| Hotline: 0983.970.780

Hoà Bình: 40 hồ chứa được 'mặc áo giáp' nhờ dự án WB8

Thứ Hai 08/11/2021 , 07:56 (GMT+7)

40 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đang được gấp rút sửa chữa, nâng cấp các hạng mục chính, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước

Tỉnh Hoà Bình có 544 hồ chứa đang hoạt động, trong đó trên 192 hồ xuống cấp, hư hỏng, có nguy cơ tiềm ẩn. Trước tình hình đó, Sở NN-PTNT Hoà Bình đã báo cáo Tổng cục Thuỷ lợi xem xét, hỗ trợ kinh phí để sửa chữa trong thời gian tới là 98 hồ chứa, trong đó có 10 hồ chứa đã được đưa vào dự án sử dụng nguồn vốn của dự án WB7; 40 hồ chứa đã được đưa vào dự án WB8 (vay vốn Ngân hàng Thế Giới);

Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi kiểm tra tiến độ thi công sửa chữa, nâng cấp hồ Đồng Bến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình ngày 5/11/2021. Ảnh: Minh Phúc.

Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi kiểm tra tiến độ thi công sửa chữa, nâng cấp hồ Đồng Bến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình ngày 5/11/2021. Ảnh: Minh Phúc.

Như vậy, tỉnh Hoà Bình vẫn còn 48 hồ chứa xung yếu, có nguy cơ mất an toàn cao với tổng kinh phí dự kiến 301.600 triệu đồng do chưa có nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp.

Ngày 9/3/2020, UBND tỉnh Hoà Bình có quyết định số 444/QĐ-UBND về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng các công trình: hồ Hói Kha, hồ Mền 1, hồ Mền 2, hồ Đồng Bến, hồ Tuân Lộ, hồ Nà Măng, hồ Cốc, hồ An Thịnh, hồ Rả, thuộc tiểu dự án 02, dự án Sửa chữa và nâng cấp an toàn đập (WB8), tỉnh Hoà Bình.

Theo đó, mục tiêu của dự án là sửa chữa, nâng cấp các công trình nhằm phát huy nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du đập, cải tạo cảnh quan môi trường vùng dự án, góp phần cải thiện đời sống nhân dân trong vùng. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hoà Bình.

Sau thời gian thi công, nhiều công trình đảm bảo tiến độ và dự kiến đưa vào hoạt động trước ngày 30/6/2022 (cũng là thời điểm kết thúc dự án WB8).

Ngày 5/11, Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam cùng đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đã đi thực địa kiểm tra tiến độ thi công một số công trường thuộc dự án WB8 tại Hòaà Bình.

Tại hồ Đồng Bến (thuộc xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn), các kỹ sư và công nhân đang tất bật gia cố đỉnh đập bằng bê tông M300 với độ dày 20cm, dưới lớp giấy dầu.

Hồ Đồng Bến đang trong quá trình thi công sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: Minh Phúc.

Hồ Đồng Bến đang trong quá trình thi công sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Văn Dục, Giám đốc chi nhánh Khai thác công trình thuỷ lợi 2, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Hoà Bình, cho biết: Trước đây, đường tràn xả lũ của hồ bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc trữ nước và an toàn cho vùng hạ du. Đặc biệt, sau cơn bão số 5 năm 2018, nguy cơ vỡ đập đất là rất cao.

Trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý nhà nước đã đề nghị đưa công trình vào danh mục đầu tư của dự án WB8. Hiện nay, dự án đã cơ bản hoàn thành thi công đập tràn. Chúng tôi tiếp tục sửa chữa cống dẫn nước và tuyến đường quản lý công trình và các hạng mục liên quan để đảm bảo an toàn đập, nhất là vào mùa mưa bão.

Cũng theo ông Dục, hiện nay diện tích lòng hồ Đồng Bến khoảng 3,5ha, nếu nhà nước đầu tư nạo vét bùn thì có thể mở rộng không gian lòng hồ lên 5ha, nâng dung tích trữ nước từ 500.000m3 (hiện nay) lên 1 triệu m3. Như vậy, Công ty sẽ có nguồn nước để đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các địa phương lân cận. Dự kiến, công trình sẽ được đưa vào sử dụng trước ngày 30/6/2022, theo đúng tiến độ đề ra ban đầu.

