| Hotline: 0983.970.780

Du lịch cộng đồng - Nông thôn kiểu mẫu: Cảm nhận Bản Lác

Thứ Tư 02/09/2020 , 13:10 (GMT+7)

Bản Lác nằm cách Hà Nội khoảng 140km, ẩn mình trong thung lũng, bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp và mây mù bao phủ quanh năm.

Chủ một ngôi nhà tại bản Lác đang sắp xếp hàng lưu niệm. Ảnh: Văn Việt.

Chủ một ngôi nhà tại bản Lác đang sắp xếp hàng lưu niệm. Ảnh: Văn Việt.

Bản lịch sử 700 năm của người Thái trắng

Bản Lác nằm tại huyện Mai Châu của Hòa Bình, cách thành phố này hơn 1 giờ đi ô tô, giáp ranh với huyện Mộc Châu của Sơn La. Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, bản Lác có lịch sử 700 năm hình thành, với cộng đồng dân cư chủ yếu là người Thái trắng.

Những năm 70 của thế kỷ trước, các cựu chiến binh khi về thăm lại một trong những nơi khởi nguồn của Chiến khu Việt Bắc oai hùng, đã góp phần đưa đường dẫn lối cho bản Lác trở nên nổi tiếng với phong cảnh đặc sắc.

Ngay cạnh trung tâm huyện Mai Châu đang ngày một sầm uất, có một bản Lác ẩn mình trong các dãy núi mây mù bao phủ, rừng rậm vòng quanh những ngôi nhà sàn của người Thái nằm cạnh ruộng lúa nước, suối chảy róc rách quanh năm.

Khách du lịch cả ta lẫn Tây đổ về ngày càng nhiều từ khi bản Lác nổi tiếng. Bắt đầu từ năm 1997, khi thành quả kinh tế từ việc đất nước đổi mới trở nên rõ rệt, bản Lác lại càng đông khách. Người Thái tại đây bắt đầu quen dần với việc làm ăn bằng cách cho khách ở lại qua đêm ở nhà sàn, thưởng thức ẩm thực đặc trưng, cho thuê quần áo dân bản địa để chụp ảnh v.v.

Nhưng việc kinh doanh tự phát, mạnh ai nấy lo cũng mang lại nhiều bất ổn, có nguy cơ phá vỡ nét bình yên của bản. Những bậc cao niên trong làng kể lại, khách Tây thì không sao, vì họ có ý thức giữ gìn văn hóa địa phương, nhưng khách ta lại khác.

Nhóm nào cũng thích mình “nổi” hơn nhóm khác, nhóm nào cũng tự nhận mình “yêu núi rừng, yêu bản làng”. Cái tình yêu ấy thể hiện bằng việc mang loa thùng, gào thét xuyên đêm, ăn uống xong vứt rác bừa bãi, thậm chí có nhiều hành vi khiến dân bản phải che mặt đi qua.

Giá phòng rẻ bậc nhất

Năm 2016, HTX Dịch vụ Nông, Lâm nghiệp và Dịch vụ Du lịch Xóm Lác được thành lập với mong muốn tạo ra không gian nghỉ ngơi mang đậm bản sắc địa phương cho khách du lịch, đưa những nét đẹp trong văn hóa, bản sắc, thói quen sinh hoạt của bà con dân tộc Thái trắng đến gần hơn với du khách.

Đến nay, toàn HTX có 75 hộ gia đình tham gia dịch vụ homestay. Đông nhất là bản Lác 1 với hơn 50 hộ, còn lại thuộc về bản Lác 2 nằm cách đó chừng 10 phút đi xe điện.

Rất khó tìm được lời nào chê dịch vụ ở bản Lác. Mỗi ngôi nhà sàn chừng 80m2, có đủ phòng vệ sinh khép kín, điều hòa, wifi, điện sáng trưng 24/7, giá chỉ 1 triệu đồng cho đoàn 30 người. Tính ra mỗi người tốn chưa đến 50.000 đồng/ngày đêm. Mỗi nhà sàn đều được đánh số khác nhau.

Kiến trúc nhà sàn của Bản Lác cũng gây được sự tò mò của rất nhiều du khách. Hơn 20 homestay tại đây đều cao ráo, rộng rãi sạch sẽ và giữ được một số lối kiến trúc cổ. Có 2 cầu thang được bố trí ở 2 bên hông nhà, cột và sàn nhà làm bằng gỗ.

