| Hotline: 0983.970.780

Du lịch... sâm!

Thứ Hai 06/02/2023 , 18:56 (GMT+7)

Phát triển du lịch gắn với sâm Ngọc Linh giống như 'nàng công chúa ngủ trong rừng' cần được đánh thức nhằm góp phần nâng cao đời sống của người đồng bào Xơ Đăng.

z4088499535061_42ef34840c2c215ee2710a3608a6deb5

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm vườn sâm Ngọc Linh. Ảnh: TL.

Ngày 6/2, UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) tổ chức Hội thảo “Tiềm năng và giải pháp triển du lịch huyện Tu Mơ Rông”. Đây là hoạt động nằm trong “Phiên chợ sâm Ngọc Linh, các dược liệu khác gắn với du lịch lần 2 huyện Tu Mơ Rông năm 2023”.

Hiện tại, huyện Tu Mơ Rông có khoảng 1.700ha sâm Ngọc Linh, trong đó có 7/11 xã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh.

Nhờ du lịch, giá sâm tăng

Đánh giá tiềm năng để phát triển du lịch, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, nhấn mạnh, tiềm năng của huyện Tu Mơ Rông là tài nguyên rừng, hệ thống nhiều thác nước đẹp, văn hoá cồng chiêng và ẩm thực độc đáo của 95% người dân đồng bào Xơ Đăng.

Đặc biệt, nơi đây sở hữu sản phẩm du lịch “độc nhất vô nhị” là du lịch tham quan vườn sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới. Nhờ hoạt động du lịch này mà người dân đã bán được sâm với giá cao, còn du khách được tham quan nơi trồng sâm, tận tay mua đúng sâm thật.

Dù có tiềm năng, lợi thế về rừng, sâm Ngọc Linh nhưng ông Mạnh cũng rằng, tất cả chưa được khám phá, khai thác.

“Tu Mơ Rông hiện tại như “nàng tiên ngủ trong rừng” cần được những chuyên gia, doanh nghiệp làm du lịch đánh thức sớm nhất với cách làm đúng đắn, bài bản và bền vững, là câu chuyện còn nhiều vấn đề cần được bàn thảo”.

Tương tự, ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum, cho biết, Tu Mơ Rông có núi non hùng vĩ, hệ sinh thái rừng tự nhiên hết sức đa dạng với các loài sinh vật đặc hữu, đã tạo cho địa phương có những tiềm năng, lợi thế so với các vùng khác để phát triển du lịch.

DSC01264

"Quốc bảo" sâm Ngọc Linh đang trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Tuấn Anh.

Trong đó, lý tưởng nhất là khai thác du lịch cộng đồng dưới góc độ khám phá cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu cùng hệ sinh thái thiên nhiên của vùng cao Tây Nguyên. Những tiềm năng, lợi thế này là tiền đề để huyện khai thác, phát triển du lịch, trong đó có du lịch sâm cộng đồng.

Cũng theo ông Long, du lịch sâm ra đời sẽ gắn với việc phát triển cây sâm Ngọc Linh quý hiếm. Du lịch sâm và phát triển sâm phải song hành cùng nhau.

"Khi đến tham quan vùng sâm du khách sẽ nghĩ đến tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Tu Mơ Rông nói riêng, du khách vừa nghỉ dưỡng, vừa sử dụng sâm Ngọc Linh để bồi dưỡng sức khỏe. Điều này sẽ tạo điều kiện cho ngành trồng sâm công nghiệp chế biến, chuỗi giá trị từ cây sâm phát triển”, ông Long chia sẻ.

Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng, Tu Mơ Rông có nét văn hóa “độc nhất vô nhị” với 95% người đồng bào dân tộc Xơ Đăng sinh sống. Cùng với rừng và đặc biệt là "Quốc bảo" sâm Ngọc Linh sẽ tạo đòn bẩy cho du lịch phát triển.

"Tôi nghĩ rằng, tỉnh Kon Tum và huyện Tu Mơ Rông phải có chương trình rất đặc biệt nhằm tạo ra cơ đồ, tầm vóc, đẳng cấp mang đến sự khác biệt để du lịch Tu Mơ Rông không chỉ ở Việt Nam và vươn ra thế giới”, ông Thiên chia sẻ.

Đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”

Định hướng phát triển du lịch của huyện Tu Mơ Rông, nhiều chuyên gia cho rằng, dòng sản phẩm chủ đạo mà huyện nên hướng tới là du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với vùng trồng sâm và cây dược liệu, du lịch cộng đồng…

Bà Lại Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, cho biết, cần xần xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch áp dụng với nhiều thị trường và các phân khúc thị trường khác nhau hoặc xây dựng các sản phẩm chuyên biệt, chuyên đề. Trong đó, xây dựng các tour tham quan cuối tuần, trải nghiệm văn hóa địa phương, du lịch nông nghiệp gắn với vùng trồng sâm và cây dược liệu, du lịch cộng đồng...  

