| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng ngành hàng lúa gạo mới

Xây dựng trang trại kỹ thuật số, đưa nông nghiệp lên đường cao tốc

Chủ Nhật 03/09/2023 , 08:29 (GMT+7)

Với các giải pháp công nghệ, Đại Thành mong muốn giúp người nông dân tự tin bước sang kỷ nguyên số, đúng với phương châm ‘Nông nghiệp thông minh - Đột phá tạo thành công’.

Cán bộ kỹ thuật Công ty Đại Thành hướng dẫn người dân sử dụng thiết bị dẫn đường.

Cán bộ kỹ thuật Công ty Đại Thành hướng dẫn người dân sử dụng thiết bị dẫn đường.

Nhân chuyện bàn về sản xuất lúa gạo theo hướng nông nghiệp xanh, giảm phát thải và tăng cường cơ giới hóa, hiện đại hóa đồng ruộng, ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thành đã chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam những vấn đề liên quan tới nội dung này.

Chân thật từ những chuyện nhỏ nhặt

Với ngành nông nghiệp, có thể coi tôi là tay ngang. Tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế, cơ duyên đưa tôi đến làm quản lý cho một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ thời gian lăn lộn, tôi mới nhận ra một điều là bà con mình cơ cực quá và tự đặt ra mục tiêu “tăng tốc” cho nông nghiệp. Năm 2004, Công ty Cổ phần Đại Thành được thành lập, đó giống như viên gạch đầu tiên cho hành trình này.

Dựa trên mục tiêu chung là hướng tới sản xuất xanh, cơ giới hóa đồng ruộng, chúng tôi tập trung vào 2 lĩnh vực chính, là hạt giống lúa lai và công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp. Bắt đầu từ các loại hạt giống lúa lai chất lượng cao, như lúa lai F1 GS9, lúa lai F1 GS55 & lúa lai F1 GS999, đem lại lợi ích to lớn cho bà con nông dân trên toàn quốc. Đặc biệt, những vùng đất khó khăn ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, ưu thế lai đã được thể hiện phù hợp với đặc thù vùng miền như ngắn ngày, đẻ nhánh khỏe, chống chịu rét, chịu hạn, sâu bệnh tốt và cho năng suất vượt trội so với các giống lúa thông thường.

Song hành cùng đó, là các giải pháp công nghệ tiên tiến, nhằm cải thiện hiệu suất và năng suất cũng như nâng cao chất lượng nông sản trong sản xuất nông nghiệp. Với phương châm "Đổi mới và bền vững", công ty sử dụng các thiết bị thông minh, hiện đại như máy bay nông nghiệp (drone), thiết bị định vị dẫn đường, máy nông nghiệp mặt đất.

Đặc biệt, chúng tôi tập trung nguồn lực nghiên cứu giải pháp CORS (Continuously Operating Reference Station). Đây là một hệ thống đo đạc toàn cầu dựa trên GPS (Global Positioning System) để cung cấp thông tin về vị trí địa lý và độ cao chính xác cho các ứng dụng địa lý.

CORS thường được sử dụng trong lĩnh vực đo đạc, địa chất, địa lý, xây dựng. Trong nông nghiệp, CORS cung cấp các điểm tham chiếu chính xác trên một khu vực rộng. Nhờ đó, người dùng có thể sử dụng các thiết bị đo đạc và định vị để thực hiện các công việc như đo diện tích ruộng, định vị ranh giới, xác định độ cao, đo lượng mưa, đo nhiệt độ, và các thông số khác liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

Thiết bị dẫn đường NX510 kết hợp máy cấy mạ giúp giảm thiểu sức lao động cho người dân.

Thiết bị dẫn đường NX510 kết hợp máy cấy mạ giúp giảm thiểu sức lao động cho người dân.

Khác với một số đối tượng khác, người nông dân nước mình có truyền thống sản xuất dựa trên kinh nghiệm, nhìn trời, nhìn đất, nhìn mây. Điều đó ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm. Để thuyết phục người dân sử dụng một sản phẩm mới là điều không dễ. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Sản phẩm này có thực sự tốt không? Những hộ xung quanh đã thử nghiệm chưa? Cách làm này phù hợp như thế nào với quy mô và trình độ sản xuất hiện có?

Hỏi nghĩa là tự trả lời. Bằng kinh nghiệm và hiểu biết thực tế tại từng địa phương, Công ty Đại Thành đa dạng hóa các kênh thông tin tiếp cận người dân, có thể qua tổ khuyến nông cộng đồng, qua HTX dịch vụ nông nghiệp, hoặc từ hệ thống các đại lý có sẵn. Tất nhiên nói là một chuyện, khi bắt tay vào làm sẽ vấp phải nhiều bất ngờ nữa. Tựu trung là bà con mình chưa dám mạo hiểm thay thế các phương thức sản xuất đang triển khai. Trong dân kinh doanh, người ta gọi là ngần ngại tiêu tốn cho chi phí cơ hội.

Hiểu được như vậy nên thời gian đầu triển khai chuyển đổi số hồi năm 2016, Công ty Đại Thành ưu tiên mục tiêu thu hút sự quan tâm của người dân. Một cái mừng, là tuy bà con e dè trước cái mới, tính cộng đồng, độ lan truyền lại rất cao. Có thể Đại Thành nói chưa tin, nhưng hàng xóm, người nhà hoặc bạn bè giới thiệu thì sẽ nghe. Do đó, chúng tôi chủ trương mở rộng thị trường theo kiểu chậm mà chắc, đi đến đâu là thuyết phục được bà con tới đó. Một đồn mười, mười đồn trăm, kiểu gì mọi người cũng sẽ quan tâm miễn là sản phẩm của mình thực sự tốt cho bà con.

