếp sang Thái Lan, Nhật để tham quan và học tập trực quan cách quản lí và SX RAT tại các mô hình tiên tiến, phù hợp với điều kiện áp dụng tại Việt Nam…

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.