| Hotline: 0983.970.780

Đưa lát hoa thành gỗ lớn, khó nhưng có triển vọng

Chủ Nhật 27/08/2023 , 13:29 (GMT+7)

Lát hoa được xếp vào gỗ nhóm 1, có giá trị kinh tế cao. Lát hoa có nhiều ưu điểm vượt trội để trồng rừng gỗ lớn và phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Quá trình khảo nghiệm cây lát hoa tại Nghệ An đạt nhiều kết quả khả quan. Ảnh: Việt Khánh. 

Quá trình khảo nghiệm cây lát hoa tại Nghệ An đạt nhiều kết quả khả quan. Ảnh: Việt Khánh. 

Lát hoa là cây gỗ lớn, thân tròn, thẳng. Gỗ lát hoa được xếp vào nhóm 1, có giá trị kinh tế cao với khoảng 50 triệu đồng/m3. Vân gỗ lát hoa rất đẹp, thớ mịn, đặc biệt ít co giãn cong vênh, ít bị mối mọt, được ưa chuộng để làm đồ mộc cao cấp.

Nhằm phục vụ cho Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, trước đó Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/11/2014 xác định lát hoa là loài cây chủ lực cho trồng rừng ở bốn vùng sinh thái Tây Bắc, trung tâm, Đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung bBộ. Kết quả kiểm kê rừng của Tổng cục Lâm nghiệp giai đoạn 2012 - 2014 ghi nhận khoảng 35.000ha rừng lát hoa, gồm 20.388ha rừng sản xuất và 14.661ha rừng phòng hộ.

Trở ngại lớn nhất để phát triển rừng trồng lát hoa là sâu đục ngọn, loại này thường gây hại rừng trồng ở giai đoạn 1 - 3 năm tuổi. Sâu đục ngọn gây chết đỉnh sinh trưởng, chúng thường đục những đường hang trong ngọn non trú ẩn, điều này làm cho cây hình thành nhiều cành nhánh, phân cành sớm và hạn chế phát triển chiều cao, từ đó làm giảm giá trị kinh tế của gỗ.

Các nghiên cứu trước đây thường tập trung vào mô tả đặc điểm hình thái, phân bố, khảo nghiệm xuất xứ, kỹ thuật gây trồng… nhưng chưa có hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu đục ngọn, chưa có giống chống chịu và chưa có hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh cung cấp gỗ lớn.

Từ nhu cầu trên, từ 2018 - 2022, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT) đã triển khai đề tài “Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng lát hoa (Chukrasia tabularis A. Juss) có năng suất cao, chống chịu sâu đục ngọn phục vụ trồng rừng gỗ lớn tại vùng Tây Bắc và Bắc Trung bộ”.

Viên Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống triển khai Đề án trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Quốc Toản. 

Viên Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống triển khai Đề án trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Quốc Toản. 

Mục tiêu tổng quan là chọn được bộ giống triển vọng, cho năng suất cao, có chống chịu sâu đục ngọn. Đồng thời bổ sung, hoàn thiện quy trình hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh, kỹ thuật phòng trừ tổng hợp sâu đục ngọn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng lát hoa để tiến tới cung cấp gỗ lớn cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chi tiết hơn, sẽ tập trung xây dựng 14ha rừng trồng thâm canh lát hoa có sinh trưởng vượt 15% so với giống sản xuất đại trà, đạt năng suất >12m3/ha/năm ở giai đoạn 7 năm tuổi, giảm ít nhất 80% tỷ lệ bị sâu đục ngọn so với rừng sản xuất cùng tuổi…

Đề tài nghiên cứu đã mang lại nhiều kết quả hữu ích, bên cạnh sâu đục ngọn còn ghi nhận, bổ sung ba loài gây hại khác là xén tóc, sâu ăn lá và bệnh chết héo do nấm.

Lát hoa thời điểm 1 - 2 tuổi bị sâu đục ngọn nặng hơn các giai đoạn tuổi lớn. Rừng trồng lát hoa thuần loài thường bị sâu đục ngọn gây hại nặng hơn các phương thức trồng rừng hỗn giao với cây bản địa, trồng xen cây nông nghiệp hoặc trồng phân tán. Nếu trồng trên đất tốt, ẩm độ phù hợp, tầng dày lát hoa sẽ sinh trưởng vượt trội, hình thái thân cây tốt và ít bị sâu bệnh.

Lát hoa thuộc gỗ nhóm 1, cho giá trị kinh tế rất cao. Ảnh: Việt Khánh.

Lát hoa thuộc gỗ nhóm 1, cho giá trị kinh tế rất cao. Ảnh: Việt Khánh.

Quá trình nghiên cứu, đề tài đã chọn được 116 cây trội lát hoa và đã xây dựng được 6ha khảo nghiệm giống tại 2 tỉnh Hòa Bình (3ha) và Nghệ An (3ha). Đề tài đã đề xuất 3 cơ chế kháng sâu đục ngọn hữu hiệu gồm: Cơ chế không ưa thích (cây có chiều dài ngọn non ngắn, nhiều lông tơ trên ngọn non và vỏ dày làm cho sâu non không muốn tấn công); cơ chế kháng sinh (trong lá non, ngọn non có các loài vi khuẩn nội sinh, hoặc có các hợp chất hóa học Chuktabularins, Chukvelutilides, Tabulalides và Tabulalin với nồng độ cao làm cho sâu không thích ăn); cơ chế chống chịu (cây có khả năng hồi phục tốt sau khi bị sâu đục ngọn).

Nếu áp dụng công thức bón phân theo nhu cầu của cây, thấy rằng quá trình sinh trưởng sẽ vượt trội so với với các công thức khác. Tại nghệ An, chiều cao và đường kính của lát hoa áp dụng cách này tăng đến 42,3% so với giống đối chứng, chưa kể tỷ lệ sâu gây hại giảm thiểu rõ rệt.

Cây trồng thuần loài bị sâu đục ngọn gây hại nặng, tỷ lệ chiếm trên 50%. Tuy nhiên khi trồng xen ngô và đinh thối lại cho kết quả khá mỹ mãn, hạn chế được tỷ lệ cây bị sâu đục ngọn từ 30,6 - 32,2%.

Từ những kết quả nêu trên, Đề tài đã xây dựng hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh lát hoa cung cấp gỗ lớn đã được Hội đồng khoa học Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thông qua.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.