| Hotline: 0983.970.780

Đưa học sinh nghèo, mồ côi về nuôi dưỡng

Chủ Nhật 31/12/2023 , 16:16 (GMT+7)

Kon Tum Hàng chục em học sinh nhà xa, có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ… được trường giữ lại nuôi dưỡng và dạy học miễn phí từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.

Học sinh ở lại trường được giáo viên dạy kèm ngoài giờ. Ảnh: Đăng Lâm.

Học sinh ở lại trường được giáo viên dạy kèm ngoài giờ. Ảnh: Đăng Lâm.

Nghĩa cử nhân văn

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam từng phản ánh, 3 năm nay, để ngăn dòng học sinh nghỉ học, trường Tiểu học xã Đắk Hà (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) tổ chức nấu ăn trưa miễn phí cho hơn 60 học sinh điểm trường thôn Ty Tu (xã Đắk Hà) không thuộc diện bán trú. Kinh phí nấu ăn trưa miễn phí có nhiều nguồn, trong đó có việc giáo viên đóng góp thông qua tiền mặt hay bán heo do chính các cô giáo tự nuôi. Nghĩa cử nhân văn này được cộng đồng xã hội trân trọng.

Không chỉ dừng lại ở đó, kể từ năm học 2023- 2024, ngoài việc vẫn duy trì nấu ăn trưa miễn phí cho học sinh điểm trường thôn Ty Tu, trường còn đưa hàng chục học sinh thuộc diện gia đình nghèo khó, nhà xa trường, học sinh là con em mồ côi… về nuôi dưỡng. Thay vì sáng đi học, chiều về nhà như thông thường, thì các em sẽ được ở lại trường từ thứ hai đến thứ sáu; còn thứ bảy và chủ nhật về với gia đình. Tại trường, các em sẽ được giáo viên chăm sóc chu đáo từ việc nấu ăn đến tổ chức trò chơi, dạy kèm…

Có mặt tại khu nhà ở của trường vào buổi tối, chúng tôi thấy 20 em học sinh đang vui vẻ nô đùa trong phòng ngủ. Phòng ngủ rộng, thoáng với đầy đủ chăn màn ấm áp. Bàn học được bố trí một góc, nhiều sách vở được các em xếp gọn gàng, đồ chơi bày biện ngăn nắp…

Tại đây, các em chia từng tốp nhỏ với những trò thân thuộc. Tiếng cười rộn ràng vang động một góc trường. Khi giáo viên đến, các em tự động đưa sách vở ra học. Nội dung nào không rõ, các em tự hỏi nhau, khó quá thì quay sang nhờ “quyền trợ giúp” từ cô giáo.

Em Y Thuỳ Trâm (lớp 5A3) cho biết, hơn một tháng nay, thay vì tối ở với gia đình, em đã chuyển hẳn ra trường sinh sống. Tại trường, Trâm được thầy cô nấu ăn với nhiều món ngon như thịt gà, heo, rau tươi, cá. Ở đây, Trâm cùng các bạn được vui chơi thỏa thích, được thầy cô giáo hướng dẫn làm bài tập.

“Từ nhà em đến trường gần 5 cây số nên đi lại khó khăn. Bố mẹ hay ngủ ngoài rẫy nên ít thời gian chăm sóc em. Được thầy cô giáo vận động ra trường nuôi dưỡng, gia đình em đồng ý ngay. Từ lúc chuyển ra trường, em thấy được ăn ngon hơn ở nhà. Em rất thích cuộc sống khi được thầy cô nuôi dưỡng và dạy dỗ. Em sẽ tiếp tục ở lại trường để được ăn, được ngủ, được thầy cô dạy học miễn phí. Em tin thời gian được trường nuôi dưỡng, sẽ giúp em học tập tốt hơn”, Trâm nói.

Tương tự, em Y Uyên Trinh (học sinh 5A3) kể, bản thân em dọn ra trường ở được một tháng nay. Gia đình còn khó khăn nên khi ở nhà, em hay ăn cá mắm, còn khi ra trường, thầy cô nấu toàn món ăn dinh dưỡng. Bên cạnh đó, Trinh còn được gặp bạn bè, cùng nhau vui chơi, học tập, rèn luyện thể thao. Những điều đó khiến Trinh cảm thấy thời gian ở lại trường ấm áp như một đại gia đình.

Mô hình cần nhân rộng

Bà Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Đắk Hà cho biết, học sinh trên địa bàn hầu hết là người đồng bào Xơ Đăng. Thông thường, sáng các em đi học, chiều về nhà. Nhà các em lại khó khăn, bố mẹ chưa có điều kiện chăm sóc. Mỗi lần thấy các em đi học mà lấm lem bùn, mưa ướt khiến thầy cô trăn trở, xót xa.

Bữa cơm đủ chất của các học sinh được ở lại trường. Ảnh: Đăng Lâm.

Bữa cơm đủ chất của các học sinh được ở lại trường. Ảnh: Đăng Lâm.

Từ đó, trường nghĩ cần phải đưa các em về trường nuôi dưỡng, chăm sóc như cha mẹ. Việc đưa các em về trường nuôi dưỡng nhằm mục đích giúp các em có thêm điều kiện ăn uống, sinh hoạt, được chăm lo đầy đủ. Kinh phí nuôi dưỡng này có sự đóng góp của giáo viên nhà trường.

“Đưa các em về trường nuôi dưỡng sẽ thêm phần vất vả cho giáo viên, nhưng thầy cô đều nhất trí cao. Để triển khai, giáo viên đã chọn những hộ gia đình khó khăn để vận động phụ huynh cho các em ở lại trường. Bằng sự tận tâm và kiên trì, từ đầu năm học đến nay, đã có hàng chục em dọn ra trường ở. Cao điểm có 27 em, đều thuộc diện nhà xa trường, khó khăn hoặc mồ côi cha mẹ. Hiện trường đang tiếp tục vận động các em ra trường ở lại để giáo viên nuôi dưỡng”, bà Vân nói.

Ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, nhiều năm qua, huyện khuyến khích các trường triển khai nhiều chương trình chăm lo các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Trường Tiểu học xã Đắk Hà là một trong các trường có nhiều hoạt động tham gia tích cực như nấu ăn miễn phí, mới nhất là vận động các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở lại trường để có điều kiện nuôi dưỡng, dạy dỗ các em tốt hơn. Nhờ tổ chức nuôi dưỡng học sinh, các em có thêm điều kiện sinh hoạt, học tập.

“Huyện biểu dương nhà trường khi đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực này. Mô hình này rất cần được triển khai, nhân rộng trên địa bàn toàn huyện, nhất là đối với những địa phương vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống còn nhiều khó khăn”, ông Quang nêu quan điểm.

“Huyện biểu dương tập thể cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Đăk Hà khi đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, giúp con em người đồng bào dân tộc thiểu số ở xa trường, có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc tử tế, cả về vật chất lẫn tinh thần”, ộng Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông chia sẻ.

Xem thêm
Thủ tướng thăm Lào, chủ trì kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, thể hiện mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh Tuyên Quang tăng 4%

Năm 2024, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản của tỉnh Tuyên Quang ước đạt trên 11.252 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!