| Hotline: 0983.970.780

Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Du lịch sinh thái, tiềm năng còn ‘say ngủ’ ở Bắc Bình Định

Thứ Năm 08/09/2022 , 05:57 (GMT+7)

Vừa có biển, vừa có rừng, với cảnh quan phong phú, hệ sinh thái nguyên sơ, là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái vùng Bắc Bình Định nhưng chưa được khai thác.

Tiềm năng còn “say ngủ”

Phía Bắc Bình Định có 4 huyện, thị xã là: Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão và Hoài Nhơn. Thị xã Hoài Nhơn và huyện Phù Mỹ là 2 địa phương miền biển, còn huyện Hoài Ân và An Lão là 2 huyện miền núi, cả 4 địa phương này nằm cận kề nhau.

Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia, thì thị xã Hoài Nhơn có vị trí, vai trò rất đặc biệt, vì có thể kết nối với Tây Nguyên thông qua đường nối với An Lão về Ba Tơ và Quốc lộ 24, tạo hành lang phía Bắc của Tây Nguyên để phát triển. Do đó, khi khai thác du lịch ở các địa phương phía Bắc Bình Định, cần quy hoạch thị xã Hoài Nhơn, đặc biệt phường Bồng Sơn, khu vực dọc sông Lại Giang, trở thành đô thị có sắc thái riêng, điểm nhấn cực tăng trưởng phía Bắc.

Bên cạnh đó, đường ven biển mở ra là cơ hội để hình thành chuỗi đô thị ven biển, đô thị biển gắn với phát triển du lịch. Một chuỗi đô thị ven biển từ Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) về thành phố Quy Nhơn, có thể chuỗi đô thị này không lớn, nhưng khi đã hình thành chuỗi sẽ tạo động lực phát triển kinh tế ven biển, đặc biệt có ý nghĩa về an ninh quốc phòng.

“Vùng Bắc Bình Định vừa có lợi thế về biển, về núi rừng. Những gì mà Quy Nhơn có, ví như biển thì Hoài Nhơn, Phù Mỹ cũng có. Nhưng những gì vùng Bắc Bình Định có nhưng Quy Nhơn không có, ví như hệ sinh thái núi rừng. Ở Quy Nhơn muốn thưởng ngoạn cảnh núi rừng phải đi đến hơn 150km mới lên được vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), nhưng nếu du khách đang thưởng ngoạn cảnh biển ở Phù Mỹ, Hoài Nhơn, bỗng dưng muốn thăm thú núi rừng thì chỉ cần lên xe đi 50-60km là đã đến An Toàn (huyện An Lão), vùng cao có cảnh sắc tuyệt mỹ, khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm”, TS Trần Du Lịch chia sẻ.

Cũng theo TS Trần Du Lịch, một lợi thế khác của vùng Bắc Bình Định là mọi cảnh quan còn rất nguyên sơ, bây giờ khai thác có thể làm mới phù hợp với xu thế hiện đại, chứ không như nhiều nơi khác, những cảnh quan nguyên sơ đã bị khai thác “dập nhả”, giờ đã nát tương, muốn khôi phục cũng khó.

Empty

Làng nghề chế tác trầm hương ở xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Thế nhưng địa phương được đặt để là “sếu đầu đàn” của du lịch Bắc Bình Định là thị xã Hoài Nhơn cơ cở hạ tầng phục vụ du lịch còn rất tềnh toàng. TS Trần Du Lịch hỏi lãnh đạo Hoài Nhơn: “Về Hoài Nhơn ngủ ở đâu?”, lãnh đạo Hoài Nhơn giới thiệu những khách sạn mà theo TS Trần Du Lịch là chưa đủ hoành tráng để đón khách du lịch một cách bài bản. TS Trần Du Lịch hỏi thêm: “Về Hoài Nhơn ăn gì?”, lãnh đạo thị xã giới thiệu rất nhiều món đặc sản quê hương cực kỳ đặc sắc, thế nhưng muốn thưởng thức phải đi nơi này, chốn kia, mới có quán để thưởng thức. Người từng trải như TS Trần Du Lịch đặt câu hỏi vì sao không hình thành phố ẩm thực, để khách du lịch chỉ cần đến 1 nơi là có thể thưởng thức hết những món ngon của Hoài Nhơn. Có thể xây dựng mô hình khách du lịch muốn vào khu phố ẩm thực chỉ cần mua 1 chiếc vé, sau đó có thể thưởng thức tất tần tật những món đặc sản có trong ấy trong 1 thời gian nhất định. Tại sao không?