“Nhà sàn ngày xưa lợp bằng rạ và có chóp, từ năm 1990 - 1992 thì nhiều nhà lợp ngói và không có chóp nữa. Nên giờ gần như các nhà đều tương đối giống nhau”, ông Vì Văn Khinh, giám đốc HTX Dịch vụ Nông Lâm nghiệp và Dịch vụ Du lịch xóm Lác, cho biết.

Bên trong mỗi nhà làm dịch vụ đều trang bị đầy đủ chăn, đệm, gối được gấp ngăn nắp, gọn gàng phục vụ cho khoảng 30 khách. Mỗi nhà đều có nhiều nhà vệ sinh khép kín, đảm bảo phục vụ khách. Chỉ với 30.000 đồng/người, du khách có thể sở hữu một khoảng sàn chừng 1,2 x 2m để ngả lưng qua đêm.

“Du khách Tây họ thích các nhà sàn nằm cách xa nhau, nền đất, không điều hòa, trên nhà sàn có bếp đúng như thời bố mẹ ông bà chúng tôi. Còn khách Việt lại thích vệ sinh khép kín, điều hòa, sàn lát gạch”, ông Hà Công Phúc, chủ nhà sàn số 9 nói.

“Các nhà ở đây thì đều có những không gian chung để phục vụ các đoàn khách từ 15 đến 20 người, đông hơn cũng có. Chủ yếu là khách nước ngoài thích không gian như vậy vì đúng với phong cách người địa phương, rất gần gũi và ấm cúng.

Còn khách trong nước thì nhiều người thích sự riêng tư, vậy nên cũng có những phòng được bố trí riêng để đáp ứng nhu cầu của khách. Giá khoảng 300.000 - 400.000 đồng/đêm”, chị Hà Thị Thìn chủ nhà sàn số 12, bản Lác, nói.

Khu vực để đốt lửa trại, giao lưu ca nhạc được bố trí ở mảnh đất nằm ở rìa bản, đủ không gian cho khách, và không ảnh hưởng đến sinh hoạt của dân địa phương.

Có một quy luật ở bản Lác, đó là khách không được mang loa thùng vào bản. Có lẽ, dân ở đây quá sợ những “giọng ca” phá làng phá xóm từ nơi khác tới.

Đi dạo một vòng trong bản, không hề thấy cảnh chèo kéo du khách hay mời mọc mua hàng. Các mặt hàng như khăn quàng cổ, váy xòe Thái, những chiếc ví xinh xắn cung, nỏ, sáo trúc, mỏ trên chăng, tù và, sừng trâu... được bày bán trước của mỗi nhà.

Khách du lịch có thể thoải mái chụp ảnh tạo dáng mà không sợ bị để ý hay than phiền. An ninh, trật tự ở đây rất tốt, khách không phải lo bảo vệ hành lý hoặc tư trang.

Sau bữa cơm tối, bản Lác có 7 - 8 đội văn nghệ biểu diễn múa, hát đặc trưng của các dân tộc Thái, Mường, H’Mông, Dao. Mỗi show diễn kéo dài 1 tiếng, bắt đầu từ 19h. Khách sẽ có cơ hội để hòa mình vào những khúc nhạc, điệu múa say đắm lòng người.

Về gần cuối chương trình, khách cùng các thành viên đội múa sẽ cùng nhảy sạp, hát múa và uống rượu cần trong không khí đầm ấm như một gia đình. Các chương trình sẽ kết thúc lúc 22h.

Khung cảnh vắng lặng ở bản Lác mùa Covid-19. Ảnh: Quang Dũng.

Khung cảnh vắng lặng ở bản Lác mùa Covid-19. Ảnh: Quang Dũng.

Nỗi buồn mùa Covid-19

Nụ cười trên môi những chủ nhà sàn bản Lác héo hắt hơn mọi khi, bởi ảnh hưởng của Covid-19. Những năm trước, đợt 2/9, khách thường phải đặt trước cả tháng may ra có chỗ, nhưng nay đã cuối tháng 8 mà chỉ lác đác vài đoàn gọi điện hỏi han.

Chủ nhà sàn ở bản Lác ngồi trò chuyện với nhau khi vắng khách. Ảnh: Quang Dũng.

Chủ nhà sàn ở bản Lác ngồi trò chuyện với nhau khi vắng khách. Ảnh: Quang Dũng.

