Trong khi Covid-19 đang làm gián đoạn hoạt động du học trên phạm vi toàn cầu, thì tại nước ta có nhiều địa phương vẫn đang loay hoay giải quyết hệ lụy các chương trình du học bằng ngân sách Nhà nước.
Cụ thể hơn, đó là việc truy thu những khoản kinh phí cho các du học sinh mà họ không quay về phục vụ địa phương. Thực tế này được xem là câu chuyện nhạy cảm và luôn gây ra không ít đồn đoán xôn xao trong đời sống xã hội.
Trái ngược với những người tự tìm kiếm học bổng để du học nhưng không có cơ hội được trọng dụng kiến thức và tài năng, không ít trường hợp con em của lãnh đạo các tỉnh thành được ưu tiên chọn lựa du học bằng ngân sách Nhà nước mà không chịu thực hiện cam kết trở lại làm việc cho quê hương. Hiện tượng ấy khá phổ biến, nhưng vẫn tái diễn ở nhiều nơi.
Sở Nội vụ Quảng Ngãi thời gian gần đây phải phát đi thông báo để đòi lại số tiền đã hỗ trợ cho những đối tượng du học thạc sĩ ở nước ngoài theo đề án “Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực trình độ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi”.
Cụ thể, có 4 thạc sĩ đã không màng hồi đáp sự ưu tiên dành cho họ, gồm: bà Huỳnh Thị Lan Viên (con ông Huỳnh Chánh - Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ngãi), bà Nguyễn Lê Ngọc Hà (con ông Nguyễn Chín - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi), bà Phạm Thị Mỹ Hạnh (con ông Phạm Thanh Hải - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) và ông Phạm Thành Việt (con ông Phạm Tấn Hoàng - Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi).
Cách làm của tỉnh Quảng Ngãi tương đối nhân nhượng. Mỗi đối tượng nhận kinh phí từ ngân sách Nhà nước từ 3-4 tỷ đồng để du học, nhưng khi phá vỡ đề án nhân sự trình độ cao của địa phương thì lại được… trả góp vào kho bạc trong vòng 2 năm.
Những rắc rối du học bằng ngân sách Nhà nước đã xảy ra ở nhiều nơi, với mức độ khác nhau. Sử dụng tiền thuế của dân để đi du học mà không tiếp tục phụng sự cho dân thì bồi hoàn kinh phí là điều tất nhiên.
Thế nhưng, đối tượng được chọn lựa du học bằng ngân sách Nhà nước cũng đặt ra không ít nghi ngại. Vì sao loại hình du học đầy lý tưởng đó lại chủ yếu rơi vào con cháu của các lãnh đạo địa phương? Có hình thức thi tuyển công khai, hay dựa trên những thông tin lan truyền phạm vi hẹp?
Ứng viên du học có phải những gương mặt xuất sắc nhất được quyết định một cách khách quan và hợp lý không? Thật là những câu hỏi không dễ trả lời và dường như cũng không ai muốn trả lời. Chỉ thấy rằng, du học ưu tiên lại nảy sinh vướng mắc kinh phí khó đòi.
Khi những đối tượng du học bằng ngân sách Nhà nước không quay lại phục vụ quê hương, thì ngoài sự thiệt hại về tài chính, còn nhiều sự thiệt hại khó lường khác cho kế hoạch phát triển chung cũng như tâm lý cống hiến của cộng đồng. Vì vậy, cần phải có những biện pháp giám sát và cân nhắc nhân sự hữu hiệu hơn.