| Hotline: 0983.970.780

Dự án nâng cao sản lượng, chất lượng cà phê

Thứ Sáu 05/07/2013 , 09:32 (GMT+7)

100 ngàn nông hộ trồng cà phê của Việt Nam sẽ được nâng cao kỹ thuật canh tác, hỗ trợ tái canh cũng như nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm...

100 ngàn nông hộ trồng cà phê của Việt Nam sẽ được nâng cao kỹ thuật canh tác, hỗ trợ tái canh cũng như nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm thông qua dự án của Cty Mondelez International.

SX thiếu bền vững

Sau cuộc khủng hoảng về giá năm 2001, mặc dù ngành cà phê đang dần phục hồi, song sản phẩm cà phê của Việt Nam vẫn bị tụt hậu về chất lượng. Độ ẩm của hạt cà phê xanh thường không đáp ứng tiêu chuẩn, bởi sự hình thành nhanh chóng của nấm mốc làm gia tăng nồng độ các chất gây ung thư.

Điều này xảy ra chủ yếu là bởi mùa thu hoạch cà phê thường trùng với thời điểm cuối mùa mưa, trong khi khâu sấy khô cà phê thường do các hộ tiểu nông đảm nhiệm, vì thế họ không có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư mua sắm các thiết bị cơ khí phục vụ cho hoạt động phơi sấy.

Bên cạnh đó, do áp lực về tài chính buộc các hộ tiểu nông phải sấy cà phê trên đất và bán cà phê chất lượng thấp có độ ẩm cao cho các cơ sở thu gom gần nhất.

Ngoài chất lượng cà phê, tính bền vững cũng là vấn đề ngày càng trở nên nổi cộm và được bàn tới nhiều hơn trong cộng đồng cà phê quốc tế cũng như ở Việt Nam.

Toàn bộ ngành công nghiệp cà phê – từ các nhà sản xuất tới toàn ngành – đều nhất trí cho rằng, cần phải tìm ra những biện pháp để đảm bảo hoạt động sản xuất cà phê không tạo ra mối nguy cho môi trường, cho cơ cấu xã hội cũng như phúc lợi kinh tế của những người trồng cà phê.


Người trồng cà phê ở Việt Nam sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp anh tác nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng

Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam, hiện ở nước ta, cà phê được trồng ở các khu vực miền núi chủ yếu là đất độc canh và sử dụng rất nhiều hóa chất nông nghiệp. Mặc dù các cơ chế canh tác này có thể tạo ra năng suất cao và lợi nhuận tài chính về ngắn hạn, nhưng sự bền vững kinh tế và môi trường lại là vấn đề lớn.

Ngoài ra, nông dân dường như đang rất thiếu hiểu biết về sự phát triển của thị trường cà phê quốc tế cũng như tình hình sinh thái cà phê địa phương. Nông dân cần được hỗ trợ để cải thiện khả năng quản lý cây cà phê như một phần không thể tách rời của hệ sinh thái rộng lớn.

Ngoài ra, nông dân cũng cần phải hiểu rằng, họ là một phần của thị trường hàng hóa quốc tế vốn đang trải qua nhiều biến động to lớn và vì thế, phải làm sao để thích ứng với một thị trường luôn thay đổi. Để quản lý tốt các lĩnh vực tài nguyên và tăng cường hiểu biết về thị trường cà phê, cần phải đưa ra một thông điệp khuyến canh rõ ràng hướng tới người nông dân và xây dựng các hệ thống phân phối phù hợp.

Hướng dẫn nông dân “câu cá”

Xuất phát từ thực tiễn, Cty Mondelez International, đã công bố đầu tư 200 triệu USD cho chương trình đào tạo nhằm nâng cao đời sống của 1 triệu nông dân (ngay trong năm 2012), trong đó có khoảng 100 ngàn nông dân Việt Nam, tìm cách tăng năng suất và làm cho nghề trồng cà phê trở thành một nghề có sức thu hút đối với các thế hệ tương lai.

