Đồng bào thiểu số S’tiêng ở Bù Đốp thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp
Chúng tôi về xã Thiện Hưng giữa thời điểm lúa chín vàng, bà con đồng bào S’tiêng đang hối hả thu hoạch. Khác với những năm trước, bà con thu hoạch lúa bằng tay, với các dụng cụ thô sơ, trên đồng lúa chỉ có tiếng người í ới gọi nhau, năm nay còn có tiếng động cơ máy gặp đập liên hợp, máy kéo… Không khí như rộn ràng hơn, bà con phấn khởi hơn.
Cũng như những nông dân khác, trước đây anh Điểu Chót ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, mỗi khi đến mùa gặt phải vất vả phải chạy đôn chạy đáo tìm thuê nhân công cắt lúa với tiền công 200 ngàn đồng/ngày, sau đó phải thuê trâu bò kéo lúa về nhà, rồi đập, tuốt lúa…đủ thứ chuyện. Nhưng từ khi có máy cắt lúa, mọi chuyện đơn giản hơn nhiều. Máy thu hoạch nhanh hơn, xong chở thẳng lúa về nhà, rất tiện lợi.
Chỉ thửa ruộng vừa mới gặt xong, anh Điểu Chót phấn khởi cho biết: “Ngày trước thuê nhân công đến cắt, phải trả 200 ngàn đồng 1 người/ngày, cắt lâu lắm. Bây giờ thuê máy, cắt nhanh lắm. Chỉ hết 300 ngàn đồng/1 sào lúa thôi. Lại được chở thẳng về tận nhà. Cái máy này cắt lúa giỏi lắm...”.
Không chỉ tiện lợi đủ đường, việc cắt lúa bằng máy cũng tận thu được phụ phẩm rơm, giải quyết phần nào nạn thiếu thức ăn mùa khô cho trâu bò. Gia đình bà Điểu Nhanh có 5 sào ruộng và 4 con trâu, mọi năm do thu hoạch thủ công, lượng rơm rạ rất khó thu gom và vận chuyển, mùa khô vừa rồi không đủ thức ăn, gia đình bà phải bỏ ra hơn 2 triệu đồng để mua rơm rạ. Năm nay thu hoạch bằng máy, thu gom hết rơm, nên bà không tốn tiền mua thức ăn cho đàn trâu nữa.
“Cắt bằng tay phải đập, rồi phải phơi rơm, cực lắm. Còn máy cắt nó chỉ lấy lúa thôi, rơm nó rải từng lớp trên ruộng, tự phơi, 2 - 3 ngày ra gom về thôi, dễ lắm”, bà Điểu Nhanh nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đưa cơ giới hóa vào làm đất để gieo sạ và thu hoạch lúa đã được người dân xã Thiện Hưng thực hiện từ 3 năm nay. Tuy nhiên, ban đầu chỉ một diện tích nhỏ. Sau khi bà con thấy hiệu quả rõ rệt như chủ động hơn trong việc sản xuất kịp thời vụ, giảm khoảng 50% sức lao động so với trước đây… nên mới bắt đầu làm theo.
Đồng bào thiểu số S’tiêng ở Bù Đốp thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp
Ông Hồ Công Dục, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng cho biết: “Xã chúng tôi có 175,5ha lúa. Mấy năm nay, người dân đã áp dụng cơ giới hóa, KHKT vào sản xuất nên hiệu quả khá cao. Từ khâu làm đất, bà con đã đưa máy cày, máy xới vào làm nên nhàn hơn, giảm ngày công. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông xã cũng theo sát bà con để hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật.
Còn khâu thu hoạch thì như các anh thấy, bà con đang dần dần quen với máy móc. Hiện nay khoảng 80% diện tích lúa của xã đã được áp dụng cơ giới hóa, sắp tới sẽ là 100% diện tích. Cơ giới hóa giúp nông dân có nhiều lợi ích thiết thực, là một trong những yếu tố giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Năng suất lúa năm nay đạt khoảng 7 tấn/ha. Với giá lúa bán ra thị trường từ 6.000 - 6.500 đồng/kg, bà con có thể lãi từ 16 - 18 triệu đồng/ha”.
Có thể nói, với đặc thù huyện vùng cao biên giới, điều kiện địa hình và nhận thức còn hạn chế của người dân trong phương thức canh tác, sản xuất. Song với những hiệu quả thiết thực bước đầu mà cơ giới hóa mang lại là tiền đề để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất, giúp đồng bào S’tiêng từng bước chuyển từ phương thức canh tác truyền thống sang cơ giới hóa, nâng cao năng suất cây trồng, cải thiện cuộc sống. |