IMG_9776

Du khách tham quan tại phiên chợ sâm Ngọc Linh lần 2. Ảnh: Tuấn Anh.

Chẳng hạn, có thể xây dựng tour du lịch chuyên đề liên quan đến sâm và cây dược liệu: đến Tu Mơ Rông sẽ tham quan vườn sâm, trồng sâm, thu hoạch sâm, chế biến món ăn với sâm; thưởng thức món ăn từ sâm, uống trà lá sâm, làm đẹp bằng sâm, mua quà là các sản phẩm từ sâm... Muốn vậy, huyện nên tổ chức Festival Sâm Ngọc Linh định kỳ 2 năm/lần.

Bên cạnh đó, huyện Tu Mơ Rông cần xây dựng chiến lược truyền thông du lịch một cách bài bản. Trong đó, phân tích và lựa chọn thị trường mục tiêu để phát triển du lịch huyện Tu Mơ Rông.

Sau dịch Covid-19, hiện nay nhu cầu thị trường đã có rất nhiều thay đổi và cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của chiến tranh, dịch bệnh, lạm phát kinh tế và chính sách phòng, chống dịch Covid-19 ở các nước, lượng khách quốc tế chưa trở lại bình thường.

Cùng với đó, khách du lịch nội địa cũng thắt chặt chi tiêu sau một thời gian dài dịch bệnh. Vì vậy, khách du lịch có xu hướng không đi theo đoàn đông mà đi cá nhân, nhóm gia đình, bằng phương tiện riêng, thích trải nghiệm, khám phá văn hóa và đến những miền quê gần gũi với thiên nhiên; quan tâm đến những dịch vụ, sản phẩm du lịch an toàn, chăm sóc sức khỏe...

"Huyện Tu Mơ Rông phải nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch theo nhu cầu mới của thị trường và du khách. Trong đó, chú trọng tới các tour du lịch bằng xe tự lái, đa dạng hóa sản phẩm để có thể phục vụ các đối tượng khách khác nhau".

Trong khi đó, ông Đặng Thanh Long đề xuất, Tu Mơ Rông cần có chính sách khuyến khích phát triển du lịch sâm Ngọc Linh cộng đồng. Theo đó, cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch như làm homestay, vườn du lịch, sản xuất hàng lưu niệm, đặc sản địa phương… bằng các quy định cụ thể về hỗ trợ vốn và ưu đãi vay vốn để người dân đầu tư phát triển du lịch xanh cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần xây dựng quy chế hoạt động trong mô hình du lịch sâm Ngọc Linh cộng đồng, xây dựng cơ chế và chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan như: Chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch, chuyên gia tư vấn đối với cộng đồng làm du lịch để phát triển bền vững.

z4088499510750_6fd33494439f22707871928d74fc95b9

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ sâm Ngọc Linh và phát triển du lịch của huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Công ty du lịch Ngọc Linh Kon Tum cho biết, chúng tôi đã thực hiện tour du lịch lên Tu Mơ Rông tham quan vườn sâm được 2 năm và có trải nghiệm khá thú vị. Tuy nhiên, mô hình du lịch này cũng có những khó khăn nhất định. Cụ thể, đường xá đi lên thăm vườn sâm Ngọc Linh còn rất xấu, khó khăn cho việc đi lại, địa phương cần lưu tâm đến vấn đề này. Ngoài ra, khi đến vườn sâm dịch vụ ăn uống, tham quan, trải nghiệm cuộc sống văn hóa nơi đây còn hạn chế. Về vấn đề này, huyện cần xây dựng mô hình chuẩn, nâng cấp các dịch vụ đồng thời tập trung phát triển những sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải kể được những câu chuyện đặc sắc về sâm

Chiều 6/2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có chuyến thăm vườn sâm Ngọc Linh tại xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông). Tại đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chia sẻ về cây sâm Ngọc Linh cũng như vấn đề phát triển du lịch địa phương.

Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp cần nâng cao mối quan hệ với bà con để có những hợp tác lâu dài, bình đẳng trong việc phát triển cây sâm Ngọc Linh. Từ giá trị, tiềm năng của sâm Ngọc Linh để tạo ra câu chuyện để thu hút khách du lịch. Nhiều khi chúng ta chưa biết cách làm du lịch, chưa định hướng trong việc phát triển du lịch. Làm du lịch không chỉ nhắm vào việc kiếm tiền mà phải cho du khách trải nghiệm được văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây, cũng như trải nghiệm được vẻ đẹp và giá trị của thiên nhiên vùng đất nơi đây mang lại.

Muốn vậy phải có những câu chuyện đặc sắc, chẳng hạn như câu chuyện thú vị về những cây sâm cây sâm Ngọc Linh nhiều năm tuổi.

Chiều tối cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dự Lễ khai mạc “Phiên chợ Sâm Ngọc Linh, các dược liệu khác gắn với du lịch lần 2 năm 2023 do UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.