Dự án WB8 hoàn thành vượt mục tiêu ban đầu
Xin thứ trưởng cho biết, những kết quả của Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn hồ đập (WB8) sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới đã góp phần nâng cao an toàn đập, hồ chứa nước của Việt Nam như thế nào?
Hiện nay, việc đảm bảo an toàn đập và hồ chứa nước ở Việt Nam là vấn đề rất lớn. Lớn đến mức Quốc hội đã họp bàn và ra một Nghị quyết riêng về vấn đề này. Theo thống kê, cả nước còn khoảng 1.200 hồ đập hư hỏng, mất an toàn, cần phải sửa chữa. Trong số đó có 200 hồ cần phải sửa chữa khẩn cấp.
Do đó, Dự án WB8 với sự hỗ trợ vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) đã đóng góp một phần quan trọng vào vấn đề đảm bảo an toàn đập và hồ chứa nước tại Việt Nam. Mục tiêu ban đầu chúng tôi đề ra là sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn 450 hồ chứa.
Và đến thời điểm này, có thể khẳng định mục tiêu đó đã đạt được. Hiện chúng tôi đang chỉ đạo phải đạt kết quả cao hơn mục tiêu ban đầu. Tức là, chúng ta phải sửa chữa, nâng cao hệ số an toàn của không chỉ 450 hồ chứa, mà có thể sửa chữa, nâng cấp được gần 500 hồ chứa trong dự án WB8.
Đạt được kết quả như vậy là nhờ chúng ta đã rất nỗ lực, cố gắng từ tập thể Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi, Ban Quản lý dự án WB8, sự vào cuộc chặt chẽ của địa phương và Ban Quản lý dự án ở cơ sở.
Thứ trưởng có thể chia sẻ những khó khăn trong quá trình chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện dự án WB8?
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, đây là một dự án lớn, trải rộng trên địa bàn nhiều tỉnh, trong khi số lượng hồ cần sửa chữa, nâng cấp lại nhiều (hơn 450 hồ chứa). Do đó, công tác khảo sát, tư vấn mất rất nhiều thời gian và cần có sự phối hợp đồng bộ. Giai đoạn đầu, sự phối hợp giữa các đơn vị có những trục trặc nhất định, tuy nhiên giai đoạn sau chúng tôi đã củng cố lại. Các địa phương đã nỗ lực để làm tốt, và tôi rất biểu dương Ban Quản lý WB8 đã rất cố gắng để làm cầu nối, đứng ra lãnh đạo, chỉ đạo công việc rất tốt.
Khó khăn thứ hai trong quá trình thực hiện dự án WB8 phát sinh rất nhiều vấn đề. Bởi vì không phải chúng ta làm mới, mà là sửa chữa, khi bắt tay vào làm sẽ phát sinh nhiều công việc khác nhau. Do đây là dự án sử dụng vốn ODA nên chỉ một việc phát sinh thôi, thì thủ tục rất phức tạp.
Chúng tôi rất cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã tiếp thu, đồng thời có những giải pháp cùng Bộ NN-PTNT giải quyết vướng mắc một cách nhanh nhất theo phương châm: ủy quyền cao – thủ tục nhanh. Đồng thời, Ngân hàng Thế giới cũng cử cán bộ đi tận nơi để trực tiếp khảo sát, hướng dẫn. Chính vì vậy thủ tục được hoàn thiện nhanh.
Hiện nay kinh phí thực hiện dự án còn rất lớn, vì trong quá trình làm, chúng tôi rất tiết kiệm. Do đó chúng tôi đề nghị Ngân hàng Thế giới chấp thuận cho phép sử dụng 50 triệu USD còn lại để tiếp tục kéo dài dự án. Từ đó, chúng ta có thể sửa chữa thêm 100 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp nữa. Đây là nguồn vốn rất quý để chúng ta có thể đạt mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn đập, hồ chứa nước tại Việt Nam.
Có thể sửa chữa, nâng hệ số an toàn thêm hàng trăm hồ chứa
Tại các cuộc họp giữa Bộ NN-PTTN và Ngân hàng Thế giới, chúng tôi được biết có một số địa phương gặp vướng mắc trong quá trình hoàn thiện thủ tục để tổ chức đấu thầu dự án. Vậy lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Ban Quản lý dự án cùng các địa phương đã phối hợp để tháo gỡ vướng mắc ra sao, nhằm đạt mục tiêu đến tháng 6/2022, dự án hoàn thành các mục tiêu đã đề ra ban đầu?
