Mới đây, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo hủy bỏ xác nhận đối với Công ty Cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum về nội dung sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông được cấp vào ngày 30/5/2022.
Ngoài ra, ông Mạnh cũng đề nghị các cá nhân ký giấy xác nhận trên báo cáo giải trình và kiểm điểm trách nhiệm liên quan vì có nội dung chưa chính xác. Thực tế, cách đây hơn 1 tháng, công ty này mới được UBND tỉnh Kon Tum cho chủ trương đưa cây nuôi cấy mô thí điểm ra ngoài tự nhiên.
Việc hủy bỏ xác nhận nhằm mục đích chấn chỉnh các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng Quốc bảo sâm Ngọc Linh để lừa dối người tiêu dùng.
Được biết, Công ty Cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum là thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam. Theo giới thiệu, Tập đoàn đã có hơn 20 năm trồng và phát triển bảo tồn nguồn gen gốc. Hiện tại, đơn vị này đang sở hữu hơn 7.000ha vùng trồng sâm tại đỉnh núi Ngọc Linh (nơi cây sâm đầu tiên được tìm thấy). Tập đoàn cũng đã trồng sâm với diện tích hơn 600ha.
Được biết, năm 2018, Công ty Cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum bắt đầu thực hiện dự án Khoa học công nghệ của sản phẩm Quốc gia tại xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông (dự án của Bộ Khoa học và Công nghệ).
Tháng 10/2022, Công ty Cổ phần Rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum được UBND tỉnh Kon Tum đồng ý cho hợp tác với Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô liên kết để triển khai trồng thử nghiệm nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Theo đó, Công ty được giao 24 ha để liên kết thực hiện tại lô 17, khoảnh 4, tiểu khu 228. Hiện chưa có cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô nào được đưa ra rừng để trồng thành công.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Thái, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết, Công ty đã liên kết với dân trồng sâm chủ yếu ở xã Ngọk Lây và 1 vài hộ bên xã Măng Ri, Tê Xăng. Tuy nhiên, tập trung chủ yếu ở xã Ngọk Lây, đã liên kết 10 hộ trồng sâm, diện tích mỗi hộ từ 5-10ha. Việc liên kết với các hộ dân trồng sâm xã có xác nhận.
Đề cập đến vấn đề này, ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọk Lây cho biết, Công ty Cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum có thực hiện dự án nuôi cấy mô, trồng trong nhà màng tại xã Ngọk Lây. Hiện cây đang trong bình, còn việc liên kết với người dân là không có. Công ty đưa biên bản nhờ UBND xã xác nhận nhiều lần nhưng không được đồng ý.
“Muốn xác nhận thì chúng tôi phải đi kiểm đếm, phải có trồng sâm, ở tiểu khu, khoảnh nào, diện tích bao nhiêu, ai chủ rừng…. Phải có mới làm, không thể lợi dụng hình ảnh cây sâm Ngọc Linh để bán những loại sâm khác vì vậy chúng tôi kiên quyết không đồng ý”, ông Dũng khẳng định.
Ông Võ Trung Mạnh khẳng định, Công ty đưa ra số liệu liên kết với các hộ dân trồng sâm Ngọc Linh là không trung thực. Cả huyện hiện có khoảng 60ha sâm Ngọc Linh của người dân trồng (chưa tính 2 doanh nghiệp được tỉnh công nhận là Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô). Trong khi đó, tại xã Măng Ri người dân không có liên kết trồng sâm Ngọc Linh với Công ty Cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Trước đó, Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã đưa tin về việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh để lừa dối người tiêu dùng. Cụ thể, Công ty cổ phần sâm Việt Nam từng có thời gian tự công bố có liên kết với dân, doanh nghiệp để trồng sâm nhằm trục lợi. Khi báo chí phản ánh, lực lượng chức năng kiểm tra và khẳng định công ty không trồng, liên kết trồng sâm Ngọc Linh với dân như công bố.