Đây chính là chương trình Coffee Made Happy (Cà phê khơi nguồn hạnh phúc), mà khởi đầu là xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Tập huấn dành cho nông dân (FTC) tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Dự án FTC Bảo Lộc sẽ giúp Mondelez cung cấp ra thị trường toàn bộ sản phẩm cà phê theo tiêu chuẩn 4C vào năm 2015. Ông Hubert Weber, chủ tịch Cà phê toàn cầu của Mondelez International cho hay, mỗi nông dân trồng cà phê sẽ được học cách thức để trở thành một thương nhân thông qua cách quản lý hoạt động kinh doanh của mình hiệu quả với những kỹ năng đơn giản như sổ theo dõi lãi lỗ, tiết giảm chi phí đầu vào...

“Mục đích của Coffee Made Happy là truyền cảm hứng, khuấy động cách thức tiến hành kinh doanh bền vững cho nông dân thông qua đào tạo thúc đẩy các kỹ năng, công cụ và phương pháp trồng trọt. Đây cũng chính là giá trị cốt lõi và thông lệ kinh doanh của Mondelez”, ông Weber cho biết thêm.

Trước khi làm “cuộc cách mạng” với Coffee Made Happy, cần thấy rằng, nhiều công ty đa quốc gia bị chỉ trích vì đã tối đa hóa lợi nhuận đối với các chi phí dành cho môi trường và nông dân. Giá cà phê cao đã làm giảm bớt sự quan tâm đến các vấn đề của nông dân như lợi nhuận, canh tác bền vững và ô nhiễm môi trường.

Mondelez có cách làm khác, đó là tạo ra một hệ thống cung ứng cà phê có chất lượng theo hướng bền vững, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, mà Việt Nam là một trong những quốc gia đáp ứng được yêu cầu này. Theo ông Weber, các bước đơn giản như cắt tỉa, trồng cây che bóng cho cà phê có thể gia tăng sản lượng, nhưng nông dân các nước sản xuất lại không áp dụng nhất quán.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng nông dân sẽ có những ưu đãi thích hợp giành cho trang trại cà phê để họ không chuyển sang trồng các loại cây nhiên liệu sinh học, nơi mà họ có thể sẽ kiếm được nhiều tiền hơn và nhanh hơn,” ông nói.

“Chúng tôi không muốn đưa cá cho nông dân. Chúng tôi muốn chỉ họ biết cách câu cá. Nông dân chỉ tăng thu nhập vẫn chưa đủ, mà cần phải làm một điều gì đó thực sự cơ bản”, ông Weber cho biết. Bởi thế, việc hỗ trợ nông dân phương pháp canh tác, nâng cao sản lượng và chất lượng cà phê, tiết giảm chi phí đầu vào… là những mục tiêu mà Mondelez hướng cho nông dân trồng cà phê của Việt Nam thông qua dự án này.

Trao đổi với NNVN tại buổi họp báo công bố dự án Coffee Made Happy và khai trương FTC Lâm Đồng hôm qua (4/7), tại Hà Nội, ông Weber biết, cùng với các đối tác, trước mắt dự án sẽ đào tạo 1,5 ngàn nông dân về thực hành nông nghiệp tốt, giúp họ gia tăng sản lượng và chất lượng hạt. Thông qua đó, nông dân có thể SX 7 ngàn tấn cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Dự án cũng giúp nông dân tiết giảm ít nhất 15% chi phí đầu vào, qua đó nâng cao thu nhập cho họ.

Mondelez là một trong những nhà tiêu thụ cà phê lớn nhất tại Việt Nam. Doanh số toàn cầu năm 2012 của DN này đạt 35 tỷ USD với thị trường ở 165 nước trên thế giới. Cty cũng đứng đầu thế giới về SX sôcôla, bánh bích quy, cà phê, đồ uống dạng bột...

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Khám phá Nhà máy xanh TH true MILK: Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch

Không chỉ cung cấp những ly sữa tươi sạch TH true MILK, nhiều năm qua, Tập đoàn TH còn tham gia phát triển nền nông nghiệp Việt Nam xanh, bền vững.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.