Thực tế, nhiều địa phương triển khai dự án rất nhanh, nhưng cũng có một số địa phương triển khai dự án chậm tiến độ. Việc chậm trễ này có rất nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là một số địa phương thay đổi Ban Quản lý dự án, phải làm lại từ đầu.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, điển hình như công tác tư vấn kém, do đó dự án phải thay đổi quá nhiều lần. Thứ hai là có một số nơi, công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng để thi công chậm, nhiều khi chỉ vướng mắc một hộ gia đình hoặc một thửa đất nhỏ là cả dự án phải dừng lại.
Bởi vì các dự án ODA, đặc biệt với dự án WB8, Ngân hàng Thế giới yêu cầu chỉ khi nào có mặt bằng sạch tuyệt đối thì mới được triển khai các bước tiếp theo. Do đó một số địa phương làm chậm.
Hiện nay còn 2 địa phương chậm tiến độ, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo và Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi, Ban Quản lý dự án WB8 đã trực tiếp về các địa phương để cùng tháo gỡ vướng mắc, mục tiêu là trước 31/12/2021, tất cả thủ tục của các dự án còn lại phải xong hết, làm sao để đến tháng 6/2022 chúng ta khép lại giai đoạn 1 (chúng tôi tạm gọi là như vậy). Và sau tháng 6/2022, nếu chúng ta làm tốt, Bộ NN-PTNT tiếp tục thảo luận với Ngân hàng Thế giới về việc tiếp tục làm tiếp giai đoạn 2.
Như Thứ trưởng từng nhấn mạnh, để dự án thành công thì dứt khoát phải đánh giá rõ năng lực của nhà thầu cũng như đơn vị tư vấn?
Chính xác là như thế. Với bất cứ dự án nào, công tác tư vấn là rất quan trọng. Bởi vì đây là bước đầu tiên, nếu chúng ta đánh giá đúng, tư vấn chuẩn thì sau này không phải sửa, đảm bảo chất lượng, đảm bảo tiến độ. Ngược lại, nếu công tác tư vấn không chuẩn thì nó sẽ liên quan đến tất cả các bước tiếp theo của dự án.
Tương tự như vậy, nếu nhà thầu thi công mà mạnh, thì chắc chắn chất lượng, tiến độ đều đảm bảo. Nếu nhà thầu yếu, chúng ta phải thay đổi giữa chừng thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đấy là nói chung, còn riêng đối với dự án WB8, với đặc thù là sửa chữa, nâng cấp hồ đập, nên năng lực của đơn vị tư vấn càng quan trọng.
Làm mới thường dễ hơn là sửa chữa, vì sửa chữa thì phải đánh giá đúng hiện trạng xem cần nâng cấp cái gì, nâng cấp đến đâu. Ngoài công tác chuyên môn, đơn vị tư vấn cần phải có “độ ngấm” về ngành thì mới biết được đặc thù từng công trình để đưa ra phương án sửa chữa ở mức độ nào, đó mới là quan trọng. Do đó, đối với dự án WB8, công tác tư vấn đóng vai trò quyết định.
Vậy để thực hiện được mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước trong giai đoạn tới, nhất là đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, vai trò của nguồn vốn ODA để triển khai các dự án là như thế nào?
Để đảm bảo được an ninh nguồn nước, chúng tôi chưa đưa ra con số cụ thể về kinh phí. Bởi muốn thực hiện được mục tiêu đó thì cần nguồn kinh phí quá lớn. Tuy nhiên, ở góc độ Bộ NN-PTNT, chúng tôi xác định trong trung hạn 10 năm tới sẽ đầu tư khoảng 200.000 tỷ đồng, trong đó trung hạn 2021 – 2025 khoảng 80.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 120.000 tỷ đồng, đó là riêng nguồn vốn đầu tư của Trung ương. Tuy nhiên, con số đó vẫn chưa đủ, vì chúng ta phải làm quá nhiều việc cho đảm bảo an ninh nguồn nước.
Hiện nay, cơ chế vay nguồn vốn ODA và cách thức điều hành đã thay đổi, vì liên quan đến trần nợ công của các địa phương. Tuy nhiên, đây vẫn là nguồn lực rất quan trọng. Ở thời điểm này, đang có 3 dự án sử dụng vốn ODA mà Bộ NN-PTNT đã ký kết với các nhà tài trợ và Thủ tướng đã thông qua về mặt chủ trương, trong đó có 1 dự án về đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước; 1 dự án ODA về đảm bảo đê kè, chống sạt lở bờ sông bờ biển trên phạm vi cả nước và một dự án ODA về phát triển hạ tầng ĐBSCL, trong đó tập trung cho hạ tầng thủy lợi.
Ngoài ra, còn 1 dự án ODA về tưới tiên tiến tiết kiệm và nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn với tổng số vốn xấp xỉ 1 tỷ USD.
Chúng tôi cho rằng đây là nguồn lực rất lớn cho giai đoạn 5 năm tới để chúng ta có thể tập trung nguồn vốn ODA phục vụ phát triển bền vững của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!