| Hotline: 0983.970.780

Về nơi khởi nguồn ‘Quốc bảo’ sâm Ngọc Linh

Thứ Ba 20/09/2022 , 14:38 (GMT+7)

Phát hiện trên dãy núi Ngọc Linh (Kon Tum và Quảng Nam) từ 50 năm trước, sâm Ngọc Linh đã được các thế hệ bảo tồn và phát triển đến ngày nay.

Sâm Ngọc Linh được bảo tồn và phát triển tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Sâm Ngọc Linh được bảo tồn và phát triển tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Mới đây, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 tổ chức chương trình “Về nguồn” nhằm tri ân và tôn vinh những đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cùng các vị lãnh đạo qua các thời kỳ đã có công lớn trong việc phát hiện cây sâm Ngọc Linh từ năm 1973 và giữ gìn, phát triển cho tới bây giờ.

Hành trình 50 năm phát hiện sâm Ngọc Linh

Trong chương trình “về nguồn”, chúng tôi may mắn được cùng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến dãy núi Ngọc Linh (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) để chiêm ngưỡng loại sâm quý hiếm đang được bảo tồn và phát triển.

Theo nhiều người dân bản địa nơi đây, cây sâm Ngọc Linh chủ yếu sống ở lưng chừng các ngọn núi trên dãy Ngọc Linh, nơi thường xuyên bị mây mù bao phủ. Trước đây, người đồng bào dân tộc Xơ Đăng chỉ xem cây sâm Ngọc Linh như một phương thuốc giấu. Những lúc đau ốm hay bị rắn cắn, người dân thường lấy cây sâm Ngọc Linh ra ngậm. Cây có vị đắng, mùi thơm và sau khi dùng thì ai nấy đều khỏi bệnh, cảm thấy khỏe khoắn.

Ông Đào Kim Long, người tìm ra sâm Ngọc Linh đầu tiên vào năm 1973.

Ông Đào Kim Long, người tìm ra sâm Ngọc Linh đầu tiên vào năm 1973.

Để hiểu rõ hơn về nguồn gốc sâm Ngọc Linh, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Đào Kim Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu dược liệu và kiểm nghiệm Khu V, người đã tìm ra cây sâm Ngọc Linh đầu tiên từ năm 1973.

Ông Đào Kim Long cho biết, công cuộc đi tìm “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh được ông và cộng sự bắt đầu từ tháng 10/1972. Sau gần nửa năm đi bộ ròng rã xuyên qua các cánh rừng, đến tháng 3/1973 cả đoàn đã tìm thấy loài cây này mọc thành quần thể ở độ cao 1.800 m trên dãy núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum.

Trong trí nhớ của ông Long, trước khi đến Kon Tum để phát hiện ra cây sâm Ngọc Linh, ông cũng đã tìm hiểu về các dòng họ sâm ở phía Bắc thì chỉ thấy cây tam thất giống với sâm Ngọc Linh. Đến tháng 6/1972, trong 1 lần tham gia hội nghị về các cây thuốc quý của Việt Nam, ông biết được trên đỉnh núi Ngọc Linh có loại sâm rất quý có thể bồi bổ sức khỏe và phòng bệnh rất tốt.

Và rồi ngay sau đó, Khu ủy Khu V thành lập luôn đoàn dược sĩ đi lên núi Ngọc Linh tìm hiểu về các loại sâm quý. Trưởng đoàn là dược sĩ Đào Kim Long, cùng cậu học và dược sĩ Nguyễn Thị Lê của Ban Y tế tỉnh Kon Tum.

Nhớ lại ngày phát hiện ra sâm Ngọc Linh, ông Long bồi hồi kể: “Hôm đó tôi và dược sĩ Lê đi trước, cậu học trò đi sau rồi vô tình ngắt phải 1 ngọn cây và hỏi đây là cây gì. Thấy vậy, tôi mới quay lại đào gốc cây đó lên thì phát hiện có củ. Sau đó, tôi đưa lên miếng nếm thử và cảm quan mách bảo rằng, đây là loại sâm rất quý hiếm”.

Nhiều ngày nghiên cứu sau đó, ông Long đã xác định núi Ngọc Linh là quê hương của cây sâm mới, đặc biệt quý hiếm, chưa từng xuất hiện tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Từ đó, ông Long đặt tên là sâm Ngọc Linh, tên khoa học Panax Articulatus. Sau 12 năm, quốc tế cũng đã công nhận và đổi tên là Panax vietnamensis và I.V Grushvistky.

“Cây sâm Ngọc Linh thường mọc từ trên cao của đỉnh núi Ngọc Linh và men theo các dòng nước suối lạnh, rất thích nghi ở khí hậu từ 15-20 độ C. Cũng chính bởi núi Ngọc Linh có linh khí đặc biệt nên đã tạo ra sâm Ngọc Linh quý hiếm mà không ở bất cứ nơi đâu có được. Mang cây sâm Ngọc Linh đi chỗ khác vẫn trồng được nhưng lại không có hoạt chất vốn có để trở thành báu vật của đại ngàn”, ông Long chia sẻ.

Sâm Ngọc Kinh mang lại giá trị kinh tế rất cao.

Sâm Ngọc Kinh mang lại giá trị kinh tế rất cao.

Tiếp thêm câu chuyện, ông Long cho biết, sau khi sâm Ngọc Linh quý hiếm được phát hiện, Khu uỷ Khu 5 đã chỉ đạo Ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác, giao cho xưởng Dược Trung Trung bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đồng thời, gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Hà Nội nghiên cứu. Mặt khác, sâm Ngọc Linh lúc bấy giờ được Khu uỷ Khu 5 đổi thành tên “Cây có đốt” và cũng đổi công dụng nhằm tránh bị khai thác hết.

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM, sâm Ngọc Linh chứa 84 hợp chất saponin, trong đó rất nhiều hợp chất saponin có cấu trúc mới chưa từng xuất hiện trong các loại sâm khác. Ngoài các loại saponin, sâm Ngọc Linh còn chứa các polyacetilen, axit béo, axit amin, gluxit, tinh dầu và cả các yếu tố vi lượng.

Tự hào “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh

Đến bây giờ, ông Long cảm thấy rất vui mừng khi các nhà khoa học sau này đã nghiên cứu ít nhất trên 50 công trình khoa học về sâm Ngọc Linh, để qua đó chứng minh rằng đây là loại sâm tốt nhất thế giới. Theo đó, sâm Ngọc Linh có tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan.

“Chính vì quý hiếm, rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã cấy mô sâm Ngọc Linh để trồng và sản xuất ra rất nhiều sản phẩm. Sau đó, các doanh nghiệp này có đặt vấn đề với tôi để đưa hình ảnh lên các sản phẩm của họ. Tuy nhiên, tôi đã không đồng ý và nói rằng, các ông đang làm giả sâm Ngọc Linh quý hiếm của Việt Nam”, ông Long chia sẻ.

Sâm Ngọc Linh được tôn vinh là 'Quốc bảo Việt Nam – Báu vật đại ngàn'.

Sâm Ngọc Linh được tôn vinh là “Quốc bảo Việt Nam – Báu vật đại ngàn”.

Cũng theo ông Long, sâm Ngọc Linh đã được tôn vinh “Quốc bảo Việt Nam – Báu vật đại ngàn” và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ phát triển thành ngành công nghiệp quốc kế dân sinh.

“Hiện nay, sâm Ngọc Linh đã phát triển rực rỡ, dưới sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các sản phẩm được triết xuất từ sâm Ngọc Linh đã đến được với đông đảo người tiêu dùng. Với thương hiệu sâm Ngọc Linh đang nổi tiếng trên thế giới, tôi hy vọng những thế hệ về sau sẽ xuất khẩu các sản phẩm sâm Ngọc Linh ngày càng nhiều để tất cả người dân khắp 5 châu biết đến Việt Nam”, ông Long chia sẻ.

Sâm Ngọc Linh đang được trồng và chăm sóc ngay tại dãy núi Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh đang được trồng và chăm sóc ngay tại dãy núi Ngọc Linh.

Là người có công gìn giữ, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trong nhiều năm qua, ông Trần Hoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 cho biết, nhờ các tài liệu về hành trình phát hiện, nghiên cứu và công bố của các nhà khoa học từ năm 1973 về cây sâm Ngọc Linh, chúng tôi mới biết được rằng, vùng núi Ngọc Linh của Kon Tum đang sở hữu một loại dược liệu quý, đặc biệt tốt cho sức khoẻ con người.

Tuy nhiên, vào những năm 90, cây sâm Ngọc Linh đang bên bờ tuyệt chủng. Thấy vậy, ông đã tìm cách bảo tồn loài dược liệu quý này bằng cách đơn giản nhất. Lúc đó, cứ nghe ở đâu có bà con đi rừng kiếm được sâm, ông lại tìm đến mua mang về ươm trồng tại vườn trên đỉnh núi Ngọc Linh, chăm cho cây sống, rồi lấy hạt nhân giống tiếp.

Đến nay, sau 25 năm, từ mong muốn ban đầu là giữ cho được một loại dược liệu quý cho địa phương, vườn sâm của công ty trên đỉnh núi Ngọc Linh đã phát triển lên tới hàng ngàn ha. Mỗi năm công ty sản xuất ra hàng triệu cây giống để mở rộng diện tích và cung cấp cho người dân trong vùng.

“Hiện nay, sâm Ngọc Linh gần như thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải đưa các ứng dụng khoa học vào trong canh tác, gieo trồng như kiểm soát được nhiệt độ, môi trường để cây sâm Ngọc Linh cho năng suất, chất lượng cao. Từ đó, tiến tới sản xuất hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm để nhiều người Việt Nam có thể sử dụng rộng rãi loại sâm chất lượng này”, ông Hoàn chia sẻ.

“Sâm Ngọc Linh đặc biệt tốt cho sức khỏe con người thì phải vươn ra thế giới. Cũng như Hàn Quốc, Trung Quốc đã xây dựng thương hiệu sâm của họ rất tốt và được cả thế giới biết đến. Chính vì vậy, mục tiêu của chúng tôi là làm sao thế giới cũng phải biết đến sâm Ngọc Linh của Việt Nam”, ông Trần Hoàn chia sẻ.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.