Nhiều công trình hưởng lợi từ dự án WB8

Ngoài hồ Đồng Bến, hàng loạt công trình đập, hồ chứa nước của tỉnh Hòa Bình cũng nằm trong danh mục đầu tư của dự án WB8. Điển hình như công trình hồ Hói Kha (xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc) được tôn cao đập đất, áp trúc mái thượng lưu hạ, đảm bảo mặt cắt thiết kế; mặt đỉnh đập rộng 5m. Mái hạ lưu đập được trồng cỏ bảo vệ trong khoảng phân ô của các rãnh thoát nghiêng; xây mới rãnh thoát nước bên vai trái đập và lắp đặt các thiết bị quan trắc đập. Tràn xả lũ cũng được xây dựng để gia cố tại vị trí trần cũ; nạo vét, khơi thông cửa vào tràn dài 18m đảm bảo thuận lợi dòng chảy; xây cầu qua tràn xả lũ... Xây dựng cống lấy nước mới và nâng cấp đường quản lý vận hành với tổng chiều dài hơn 1km, bề rộng đường 5m.

Công trình hồ Nà Măng (xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) được tôn cao, áp trúc, gia cố trúc mái thượng lưu bằng đá hộc; gia cố tràn xả lũ tại vị trí tràn cũ; xây dựng cống lấy nước mới cạnh vị trí cống cũ; nâng cấp đường quản lý vận hành với tổng chiều dài 438m, bề rộng đường 5m...

Công trình hồ Tuân Lộ (thuộc xã Tuân Lộ, huyện Tân Lạc) được tôn cao, áp trúc mái thượng lưu đập đất, đảm bảo mặt cắt thiết kế. Gia cố mái thượng lưu bằng bê tông M300, xây mới rãnh thoát nước bên vai trái mái hạ lưu đập, lắp thiết bị quan trắc đập. Đồng thời, nhà quản lý, tràn xả lũ, cống lấy nước dưới đập cũng được xây mới...

Các công trình thuộc tiểu dự án 02, dự án WB8 tỉnh Hoà Bình cần sử dụng 11,8ha đất; giá trị dự toán xây dựng 10 công trình trên là hơn 91 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 84 tỷ đồng; chi phí hạng mục chung hơn 2,5 tỷ đồng, chi phí bảo hiểm khoảng 858 tỷ đồng, còn lại là chi phí dự phòng.

Sử dụng vốn ODA để sửa chữa hồ chứa là cấp thiết

Ông Trần Văn Vượng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, cho biết, dự án WB8 tỉnh Hòa Bình với mục tiêu đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa nước; bảo vệ người dân vùng hạ lưu đập; đảm bảo dung tích trữ nước, qua đó góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh.

Xét trên bình diện tổng thể, đến nay các dự án WB8 của tỉnh Hòa Bình đã đáp ứng cơ bản về mặt tiến độ. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên một số hạng mục phụ trợ sẽ không hoàn thành trong thời hạn dự án (ngày 30/6/2022). Do đó, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Hòa Bình đề xuất kéo dài thời gian thực hiện hiệp định và cho bổ sung thêm danh mục một số hồ chứa nữa. Bởi hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang có rất nhiều hồ chứa đang xuống cấp nghiêm trọng.

“Tôi nhận thấy hiện nay nguồn vốn trong nước, nhất là ngân sách của tỉnh Hòa Bình rất hạn hẹp, trong khi đó, nhu cầu để đầu tư các công trình thuỷ lợi, nhất là các công trình hồ chứa là rất lớn. Do đó, việc sử dụng nguồn vốn ODA để xây dựng công trình là hết sức cấp thiết”, ông Vượng chia sẻ.

Ông Nguyễn Huy Nhuận - Giám đốc Sở NN-PTNT Hòa Bình, cho biết: Hoà Bình có nhiều lợi thế về nguồn nước với nhiều con sông như sông Đà, sông Bưởi, sông Bôi, sông Bùi, ngoài ra còn có hơn 500 hồ đập lớn nhỏ. Đây là nguồn nước sạch, đảm bảo nước sinh hoạt, tưới tiêu trong nông nghiệp và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và vùng hạ du.

Ông Nguyễn Huy Nhuận - Giám đốc Sở NN-PTNT Hòa Bình. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Huy Nhuận - Giám đốc Sở NN-PTNT Hòa Bình. Ảnh: Minh Phúc.

Để bảo vệ và duy trì số lượng nước mặt không bị suy thoái, ạn kiệt, cần phải tập trung vào “bảo vệ các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tái tạo của nước, điều chỉnh lại cách sử dụng không hợp lý ảnh hưởng đến suy thoái số lượng nước cũng như tạo nguồn nước trữ trong các thủy vực nước mặt.

Bên cạnh đó, để tăng cường và nâng cao tính chủ động trong quản lý về an toàn đập, hồ chứa, UBND tỉnh Hòa Bình đã giao Sở NN-PTNT dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý về an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn, trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, UBND tỉnh Hoà Bình đã ban hành 2 văn bản quy phạm pháp luật là: Quyết định số 19 năm 2019 quy định về phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và Quyết định số 09 năm 2019 quy định về phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.