5 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp xuất khẩu hơn 20 tỷ USD. Hơn 100.000 tấn vải thiều của Bắc Giang đã được đặt hàng. Năng suất lúa Đông Xuân tại Quảng Bình đạt trên 60 tạ/ha. Hà Nội ban hành kế hoạch hành động đảm bảo an ninh lương thực.
5 THÁNG ĐẦU NĂM, NGÀNH NÔNG NGHIỆP XUẤT KHẨU HƠN 20 TỶ USD
Chiều 30/5, thông tin Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triểnngành nông nghiệp, nông thôn, Bộ NN-PTNT cho biết: 5 tháng đầu năm 2023, dù đối mặt với nhiều khó khăn, sản xuất nông lâm thủy sản cơ bản vẫn ổn định. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 37 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu 13,15 tỷ USD, giảm 8,7%; xuất siêu 3,55 tỷ USD, giảm 21,1%. Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 phải lớn hơn hoặc bằng 25,8 tỷ USD.Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, trong bối ảnh bất ổn, không lường trước được điều gì xảy ra, toàn ngành cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, trong đó trọng tâm có vấn đề tăng cường tính chủ động trong việc phát triển thị trường. Ngoài ra, tiếp tục xây dựng đề án chuyển đổi số ngành NN-PTNT, đề án phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, gỡ vướng vấn đề giống cây trồng cho các doanh nghiệp.
HƠN 100.000 TẤN VẢI THIỀU CỦA BẮC GIANG ĐÃ ĐƯỢC ĐẶT HÀNG
Theo ông Nguyễn Văn Phương, phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, thời điểm này, địa phương đang bước vào thu hoạch vụ vải sớm từ 25/5 đến 15/6, và vải chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 đến 30/7. Sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm nay ước khoảng 180.000 tấn. Về kế hoạch tiêu thụ vải thiều, ông Phương cho biết, Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường, kể cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Đối với thị trường trong nước, Sở Công Thương đã trao đổi, làm việc với các tập đoàn, hệ thống phân phối, siêu thị, chợ đầu mối,… đến nay tỉnh đã ký kết 35 biên bản ghi nhớ cam kết tiêu thụ hơn 100.000 tấn vải thiều. Đối với thị trường xuất khẩu, đến nay có hơn 200 thương nhân Trung Quốc đăng ký, hiện có hơn 30 thương nhân đã sang để giám sát vùng nguyên liệu, ký kết các hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều. Điều này cho thấy thương nhân Trung Quốc rất quan tâm tới vải thiều Bắc Giang.
NĂNG SUẤT LÚA ĐÔNG XUÂN TẠI QUẢNG BÌNH ĐẠT TRÊN 60 TẠ/HA
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Bình, vụ Đông Xuân năm 2023, tỉnh Quảng Bình gieo cấy trên 29.500 ha với các giống lúa chủ lực như P6, HN6, VNR 20, VN 20…. Tuy chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai nhưng năng suất lúa tại địa phương vẫn đạt trên 60 tạ/ha. Trong đó, huyện Lệ Thủy năng suất ước đạt khoảng 68 tạ/ha. Trước đó, vào đầu tháng 5, khi lúa đang kỳ chín sữa thì giông lốc đầu mùa đã làm lúa bị đổ, rạp, ngập nước với diện tích trên 6.000 ha, làm giảm đáng kể năng suất lúa lúc thu hoạch. Ngành nông nghiệp địa phương đã tập thu thu hoạch lúa ở những vùng đồng bị ảnh hưởng nặng và sau đó đến những vùng đồng khác. Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa Đông Xuân và khiển khai vụ Hè Thu sắp tới.
HÀ NỘI BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC
UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 19 ngày 2/2/2023 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Kết luận số 81 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, TP Hà Nội sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất sản xuất nông nghiệp, định hướng đến năm 2030 diện tích canh tác lúa còn khoảng 55.000ha tương đương 110.000ha diện tích gieo trồng 2 vụ lúa, sản lượng lúa hàng năm đảm bảo ít nhất 660 nghìn tấn để làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực của Thành phố; phối hợp với các tỉnh, thành phố trên cả nước cung cấp đầy đủ, đa dạng, an toàn các loại lương thực, thực phẩm với chất lượng ngày càng cao cho nhu cầu của người dân. Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân, bảo đảm thu nhập của người dân khu vực nông thôn đến năm 2030 cao gấp từ 2 lần trở lên so với năm 2020, bảo đảm khả năng tiếp cận và chi trả cho nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu.