Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Cây dừa Việt Nam, giá trị và tiềm năng” vừa diễn ra tại TP.HCM do UBND tỉnh Bến Tre, Hiệp hội Dừa VN và ĐH KHXH&NV TP.HCM phối hợp tổ chức đã góp phần nâng cao vị thế cây dừa...
VN hiện có khoảng 138.000 ha dừa, trong đó Bến Tre có diện tích dừa nhiều nhất với 68.000 ha, chiếm 40% diện tích trồng dừa cả nước. Cây dừa đã tác động và gắn bó với đời sống của người dân Bến Tre trong suốt quá trình xây dựng và phát triển quê hương Đồng Khởi.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Thời gian qua tỉnh đặc biệt quan tâm hỗ trợ người trồng dừa, khuyến khích người dân đầu tư phát triển và bảo vệ diện tích vườn dừa. Bến Tre là địa phương đầu tiên trong cả nước có quy hoạch phát triển dừa và thực hiện chương trình phát triển ngành dừa...
Trong quy hoạch phát triển công nghiệp, Bến Tre xác định dừa là một trong hai ngành giữ vai trò đột phá, là mũi nhọn kinh tế của tