| Hotline: 0983.970.780

Dự án triển khai chậm, sẽ kiên quyết cắt và chuyển vốn

Thứ Hai 23/07/2012 , 11:41 (GMT+7)

Địa phương nào thực hiện chậm các dự án ODA thuộc quản lí của Bộ NN-PTNT, sẽ bị cắt và chuyển vốn cho các dự án của địa phương khác.

Vụ HTQT khẳng định, sẽ kiên quyết cắt và chuyển vốn đối với án chậm thực hiện

Vụ Hợp tác quốc tế (HTQT, Bộ NN-PTNT) khẳng định, địa phương nào thực hiện chậm các dự án ODA (vốn vay nước ngoài hỗ trợ phát triển chính thức) thuộc quản lí của Bộ NN-PTNT, sẽ kiên quyết bị cắt và chuyển vốn cho các dự án của địa phương khác. 

Tại cuộc họp giao ban của 4 Ban quản lí Trung ương các dự án ODA  (gọi tắt là các CPO) thuộc Bộ NN-PTNT diễn ra vào ngày 18/7, BQL các dự án Nông nghiệp (CPO Nông nghiệp) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2012, tình hình giải ngân vốn vay của nhiều dự án ODA vẫn có tiến độ thực hiện chậm. Cụ thể 6 tháng đầu năm 2012, CPO Nông nghiệp mới chỉ giải ngân được 843 tỉ đồng, đạt 48,2% kế hoạch do Bộ NN-PTNT giao và chỉ đạt 31,4% so với kế hoạch mà CPO Nông nghiệp đăng ký thực hiện trong năm 2012.

Cụ thể, một số dự án ODA như dự án “Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung", 6 tháng đầu năm mới chỉ giải ngân được 428 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch do Bộ NN-PTNT giao. Tương tự, dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh MNPB” chỉ giải ngân được 36 tỉ đồng, đạt 33% kế hoạch; dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP” đạt 52 tỉ đồng, bằng 20% kế hoạch; Dự án “Quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh” chỉ đạt 15 tỉ đồng – bằng 10% kế hoach… Trong tổng số 10 dự án ODA của CPO Nông nghiệp quản lí, chỉ có 3 dự án có tiến độ giải ngân đến thời điểm này vượt quá 50% kế hoạch năm mà Bộ NN-PTNT giao, cá biệt như Hợp phần B và một phần của Hợp phần C của Dự án cao su tiểu điền, đến nay mới chỉ giải ngân được 5% kế hoạch…

Về những nguyên nhân khiến các dự án bị chậm triển khai, ông Nguyễn Hữu Khương, Trưởng ban CPO Nông nghiệp cho rằng, các dự án ODA về lĩnh vực nông nghiệp hiện có đặc thù rất khó khăn khi triển khai, đặc biệt là “vướng” về quy hoạch tại địa phương. Theo ông Khương, có nhiều dự án về trồng trọt hay chăn nuôi đã triển khai 3 năm nhưng vẫn không thể thực hiện được, nguyên nhân là khi triển khai, dự án vẫn chưa được địa phương duyệt lọt vào vùng quy hoạch SX. Một vướng mắc khác, theo ông Khương đó là nhiều tỉnh hiện nay thực hiện cấp vốn đối ứng hết sức chậm chạp, thậm chí không có khả năng cấp vốn đối ứng khiến nhiều dự án bị “ngâm” nhiều năm liền.

Để giải quyết dứt điểm thực trạng này, bà Nguyễn Thị Tuyết Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (HTQT) khẳng định, các địa phương từ nay phải ký cam kết thực hiện vốn đối ứng trước khi triển khai, nếu không thì kiên quyết không triển khai dự án. Tuy nhiên cũng theo bà Hòa, để đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân các dự án trong điều kiện nguồn vốn tự có của các địa phương rất khó khăn như hiện nay, phải cắt giảm tỉ lệ vốn đối ứng theo hướng từ ở mức 15 – 20% như trước đây xuống mức thấp nhất có thể. Thay vì tư duy muốn cho tổng mức đầu tư các dự án “càng lớn càng tốt” như trước đây, dự án nào có vốn đối ứng thấp nhất, sẽ được triển khai trước.

Lãnh đạo Vụ HTQT khẳng định thêm, các dự án ở tỉnh nào triển khai chậm, chậm giải ngân thì kiên quyết cắt dự án đó để chuyển vốn cho các địa phương khác làm tốt hơn, chứ không để tình trạng “ngâm dự án” tiếp diễn.

Xem thêm
Việt Nam - bang California tăng cường hợp tác thực hành nông nghiệp bền vững

Ngày 16/5 (giờ địa phương), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam gặp mặt và làm việc với Bộ Lương thực và Nông nghiệp bang California, Hoa Kỳ (CDFA).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ lật ghe trên sông Ba: Đã tìm thấy nạn nhân cuối cùng

Cơ quan chức năng đã tìm thấy nạn nhân cuối cùng trong vụ lật ghe trên sông Ba, tỉnh Phú Yên.