Ngày 6/1, UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã tổ chức họp báo phiên chợ sâm Ngọc Linh, các dược liệu khác gắn với du lịch lần thứ 2.
Theo đó, phiên chợ Sâm Ngọc linh lần 2 diễn ra từ ngày 6-8/2 với tổng số 50 gian hàng trưng bày sâm Ngọc Linh và các sản phẩm liên quan đến sâm như: Sơn tra, sâm dây… và 7 khu vực tư vấn việc làm. Điểm khác biệt của phiên chợ sâm Ngọc Linh lần này có 4 chương trình mới lần đầu xuất hiện gồm: Chương trình chấp cánh ước mơ cho thanh thiếu niên huyện Tu Mơ Rông; Hội thảo liên kết về phát triển du lịch huyện Tu Mơ Rông năm 2023; Hội thi sâm Ngọc Linh lần thứ 1 và Lễ hội khinh khí cầu bay về miền quốc bảo.
Cả 4 chương trình lần đầu xuất hiện ở phiên chợ lần 2 có điểm chung là tập trung khai thác tiềm năng du lịch, khai thác giá trị của quốc bảo để nâng cao đời sống người dân cũng như tiếp sức, truyền lửa cho thanh thiếu niên mạnh dạn theo đuổi ước mơ bằng con đường học vấn.
Tại buổi họp báo, vấn đề nguồn gốc sâm Ngọc Linh tham gia phiên chợ tiếp tục được nhiều người quan tâm. Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, người dân, doanh nghiệp muốn tham gia phiên chợ phải có giấy chứng nhận nguồn gốc, vùng trồng rõ ràng, giấy mua bán sâm được địa phương xác nhận.
Tại phiên chợ, Ban tổ chức tiếp tục trưng bày các loại củ bên ngoài giống Sâm Ngọc Linh để người dân đến tham gia phiên chợ phân biệt. Khi du khách mua sâm nếu vẫn chưa an tâm về chất lượng thì có thể yêu cầu tổ kiểm định sâm là các chuyên gia có kinh nghiệm do huyện thành lập và lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, đánh giá.
Đặc biệt hơn, huyện thuê sẵn máy kiểm định chất lượng đặt tại phiên chợ để tổ chức xét nghiệm sâm nếu khách có yêu cầu. Việc xét nghiệm bằng máy sẽ cho ra kết quả ngay, tuyệt đối chính xác. “Từ quy trình kiểm soát chặt chẽ, chúng tôi tự tin khẳng định, muốn mua đúng sâm thật, du khách cứ đến phiên chợ sâm lần 2”, ông Mạnh khẳng định.
Cũng theo ông Mạnh, thời gian qua nhiều doanh nghiệp cũng đã lợi dụng giấy xác nhận liên kết trồng sâm để trục lợi từ thương hiệu sâm Ngọc Linh. Chính vì vậy, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND các xã định kỳ hàng tháng lập danh sách các công ty, HTX có liên kết trồng sâm với dân trên địa bàn. Danh sách liên kết phải nêu rõ hình thức liên kết, số hộ tham gia, diện tích, vị trí liên kết. Huyện cũng yêu cầu các xã định kỳ giám sát việc liên kết này để cập nhập biến động tăng, giảm của các hộ liên kết trồng sâm với các công ty, HTX. Tất cả đều công khai trên trang thông tin điện tử của xã, huyện. Trường hợp phát hiện các đơn vị báo cáo gian dối việc liên kết, huyện sẽ kiến nghị tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm.