| Hotline: 0983.970.780

Dư dả nguồn cung thịt heo dịp cuối năm

Thứ Hai 14/11/2022 , 11:39 (GMT+7)

Với tốc độ tái đàn mạnh, Bình Định tự tin cuối năm nay, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, địa phương này dư dả nguồn cung thịt heo.

Người chăn nuôi ở Bình Định đang đẩy mạnh tái đàn heo. Ảnh: V.Đ.T.

Người chăn nuôi ở Bình Định đang đẩy mạnh tái đàn heo. Ảnh: V.Đ.T.

Nhiều điều tiện thuận lợi tái đàn

Hiện, người chăn nuôi heo ở Bình Định đang tăng tốc tái đàn trong tâm trạng tràn trề hy vong do giá heo hơi đang tăng, giá thức ăn chăn nuôi chững lại và giảm nhẹ, giá con giống cũng giảm mạnh, đặc biệt là dịch bệnh trên địa bàn đã được kiểm soát, khống chế hiệu quả.

Mặc dù dịch bệnh trên địa bàn đã yên ắng, nhưng ngành chức năng Bình Định không chủ quan, vẫn bám sát người chăn nuôi để hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn thời tiết diễn biến phức tạp, mưa kéo dài như hiện nay.

Người nuôi heo ở Bình Định cũng tự bảo vệ tài sản của mình bằng cách chuyển hướng từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn để bảo toàn đàn heo, đồng thời áp dụng nhiều giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi vẫn đang rình rập ngoài môi trường.

Ngành nông nghiệp Bình Định đặc biệt quan tâm đến chăn nuôi, bởi ngành này chiếm tỷ lệ tăng trưởng lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện, tổng đàn heo thịt ở Bình Định đang có hơn 660.000 con, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021, nếu tính cả heo con theo mẹ tổng đàn heo ở tỉnh này có gần 1 triệu con. Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, trong ngành chăn nuôi, heo là một trong 3 nhóm vật nuôi chủ lực được quan tâm đặc biệt là heo, bò thịt và gà.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, trên địa bàn tỉnh này hiện có 12 doanh nghiệp chuyên sản xuất con giống quy mô lớn, đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi hiện nay.

Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các địa phương triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật trong chăn nuôi để hạn chế dịch bệnh; hướng dẫn các giải pháp tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, nhằm giảm chi phí mua thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi heo.

“Đàn heo trên địa bàn Bình Định đang tăng trưởng ổn định, tốc độ tái đàn đang được người chăn nuôi đẩy mạnh, nhờ giá heo hơi tăng hơn 3.000đ/kg so với các tháng trước, hiện giá heo hơi ở Bình Định đang ở mức 63.000 đồng/kg, mức giá cho người nuôi heo có lãi khá.

Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 giá heo hơi sẽ còn tăng thêm nên tác động tích cực đến người chăn nuôi. Hiện tổng đàn heo trên địa bàn Bình Định đã tăng mạnh, đảm bảo nguồn cung thịt heo trong cuối năm nay và vào dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, nhận định.

Nuôi heo an toàn dịch bệnh bảo toàn được đàn heo. Ảnh: V.Đ.T.

Nuôi heo an toàn dịch bệnh bảo toàn được đàn heo. Ảnh: V.Đ.T.

Chuyển hướng nuôi heo an toàn dịch bệnh

Huyện Hoài Ân, địa phương có đàn heo chiếm 1/3 tổng đàn heo của tỉnh Bình Định với đàn heo luôn ổn định gần 300.000 con, nơi được mệnh danh là “vựa heo lớn nhất miền Trung” đang dần hình thành vùng chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoài Ân có 32 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, trong đó có 5 trang trại áp dụng công nghệ cao khép kín; 1.090 trang trại nhỏ và vừa theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Đặc biệt, huyện Hoài Ân đang có 50 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hằng năm, Hoài Ân cung ứng ra thị trường hơn 200.000 con heo thịt, chủ yếu là thị trường Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế.

“Công tác tái đàn heo trên địa bàn hiện đang gặp nhiều thuận lợi. Do giá heo hơi đang tăng lên, người chăn nuôi có lãi khá, việc tái đàn diễn ra khá trôi chảy. Trước bối cảnh trên, ngành nông nghiệp Hoài Ân càng tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi để đảm bảo đàn heo phát triển ổn định”, ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huỵen Hoài Ân, cho hay.

Theo ông Nguyễn Hải Đảo, chủ trang trại heo Hải Đảo ở xã Ân Tường Đông, 1 trong những trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn của  huyện Hoài Ân, trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh khá cao, nhất là mầm bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn lẩn quẩn ngoài môi trường; thêm vào đó, giá thức ăn vẫn đang ở mức cao, tạo cho người chăn nuôi tâm lý e ngại trong việc tái đàn.

Riêng đối với trang trại heo Hải Đảo, điểm thuận lợi lớn trong tái đàn là nhờ chủ động được con giống, do đó giảm được chi phí đầu vào, và dù giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao nhưng nhờ mua số lượng lớn nên được tính giá tốt hơn so với các hộ gia đình.

“Đặc biệt, nhờ sớm áp dụng quy trình khép kín cùng sự hỗ trợ của công nghệ, chúng tôi rất yên tâm trong phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo cung cấp cho thị trường sản phẩm đạt chất lượng an toàn. Hiện trang trại Hải Đảo của chúng tôi đang duy trì 7.000 con heo thịt thương phẩm và 1.200 heo nái, Tết năm nay sẽ có nguôn cung dồi dào”, ông Nguyễn Hải Đảo chia sẻ.

“Để giúp người chăn nuôi giảm chi phí đầu vào do thức ăn công nghiệp tăng cao, trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các địa phương triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn kết hợp sử dụng thức ăn từ các phế phẩm nông nghiệp, phối trộn rau, chuối, cám, ngô… để làm thức ăn nuôi heo”, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho biết.

Xem thêm
Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.