Đang bước vào thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phát sinh, gây bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nên công tác tiêm phòng đợt 2 được Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm.
Thậm chí, một số huyện đã đưa tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi vào “Quyết định giao chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội cho các xã, thị trấn” nhằm đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch năm.
Ông Phan Xuân Đức, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Sơn thông tin, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã họp triển khai, ban hành quyết định giao chỉ tiêu tỷ lệ tiêm phòng định kỳ cho 25 xã, thị trấn.
Huyện Hương Sơn yêu cầu tỷ lệ tiêm phòng tại các xã, thị trấn phải đạt từ 80% trở lên cho tất cả các đối tượng vật nuôi. Riêng những xã có tổng đàn trâu, bò lớn như Sơn Kim 1, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh, Sơn Châu, Sơn Trung, Sơn Trường, Sơn Giang, Sơn Phú… tỷ lệ tiêm phòng đàn gia súc phải đạt 86% trở lên.
“Việc giao chỉ tiêu này sẽ là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các xã, thị trấn vào cuối năm", ông Phân Xuân Đức nhấn mạnh.
Theo lộ trình, trung tuần tháng 9/2023, Hương Sơn sẽ tổ chức tập huấn kỹ thuật tiêm phòng cho hơn 50 cán bộ thú y cơ sở và người hành nghề thú y trên toàn huyện. Sau đó, các địa phương chủ động đăng ký, cung ứng vacxin, theo dõi, bổ cứu trong quá trình tiêm phòng, phấn đấu hoàn thành kế hoạch tiêm đợt 2 trước ngày 30/10.
Ông Đức cho biết thêm, để hoàn thành mục tiêu trên, Trung tâm sẽ điều động cán bộ thú y ở những xã tổng đàn ít đến hỗ trợ các xã tổng đàn lớn nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng. Riêng những địa phương tỷ lệ tiêm đạt thấp sẽ tham mưu UBND huyện thành lập đoàn đi kiểm tra để có giải pháp khắc phục, trường hợp cơ sở không chấp hành nhiệm vụ sẽ lập biên bản kiểm điểm, xử lý kỷ luật.
Đối với huyện Cẩm Xuyên, công tác tổ chức tiêm phòng đợt 2 gặp nhiều khó khăn hơn do tỷ lệ chăn nuôi nông hộ lớn. Trong tổng đàn 13.000 con trâu bò, 17.000 con lợn và 100.000 con gia cầm thuộc diện phải tiêm thì có tới 60% thuộc chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ.
“Hiện, giá bán trâu, bò, lợn đều thấp nên người dân không mặn mà tái đàn hay bỏ chi phí ra mua vacxin tiêm phòng. Hơn nữa, tổng đàn biến động liên tục trong khi người dân kê khai hoạt động chăn nuôi hạn chế nên quá trình rà soát, giao kế hoạch tiêm cũng khó sát với thực tế”, lãnh đạo Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên chia sẻ.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, thực hiện kế hoạch tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2023, 13 huyện, thị xã, thành phố đã và đang tiến hành rà soát lại tổng đàn hiện có trên địa bàn, chủ động đăng ký mua số lượng vacxin các loại theo nhu cầu.
Theo kế hoạch đề ra, đối với đàn trâu, bò, tiêm phòng vacxin lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng, đàn lợn, tiêm phòng vacxin dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn, gia cầm, tiêm phòng vacxin cúm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng. Hà Tĩnh phấn đấu tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2 xong trước ngày 30/10.
Ngành chuyên môn yên cầu các địa phương cần có kế hoạch thực hiện cụ thể, tích cực tuyên truyền để người dân trên địa bàn phối hợp với lực lượng thú y viên trong quá trình triển khai, đảm bảo tiêm phòng đạt tiến độ đề ra với tỷ lệ cao. Ngoài ra, người chăn nuôi cũng cần tự giác phối hợp trong công tác tiêm phòng dịch bệnh, chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ nhằm bảo vệ đàn vật nuôi.
“Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tăng cường tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thú y cấp xã, phường, thị trấn. Đồng thời, chủ động tham mưu, cung ứng đầy đủ, đảm bảo chất lượng các loại vacxin, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng cho các địa phương”, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cam kết.