| Hotline: 0983.970.780

Dự trữ gạo, mì tôm phòng sạt lở, cô lập

Thứ Tư 22/11/2023 , 09:08 (GMT+7)

Huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã thực hiện các phương án đảm bảo an toàn, đáp ứng điều kiện sống cho người dân trong trường hợp có thiên tai gây sạt lở, cô lập.

Ưu tiên 4 “tại chỗ”

Phước Sơn là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam với địa hình phức tạp. Cứ đến mùa mưa bão hàng năm, địa phương này thường bị tác động lớn bởi thiên tai, đặc biệt là tình trạng sạt lở vùi lấp nhà cửa, đe dọa tính mạng của người dân. Cùng với đó, nhiều thôn, xã vùng cao của huyện Phước Sơn cũng thường xuyên bị cô lập khi mưa bão kéo dài.

Nhiều địa phương ở vùng cao huyện Phước Sơn thường xuyên bị chia cắt do sạt lở. Ảnh: Lê Khánh.

Nhiều địa phương ở vùng cao huyện Phước Sơn thường xuyên bị chia cắt do sạt lở. Ảnh: Lê Khánh.

Thực tế đã cho thấy, trong đợt mưa bão năm 2020, tại huyện Phước Sơn có 2 xã nằm xa trung tâm là Phước Lộc và Phước Thành bị chia cắt nhiều ngày liền. Đường sá bị hư hỏng, vùi lấp, nước sông dâng cao nên lực lượng chức năng rất khó khăn trong công tác tiếp cận để hỗ trợ. Rút ra được bài học kinh nghiệm, thời gian qua, huyện này đã xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp điều kiện thực tiễn ở từng địa phương.

Hiện nay, đang trong cao điểm mùa mưa lũ, những nỗi lo vẫn luôn thường trực, song người vùng cao đã chủ động hơn nhiều để thích nghi với những diễn biến cực đoan của thời tiết. Là địa bàn xa trung tâm huyện, các thôn nằm rải rác, thường xuyên bị chia cắt dài ngày khi có mưa lũ, UBND xã Phước Lộc đã kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai trước mỗi mùa mưa lũ.

Toàn xã có 7 đội xung kích, trong đó 6 đội cấp thôn với khoảng 10 thành viên, nòng cốt là ban cán sự thôn và đoàn viên, thanh niên. Còn lại 1 đội hình xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, chịu trách nhiệm điều hành chung.

Theo anh Hồ Văn Đoàn (trú thôn 2, xã Phước Lộc), nhiệm vụ của đội xung kích phòng chống thiên tai mà anh đang tham gia là hỗ trợ sơ tán người dân đến nơi an toàn, chủ động tiếp nhận lương thực, thực phẩm xã bố trí, cấp phát cho người dân.

Nhà tránh sạt lở cho người dân huyện Phước Sơn vừa được xây dựng xong. Ảnh: Lê Khánh.

Nhà tránh sạt lở cho người dân huyện Phước Sơn vừa được xây dựng xong. Ảnh: Lê Khánh.

“Mỗi khi có mưa lớn, chúng tôi chia nhau đến các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để đặt biển cảnh báo, hạn chế người qua lại. Sau trận lũ quét, sạt lở kinh hoàng vào cuối năm 2020, người dân giờ đã có ý thức cao trong công tác phòng chống thiên tai. Chỉ cần UBND xã thông tin, không cần đến từng nhà vận động, người dân chủ động thu xếp vật dụng, tài sản cá nhân, di chuyển đến địa điểm tránh trú”, anh Đoàn nói.

Chia sẻ về tình hình thực tế, ông Hồ Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết, dù đã có lực lượng xung kích ở 6 thôn, nhưng lo nhất là thông tin, liên lạc qua lại. Hiện địa bàn thôn 3 chưa phủ sóng điện thoại, các thôn khác khi có bão thì việc liên lạc gặp nhiều khó khăn. Do đó, xã đã yêu cầu các thôn tìm kiếm các điểm cao, vị trí có sóng điện thoại, khi có mưa bão sẽ cắt cử một thành viên luôn túc trực tại điểm có sóng này để trao đổi thông tin.

“Trong một số trường hợp nguy cấp, xã sẽ phân công lực lượng tìm kiếm các tuyến đường an toàn để tiếp cận khu vực không thể liên lạc. Trước đây, trên địa bàn xã, thôn 5a là khu vực có nguy cơ sạt lở cao, lãnh đạo xã vô cùng lo lắng. Nhưng vừa qua có nhà hảo tâm tài trợ xây dựng nhà tránh sạt lở, đảm bảo người dân tránh trú dài ngày”, ông Long thông tin.

