| Hotline: 0983.970.780

Đưa các quy định và thực thi cam kết về SPS mới vào thực tiễn

Thứ Ba 07/06/2022 , 15:39 (GMT+7)

Các quy định và thực thi cam kết về SPS và cập nhật yêu cầu về SPS tại thị trường Trung Quốc vừa được triển khai phổ biến tại Bình Phước.

Ngày 7/6, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định và thực thi cam kết về SPS trong hiệp định thương mại tự do thế giới và cập nhật yêu cầu về SPS tại thị trường Trung Quốc.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý đã trình bày các nội dung: An toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do; quy định mới về an toàn thực phẩm và đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thị trường Trung Quốc; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản và chế biến nông, lâm, thuỷ sản sau thu hoạch; mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc. Cũng tại diễn đàn các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã trao đổii thảo luận các nội dung, vấn đề liên quan như mã số vùng trồng, mã số đóng gói, an toàn thực phẩm nông sản để xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc…

Tại Hội nghị, bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước chia sẻ, Bình Phước hiện có 12.303 ha cây ăn trái. Tính đến nay, Bình Phước mới chỉ có 7 vùng trồng của các loại trái cây như mít, chuối, xoài là được cấp mã số vùng trồng. Riêng cây sầu riêng vẫn chưa có vùng trồng nào được cấp mã số. Bình Phước cũng chỉ mới có 6 cơ sở được cấp mã số đóng gói để xuất khẩu trái cây.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Theo bà Ánh Tuyết, sầu riêng là loại cây trồng mới, đang phát triển nhanh ở Bình Phước, hầu hết diện tích sầu riêng tại địa phương trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Bên cạnh thị trường nội địa, sầu riêng Bình Phước được các thị trường quốc tế đón nhận trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên, việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đang gặp khó vì chính sách kiểm soát dịch Covid-19.

Từ đầu năm 2022, Hải quan Trung Quốc quy định hàng nông sản nhập khẩu chính ngạch vào nước này phải có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Thời điểm này năm ngoái, giá sầu riêng tại địa phương ghi nhận dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg nhưng hiện nay chỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước đã xúc tiến xây dựng hồ sơ đề nghị phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng của tỉnh. Thế nhưng, hiện sầu riêng Bình Phước bước vào vụ thu hoạch rộ. Đến giờ, mã số vùng trồng vẫn chưa được cấp, ngành nông nghiệp và người trồng sầu riêng đang rất sốt ruột.

“Là địa phương còn nhiều dư địa để phát cây ăn trái nói chung, sầu riêng nói riêng, Hội nghị lần này được tổ chức tại địa phương rất ý nghĩa nhằm giúp các HTX, nông dân, doanh nghiệp nắm rõ về thực hiện các cam kết về SPS, cập nhật thông báo dự thảo các biện pháp SPS. Từ đó, có những thông tin hữu ích tránh rủi ro thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông sản cả nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng”, bà Lê Thị Ánh Tuyết nói.

Ông Đặng Hoàng Giang - Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Ông Đặng Hoàng Giang - Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Tại hội nghị, ông Đặng Hoàng Giang - Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ, hiện nay, Việt Nam đã ký kết và trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn trên thế giới, bao gồm EU và Trung Quốc.

Thời gian vừa qua, thực hiện Lệnh 248 và 249 của Chính phủ Trung Quốc, trong quá trình thực hiện đăng ký mã số Doanh nghiệp xuất khẩu đi Trung Quốc, Văn phòng SPS Việt Nam đã phối hợp với VINACAS xử lý thành công một số vướng mắc cho doanh nghiệp ngành điều. Đến nay, không còn Hội viên VINACAS nào phản ánh khó khăn, vướng mắc liên quan đến đăng ký mã số DN xuất khẩu đi Trung Quốc nữa.

Thông qua hội nghị, VINACAS đề nghị Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, Hiệp hội để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điều trong việc triển khai thực hiện các quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Đề nghị phía Trung Quốc cho phép tỷ lệ dung sai về sâu sống, sâu chết hiện diện trong sản phẩm hạt điều là 0,05%. Đồng thời, đề nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều và các sản phẩm phụ của cây điều...

“Đặc biệt, các doanh nghiệp điều cần nắm bắt nhanh các quy định mới của Trung Quốc, điển hình trong Lệnh 248, Lệnh 249, Tổng cục Hải quan Trung quốc đã thay đổi các yêu cầu về nhà xưởng sơ chế, chế biến nông sản để kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm. Các quy định này bắt buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ thì mới xuất khẩu được sang Trung Quốc”, ông Đặng Hoàng Giang nói.

Các chuyên gia, nhà quản lý đã trình bày các nội dung: An Toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do; quy định mới về an toàn thực phẩm và đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thị trường Trung Quốc. Ảnh: Trần Trung.

Các chuyên gia, nhà quản lý đã trình bày các nội dung: An Toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do; quy định mới về an toàn thực phẩm và đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thị trường Trung Quốc. Ảnh: Trần Trung.

Tham gia trực tuyến tại điểm cầu Bắc Kinh, ông Lương Văn Tài, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu trái cây lớn thứ 3 vào thị trường Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 1,01 tỷ USD, tăng hơn 9% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 7,15% thị phần giá trị nhập khẩu trái cây và sản phẩm trái cây của Trung Quốc. Quý I/2022 giá trị xuất khẩu đạt 461 triệu USD, tăng 73,7%, chiếm gần 10,4% thị phần.

Theo ông Lương Văn Tài, cùng với nhu cầu nhập khẩu nông sản lớn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng như công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa cũng được Chính phủ Trung Quốc rất chú trọng trong những năm trở lại đây. Điều này đã được cụ thể hóa bằng việc Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh số 248 và 249.

Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh là một trong những cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Trung Quốc. Trong những năm vừa qua, Thương vụ luôn đặt công tác hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thương vụ luôn tích cực phối hợp với cơ quan hữu quan Việt Nam tích cực giao thiệp với các đơn vị đối tác phía bạn nhằm mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm nông sản có thế mạnh của Việt Nam sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Thương vụ luôn chủ động trao đổi với cơ quan Hải quan phía Trung Quốc mỗi khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, vướng mắc, đặc biệt vào thời điểm ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu. Ngoài ra, tại các buổi hội thảo, diễn đàn do bộ, ngành Việt Nam tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp có cách nhìn đa chiều và hiểu hơn đối với các quy định hiện hành của thị trường Trung Quốc.

“Việt Nam có nhiều mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu như các loại trái cây nhiệt đới, thủy sản, gạo và nhiều sản phẩm nông sản khác. Không ít sản phẩm nằm trong tốp đầu trong phân khúc hàng nông sản nhập khẩu của Trung Quốc. Khi tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần nắm rõ quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu đối với hàng nông sản thực phẩm nhập khẩu và tuân thủ các quy định, yêu cầu đó (tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì, truy xuất nguồn gốc). Doanh nghiệp cần có bộ phận hoặc đội ngũ cán bộ chuyên trách về thị trường và am hiểu ngoại ngữ của thị trường đó. Đồng thời phải có biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch Covid xuyên suốt từ quy trình sản xuất đến xuất khẩu hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông sản thực phẩm, sản phẩm tươi và bảo quản  đông lạnh”, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh Lương Văn Tài nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: Trần Trung.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam cho biết, hiện nay các nước đang thực hiện chính sách cắt giảm thuế cho nhau và vấn đề đặt ra là rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật trở thành rào cản lớn nhất cho việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới. Gần đây thị trường Trung Quốc đã có những quy định ngày một chặt chẽ hơn, không chỉ là vấn đề về kỹ thuật như bao bì, nhãn mác sản phẩm mà còn các vấn đề về kiểm tra dư lượng, sinh vật gây hại…

Trong 18 nhóm hàng thực phẩm Trung Quốc yêu cầu đăng ký theo Lệnh 248 thì phần đã có những thoả thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc, đối với nhóm hoa quả truyền thống thì không cần phải đăng ký danh sách doanh nghiệp mà chỉ cần đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc về bao bì, nhãn mác, quy cách đóng gói, ghi tên doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói lên bao bì là đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường Trung Quốc. Hiện về phía Bộ NN-PTNT có Văn phòng SPS Việt Nam là cơ quan đầu mối để hỗ trợ trong việc thực thi triển khai Lệnh 248 và Lệnh 249.

Hiện Việt Nam đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt trên 2.000 mã sản phẩm được phép  xuất khẩu sang thị trường này. Các doanh nghiệp sau khi đăng ký thành công, dự kiến sắp tới, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ lựa chọn và kiểm tra trực tuyến các doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần tổ chức thực hiện sản xuất đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường.

“Từ đầu năm đến 31/5/2022, Văn phòng SPS Việt Nam đã cập nhật được 405 thông báo của các thành viên WTO về các dự thảo và quy định có hiệu lực về SPS có thể ảnh hưởng đến  xuất khẩu nông, lâm và thủy sản của Việt Nam. So với cùng kỳ năm ngoái, số thông báo tăng 12%. Đứng đầu về số lượng thông báo là ASEAN, tiếp đến là Nhật Bản, EU, Canada, Mỹ…”, ông Ngô Xuân Nam thông tin thêm.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.