Nhớ nhất những ngày đầu trình diễn drone. Vì là đơn vị đầu tiên đưa drone vào như một giải pháp đột phá trong canh tác nông nghiệp, giúp tối ưu việc chăm sóc, quản lý cây trồng, Công ty Đại Thành phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để mời bà con ra ruộng, tận mắt nhìn drone phun phân bón tự động, gieo hạt giống chính xác, phun thuốc BVTV đúng liều lượng. Thông qua việc cài đặt các thông số và chỉ thị trước, drone giúp giảm đáng kể sự tiêu tốn nguồn lực như nước, thuốc BVTV và nhân công.

Cần gì mới cứ tới Đại Thành

Giờ thì Công ty Đại Thành đã hình thành cả một hệ sinh thái máy nông nghiệp. Chúng tôi đang lên kế hoạch nhân rộng mô hình trang trại kỹ thuật số ra cả nước. Hiện công ty thử nghiệm tương đối thành công tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Sóc Trăng.

Chưa dừng lại ở đó, chúng tôi còn ấp ủ dự định triển khai các trạm giám sát nông nghiệp. Nôm na, là các trạm này sẽ kết nối với nhau về dữ liệu, băng tần tại các khu vực có nhu cầu. Sau đó, toàn bộ các thiết bị của Đại Thành sẽ sử dụng chung nguồn này và nâng công suất hoạt động lên một cách tối đa. Lấy ví dụ, drone thông thường có tốc độ bay khi phun khoảng 25-30 km/h, và cần từ 8-10 phút để hoàn thành công việc phun trên diện tích 1ha. Nhưng nếu có các trạm giám sát, địa hình phù hợp, tốc độ bay có thể gấp đôi. Bà con mất chưa tới 5 phút là xong thửa ruộng.

Ông Nguyễn Đức Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thành.

Ông Nguyễn Đức Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thành.

Các thiết bị định vị dẫn đường máy nông nghiệp mặt đất cũng hưởng lợi không nhỏ từ các trạm này. Công ty Đại Thành đã triển khai thiết bị dẫn đường chuyên dụng NX510. Nhờ công nghệ GPS và cảm biến, các thiết bị này giúp xác định vị trí chính xác của máy móc, điều chỉnh độ sâu và lộ trình, đảm bảo việc phun thuốc, cấy giống và làm đất được thực hiện một cách hiệu quả và nhất quán. Nếu có thêm dữ liệu, thiết bị này có khả năng hướng dẫn điều hướng chính xác hơn nữa cho máy nông nghiệp, đặc biệt là tại các địa hình phức tạp, đất dốc. Nó cũng giúp bà con có thể quản lý và theo dõi từ xa các thiết bị nông nghiệp, thông qua kết nối Internet hoặc công nghệ không dây.

Trong thời đại công nghiệp 4.0 này, có lẽ tăng tốc là chưa đủ. Hệ thống máy móc của Đại Thành nói riêng và cả nước nói chung phải sẵn sàng để đưa ngành nông nghiệp lên đường cao tốc. Ở đó, bà con có thể ngồi ở nhà mà vẫn theo dõi được mọi tình hình sinh trưởng của cây cối, nhiệt độ, độ ẩm, dịch hại… tại cánh đồng của mình. Mọi thứ được vận hành hoàn toàn tự động và được điều khiển thông minh bằng ứng dụng điện thoại.

Hy vọng đến một ngày, người nông dân Việt Nam có thể vừa tham gia hội thảo vừa điều khiển drone trong canh tác lúa giảm phát thải, giúp các hoạt động gieo giống, rải phân bón, phun thuốc BVTV được thực hiện chính xác đến từng phút. Cũng mong lắm tới một ngày, người trồng cây ăn quả hết băn khoăn về quản lý lưu lượng phun sao cho thuốc được thấm đều dưới mặt lá. Hay người trồng sầu riêng chỉ cần nhấn nút, máy tự động sẽ cắt quả rơi gọn lỏn xuống lưới.

Mô hình trình diễn drone phun thuốc BVTV và phân bón của Công ty Đại Thành.

Mô hình trình diễn drone phun thuốc BVTV và phân bón của Công ty Đại Thành.

Tăng giá trị kinh tế nông nghiệp cho bà con nông dân là một chặng đường dài, đòi hỏi cả yếu tố kỹ thuật và phi kỹ thuật. Những quy định, yêu cầu mới từ các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU… đặt ra các thách thức, nhưng cũng đồng thời mở ra thời cơ thay đổi tư duy, nhận thức cho người dân. Giờ chúng ta phải nâng mục tiêu từ “ăn ngon, mặc đẹp” lên “ăn xanh, mặc sạch”, nghĩa là làm gì cũng không gây tổn hại tới môi trường, giữ gìn thế giới cho thế hệ mai sau. Muốn vậy, bắt buộc mọi người phải ứng dụng công nghệ nhiều hơn, trăn trở nhiều hơn trước bất cứ lựa chọn nào.

Và tôi còn một tham vọng nữa khi Đại Thành bước qua tuổi 20. Đó là bà con nông dân cứ có sáng kiến nào hay, vấn đề gì mới thì hãy tìm tới chúng tôi, một địa chỉ hàng đầu về sản xuất xanh trong nông nghiệp.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.