Năm 2010 Sở đưa dự án khoa học trồng thử nghiệm giống lê Tai Nung di thực từ Hà Giang về Mù Cang Chải trồng ở hai xã: Púng Luông và Dế Xu Phình có độ cao từ 1.000m trở lên, với diện tích 1,5 ha.
Phó Bí thư xã Púng Luông, anh Phạm Đức Thịnh và cán bộ phụ trách nông nghiệp Mùa A Chông dẫn tôi lên nhà ông Mùa A Tòng nhận trồng thử nghiệm giống lê đó.
Chủ nhà cho biết sau khi trồng được 3 năm thì cây ra quả bói, đến năm thứ tư thì cây ra quả rất sai, tính ra đến nay đã 6 năm không năm nào mất mùa.
Mới đầu gia đình ăn và cho hàng xóm, ai thích thì đến hái. Năm sau gia đình trẩy những quả to bằng nắm tay vỏ đẹp mang ra Ngã Ba Kim bán thử. Mang ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, có người đến về tận nhà lên nương hái rồi cho vào thùng xốp chở đi, giá bán từ 35.000- 40.000 đ/kg.
Điều kỳ lạ, năm nào trời rét đậm và có mưa tuyết thì năm đó lê càng sai quả. Do thấy trồng lê Tai Nung có lợi, giá mỗi cân lê cao hơn bán ngô, lúa nên ông Mùa A Tòng đã tự chiết nhân rộng ra, nhiều hộ xung quanh cũng xin giống về trồng.
Theo ông Phạm Tiến Lâm- Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT: Tổng diện tích lê Tai Nung của hai xã Púng Luông và Dế Xu Phình đến nay có khoảng 5 ha. Với diện tích đó thì chưa thể thành vùng hàng hóa, nhất là các tiến bộ khoa học áp dụng để cây ra quả to và trái đẹp thì bà con chưa làm được, rất cần các cơ quan chuyên môn giúp đỡ…
Quan sát vườn lê nhà ông Tòng, kết quả dự án khoa học đã được khẳng định, nhiều cây lê đường kính gốc từ 15-18cm, cành lá sum xuê, quả sai trĩu cành đủ thấy sức sống của cây lê trên vùng cao Mù Cang Chải như thế nào.
Từ kết quả của dự án lê Tai Nung, năm 2014 Sở KH-CN tiếp tục triển khai dự án trồng hồng Fuyu tại hai xã Púng Luông và Nậm Khắt, có độ cao trung bình 1.000- 1.400m.
Nguồn gốc giống hồng nhập từ Nhật Bản, do PGS.TS Đỗ Năng Vịnh và cộng sự nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm tại huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La, sau đó đặt tên là MC1.
Diện tích trồng 1,3 ha tại gia đình ông Thào A Của, bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt trồng 0,3 ha, gia đình bà Lù Thị Hú, bản Nả Háng A, xã Púng Luông diện tích tham gia mô hình thử nghiệm 1 ha.
Sau 3 năm trồng, kết quả cây sống 95%, tất cả số cây đều ra quả. Quả to đều, trọng lượng trung bình mỗi quả từ 230- 275gram/quả, đường kính từ 10-12,5 cm, khi chín có màu vàng đỏ, ruột vàng da cam, ăn giòn, ngọt, không chát. Thời gian thu hoạch vào giữa tháng 9 hàng năm, đúng vào mùa lúa chín phục vụ khách du lịch.
Ông Thào A Của cho biết: Mỗi vụ gia đình mình thu khoảng vài tạ, không đủ bán đâu, người ta vào tận vườn mua, giá ba mươi, bốn mươi ngàn một cân đấy...
Dự án đưa cây mận Úc được triển khai trên hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải từ năm 2016- 2019. Nguồn gốc giống mận Úc do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc sản xuất từ giống nhập nội đã được trồng, lưu giữ, nghiên cứu, đánh giá tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây ôn đới - Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc.
Tổng diện tích đã trồng là 2,1 ha, trong đó huyện Mù Cang Chải là 1,1 ha, Trạm Tấu là 1 ha, có 12 hộ tham gia. Cây phát triển tốt đã bắt đầu ra quả, triển vọng giống mận Úc rất có khả quan.
Năm 2019 huyện Mù Cang Chải triển khai dự án khoa học trồng cây đào Pháp tại hai xã Púng Luông và Lao Chải. Đây là 2 xã đại diện cho 2 tiểu vùng khí hậu khác nhau của huyện Mù Cang Chải. Giống đào Pháp được di thực từ huyện Sa Pa và Bắc Hà tỉnh Lào Cai có độ cao tương ứng với các xã trên. Hiện cây phát triển tốt, có khả năng thích ứng cao.
Ông Vũ Xuân Hợi - GĐ Sở KH-CN Yên Bái: Từ thực tế cây lê Tai Nung, hồng giòn Fuyu đã khẳng định những giống cây ăn quả ôn đới thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai ở các huyện vùng cao Yên Bái. Khoa học đã mở đường đi trước, còn việc mở rộng diện tích để trở thành vùng hàng hóa là nhiệm vụ của chính quyền địa phương.
Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa các giống cây ăn quả ôn đới trồng thử nghiệm trên vùng cao, tạo ra sự đa dạng các giống cây ăn quả giúp bà con nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế của địa phương…