TS Trần Du Lịch còn gợi mở, các địa phương Bắc Bình Định cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Vùng Bắc Bình Định phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cần được lồng ghép với mối liên hệ với du lịch toàn tỉnh và các khu vực lân cận để tạo thành sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn chung.

Empty

Đồi sim rộng hàng trăm ha ở xã An Toàn (huyện An Lão, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nghe góp ý của chuyên gia, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, xác định: “Với những lợi thế trên, Bình Định xác định lấy thị xã Hoài Nhơn làm trung tâm du lịch của khu vực, từ đó tạo sự lan tỏa phát triển du lịch đến các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, An Lão. Thị xã Hoài Nhơn sẽ là nơi tập trung đón tiếp, phân phối khách đi các điểm du lịch phía Bắc tỉnh và chuyển tiếp tới các khu du lịch phía Nam tỉnh; là địa điểm tập trung dịch vụ du lịch, cung cấp các dịch vụ tổng hợp cho hệ thống du lịch phía Bắc tỉnh và là địa điểm tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện của du lịch khu vực phía Bắc tỉnh”,

Lấy du lịch sinh thái làm mũi nhọn

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Bình Định, thị xã Hoài Nhơn sẽ lấy du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển làm mũi nhọn để phát triển du lịch và du lịch văn hóa-lịch sử, trải nghiệm làng nghề làm nền tảng cơ sở. Du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, ẩm thực, thể thao trên biển là sản phẩm bổ sung. Huyện Phù Mỹ lấy du lịch sinh thái ven biển, đầm, du lịch cộng đồng làm mũi nhọn để phát triển và du lịch văn hóa làm nền tảng cơ sở. Du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch nông nghiệp, ẩm thực là sản phẩm bổ sung. Huyện An Lão lấy du lịch sinh thái núi rừng, du lịch cộng đồng làm mũi nhọn để phát triển và du lịch văn hóa-lịch sử làm nền tảng cơ sở. Du lịch mạo hiểm, ẩm thực là sản phẩm bổ sung. Đặc biệt, huyện Hoài Ân sẽ lấy du lịch nông nghiệp làm mũi nhọn để phát triển và du lịch văn hóa-lịch sử làm nền tảng cơ sở. Du lịch ẩm thực, du lịch trải nghiệm là sản phẩm bổ sung.

Empty

Những sản phẩm OCOP của thị xã Hoài Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, hiện nay, du lịch biển đang là chiến lược của ngành du lịch Việt Nam. Với hơn 134km bờ biển, Bình Định có lợi thế để phát triển du lịch biển. Ngoài ra, Bình Định có nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc về núi rừng, văn hóa, trong đó có 4 địa phương phía Bắc Bình Định. Với đặc điểm những vùng đất tiềm năng về du lịch sinh thái còn hoang sơ, giờ ngành chức năng chỉ cần tìm hướng đi mới là thành công. Điều cần thiết là phải định danh cho từng vùng, giới thiệu từng đặc điểm và mời gọi đầu tư. Trước tiên, cần nhất là kết nối hạ tầng, kết nối điểm đến để các doanh nghiệp mạnh dạn rót tiền vào đầu tư và chuẩn bị lực lượng nhân lực phục vụ du lịch.

Khu vực phía Bắc Bình Định là vùng có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, nhất là sản phẩm du lịch đặc thù biển, núi rừng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nền văn hóa đậm đà bản sắc, có sức hút du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng du lịch Bắc Bình Định cần xây dựng chương trình xúc tiến, quảng bá; tổ chức các chương trình giới thiệu về du lịch khu vực ở những thị trường mục tiêu. Tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch ở trong và ngoài nước, quảng bá hình ảnh du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch.

Empty

Thác K50 thuộc khu bảo tồn Kon Chư Răng nằm về phía xã An Toàn (huyện An Lão, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch sức khỏe của 4 địa phương phía Bắc tỉnh Bình Định là đã rõ, thế nhưng tất cả vẫn còn “ngủ quên”. Giờ cần phải “đánh thức” bằng đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước, của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bình Định sẽ lập quy hoạch về du lịch cho khu vực phía Bắc, biến ý tưởng của các chuyên gia, dự định, kế hoạch của các nhà đầu tư thành hiện thực”, ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.