Sẵn sàng các phương án

Sạt lở ở các địa phương miền núi nói chung và huyện Phước Sơn nói riêng ngoài đe dọa nhà cửa, tài sản thì vấn đề thường xuyên xảy ra nhất chính là các tuyến đường giao thông bị chia cắt. Lúc này, hàng trăm hộ dân bị cô lập hoàn toàn. Vào năm 2020, khi 2 xã Phước Thành và Phước Lộc bị chia cắt do đường giao thông cầu cống bị sạt lở, người dân nơi đây đứng trước nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm.

Gạo, mỳ tôm được tích trữ trong trường hợp các địa phương bị cô lập dài ngày. Ảnh: Lê Khánh.

Gạo, mỳ tôm được tích trữ trong trường hợp các địa phương bị cô lập dài ngày. Ảnh: Lê Khánh.

Để giải quyết tình hình, ngành chức năng đã phải chỉ đạo các lực lượng quân sự, công an, dân quân gùi cõng lương thực vượt rừng, Quân khu 5 còn huy động cả trực thăng để để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân vùng cô lập.

Vụ việc này đã trở thành bài học kinh nghiệm cho huyện Phước Sơn để chủ động hơn trước thiên tai. Đó là yêu cầu bức thiết trong việc đảm bảo điều kiện sống cho người dân ở vùng sạt lở. Hiện nay, các địa phương ở huyện Phước Sơn cũng đã rất chú trọng đến vấn đề này.

Theo ông Hồ Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, song song với công tác di dời, bố trí địa điểm an toàn cho người dân tránh trú, vừa qua xã Phước Lộc cũng đã xây dựng kho chứa lương thực và đã dự trữ 5 tấn gạo cùng hàng trăm thùng mì tôm.

Ngoài ra, tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Lộc cũng dự trữ 6 tấn gạo cùng một số nhu yếu phẩm cần thiết để đảm bảo bữa ăn cho học sinh các cấp ở lại trường trong thời gian mưa bão.

Còn tại xã Phước Thành, trong đợt mưa bão năm 2020, địa phương này đã bị cô lập đến 20 ngày, người dân trải qua nhiều khó khăn. Do đó, để tránh tình trạng này tiếp diễn, đến thời điểm này, xã Phước Thành cũng đã mua gạo dự trữ cho 4 thôn, đáp ứng đảm bảo đời sống cho bà con trong tình huống bị chia cắt dài ngày. Đồng thời duy trì hoạt động của đội xung kích “4 tại chỗ”, sẵn sàng lực lượng, phương tiện thực hiện theo các chỉ đạo của tỉnh, huyện.

Huyện Phước Sơn cũng đang chỉ đạo các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các công trình giao thông. Ảnh: Lê Khánh.

Huyện Phước Sơn cũng đang chỉ đạo các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các công trình giao thông. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết: “Bên cạnh việc chủ động ứng phó, điều nhân dân địa phương băn khoăn nhất là tuyến đường từ UBND xã Phước Thành xuống trung tâm huyện Phước Sơn thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa, nhất là cầu Phước Kim đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Yêu cầu bức thiết là phải gia cố lại các tuyến, đảm bảo giao thông thông suốt để kịp thời hỗ trợ bà con”, ông Phức đề nghị.

Theo lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn, đợt mưa lũ vào năm 2020 đã gây cho địa phương rất nhiều thiệt hại. Sau thời điểm đó, huyện đã tập trung để khắc phục các hạ tầng thiết yếu như trạm y tế, cơ sở giáo dục, trường học, cầu cống kết nối giữa trung tâm xã với các thôn, các công trình nước sạch, điện sinh hoạt, thắp sáng. Năm 2021, huyện này cơ bản hoàn thiện các hạng mục thiết yếu phục vụ đời sống người dân.

Đặc biệt, những hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đến năm 2023 đã có nhà ở tương đối ổn định, an toàn ở các khu tái định cư. Nhờ đó, việc sớm ổn định đời sống của người dân, đồng bào các xã vùng cao Phước Sơn cơ bản đã trở lại cuộc sống bình thường.

Đối với các tuyến đường, hiện nay, huyện đang gấp rút chỉ đạo các đơn vị thi công sớm hoàn thiện để đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ cho công tác chỉ đạo cũng như hỗ trợ người dân trong trường hợp có thiên tai.

Ông Hồ Công Điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: Trong công tác ứng phó với thiên tai, huyện xác định, phương châm “4 tại chỗ” được ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi đã cấp kinh phí cho các xã vùng cao mua lương thực, thực phẩm dự trữ đảm bảo điều kiện sống thiết yếu cho bà con nếu xảy ra cô lập. Đồng thời, UBND huyện cũng đã yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công rà soát các phương tiện hiện có trên địa bàn. Khi có tình huống xấu xảy ra sẽ hỗ trợ việc mở đường, ứng cứu bà con nhân dân và khắc phục hậu quả thiên tai. Về phương án lâu dài, huyện Phước Sơn cũng đang đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nhà ở, khu tái định cư an toàn theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh về sắp xếp lại dân cư nhằm sớm ổn định đời sống người dân”.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.