“Có thì cũng có, nhưng ít lắm, cả bản mấy tuần nay chỉ dăm ba nhóm lên nghỉ, khách nước ngoài gần như không có”, chị Thìn nói, ánh mắt buồn buồn nhìn dọc theo trục đường chính trong bản vắng hoe, chỉ có vài dân bản đi lại.

Dường như có chút gì đó ngạc nhiên xen lẫn hoài niệm của dân bản khi những ngày này “khôi phục” lại nhịp sống khi xưa, nhịp sống chậm rãi, tách biệt. Tiếng động rõ nhất là dòng suối chảy róc rách quanh bản, chim chóc đua nhau tiếng hót.

Tour trải nghiệm cùng xe điện xuất phát từ bản Lác qua bản Nà Thia, Nà Tuổng, Nà Phòn. Vòng qua bản Nhót, Chiềng Sại và Pom Cọong. Đi dọc đường bản Văn và con đường được bao bọc bởi đồng lúa xanh mướt 2 bên của xóm Mỏ và quay trở lại Bản Lác.

Chủ nhà cũng là hướng dẫn viên du lịch luôn tận tình kể với du khách những câu chuyện gắn liền với các địa danh đi qua. Dường như khoảng cách với những vị khách du lịch được xóa nhòa sau mỗi câu chuyện như vậy. Khách có thể ít hơn mọi khi, nhưng sự nhiệt tình của người Thái thì chưa bao giờ cạn, giống như chum rượu cần uống mãi không vơi.

Không chỉ những bậc cao niên, nhiều chủ nhà sàn ở đây nói họ vẫn muốn các nhà ở cách nhau một quãng quăng dao như bản Lác thế kỷ trước, song quy hoạch hiện tại chưa cho phép. Có dân bản từng đi nhiều, biết rộng, bảo ngay từ chiếc đèn lồng cũng mua hàng Trung Quốc, riết rồi bản Lác thành “cổ trấn bên Tàu”, chứ không giữ được không gian thơ mộng xưa.

Hầu như các chủ nhà tại đây đều giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Nếu nói là “thích” khách du lịch nước nào nhất, họ sẽ chọn khách Lào hoặc vùng Chiềng Mai của Thái Lan. Sự gần gũi về ngôn ngữ khiến khoảng cách giữa chủ và khách gần như không còn. Hai bên nói chuyện với nhau như thể những người bạn lâu ngày chưa gặp.

Cách đây hơn 1 tháng, khi làn sóng Covid thứ hai chưa bùng phát, buổi tối ở bản Lác luôn như lễ hội. Từ xa nhìn vào, những ngọn đèn lồng được bố trí khéo léo giữa các nhà, dọc trục đường chính của bản, tạo nên không khí làng quê cổ kính xen lẫn nét long lanh hiện đại.

Vòng từ bản Lác 1 tới xã Nà Phòn, nơi có Mai Châu Ecolodge nổi tiếng nhất khu vực, vẫn thấy ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Khách rất vắng, gần như chỉ có vài gia đình trong khu vực rộng hàng nghìn m2 được mệnh danh là “khi lên đèn như một ốc đảo rực rỡ giữa đất trời Mai Châu”.

Nhà hàng tại Mai Châu Ecolodge là khu nhà 2 tầng, nằm tại khu vực cao nhất của resort, cho tầm nhìn bao quát thung lũng Mai Châu xinh đẹp. Tại đây phục vụ những món truyền thống Việt Nam và những món đặc trưng của người Thái. Nguyên liệu hoàn toàn tươi và sạch, lấy trực tiếp từ vườn của resort.

Nhưng những điều này không đủ xua tan sự ảm đạm với ngành du lịch tại đây.

Alex Morgan, du khách người Brazil, tỏ ra bối rối khi gặp toàn trang phục Mông khi đến bản của người Thái trắng. Ảnh: Văn Việt.

Alex Morgan, du khách người Brazil, tỏ ra bối rối khi gặp toàn trang phục Mông khi đến bản của người Thái trắng. Ảnh: Văn Việt.

Mai một

Nỗi buồn mùa Covid không hẳn là sự lo lắng lớn nhất với người Thái ở bản Lác. “Chữ Thái giờ không mấy trẻ con biết, đến tôi cũng không thạo nhiều. Giới trẻ thì hầu như chỉ còn nghe được tiếng Thái, không nói được nhiều. Nhà sàn mọc lên san sát nhau, thực ra đây không phải là phong cách bản chúng tôi ngày trước”, chị Thìn nói, tay vẫn ru cháu theo nhịp điệu “khắp Thái”, tiếng hát giao duyên của người Thái trắng.

Không nói đến giới trẻ, ngay chính chị Thìn, người được coi là “thành thạo” nhất về tiếng Thái ở đây, cũng thú nhận ngay chị cũng nhiều lúc phải đi hỏi người già về những câu hát của khắp Thái. “Nhiều câu trừu tượng lắm, ví như người con trai sẽ không nói thẳng là yêu cô gái, mà sẽ bảo mình mong là sợi chỉ, còn cô gái là lõi cuộn chỉ, hai bên mãi mãi không rời”.

Ông Khinh, giám đốc HTX cũng đỏ mặt thừa nhận mình không đọc được nhiều chữ Thái. Một trong những nguời am hiểu chữ Thái nhất là ông Hà Công Tín, xóm Mỏ, tuổi cũng đã ở ngưỡng xưa nay hiếm.

Ông Tín từng mở lớp dạy chữ Thái, tiếng Thái cho dân bản, song cuộc sống mưu sinh khiến nhiều người học bữa được, bữa mất. Mãi rồi lớp học cũng tan. Trẻ không thích, người lớn bận rộn.

Trong khi đó, ở một góc khác của bản, Alex Morgan, du khách người Brazil, tỏ ra bối rối trước cửa hàng toàn váy áo của người Mông. “Mấy bộ này đẹp quá, nhưng hình như không phải của người bản địa”, Alex nói.

Chị Thìn đứng đó, mặt thoáng buồn. Để mặc được đúng bộ đồ của dân bản Lác, phải có sự giúp đỡ. Bởi váy của người Thái tại Mai Châu được may khá phức tạp, gồm cạp trên, cạp dưới, thắt lưng nhiều màu, chân váy lại phải may màu đỏ bên trong.

Áo của người Thái là “xứa coóng” được may liền vai với thân, nối ở khuỷu tay, tạo bả vai tròn. Người ta sẽ xẻ sau áo hoặc vai để mặc kiểu chui vào áo. Mặc bộ đồ này, vừa khó vừa không tiện di chuyển nhiều. Người Thái ở bản Lác giờ cũng không mặc nhiều, trừ dịp lễ hội.

Với lợi thế dễ mặc, không cần thay mà chỉ cần khoác ra ngoài, trang phục của người Mông giờ đang “áp đảo” tại bản Lác. Đa phần du khách Việt khi đến đây đều chọn những bộ này để chụp ảnh, trong khi du khách Tây sẵn sàng chịu khó mất thời gian để mặc đúng trang phục Thái.

Ẩm thực của người Thái cũng tạo được ấn tượng mạnh với du khách. Cơm lam, xôi ngũ sắc, cá đồ lá chuối, cá nướng quấn lá chuối, thịt gà xào măng chua…. đều mang đậm bản sắc của bản người Thái. “Khách tới đây cũng rất thích được cùng với chủ nhà chuẩn bị bữa ăn. Từ lúc đi mua, đi tìm nguyên liệu tới lúc chế biến và mang đưa lên mâm cơm”, ông Khinh, giám đốc HTX nói.

Xôi nhiều màu, thường là hai màu đỏ, vàng vì dễ làm, tiếng Thái là “bơ oóng cằm”. Màu sắc được tạo nên từ những loại lá trong rừng mà nay chỉ có những phụ nữ trung tuổi mới đủ tài nghệ tạo nên xôi 7 màu như cầu vồng sau mưa, vốn rất ít được biết tới so với xôi ngũ sắc.

Còn món Oọn mọc, hay được gọi gần với tiếng Kinh là “ốt mọc gà”. Bí quyết món này ở chỗ gạo nếp giã với gia vị cho thật quánh, chừng lưng bát cho mỗi miếng thịt gà chặt ra, tất cả đem gói với lá chuối, hấp cách thủy. Từng gói như thế khi chín sẽ tạo thành miếng thịt gà với gạo, gia vị xung quanh, tạo hương vị khó phai.

Xem thêm
Hà Giang có 10 Sở thực hiện hợp nhất

Ngày 17/12, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai, xây dựng phương án sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh này.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Sau đợt mưa lớn, hồ thủy lợi ở Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích

Nhờ đợt mưa lớn vừa qua, các hồ thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích thiết kế, đảm bảo 100% diện tích kế hoạch sản xuất vụ đông xuân.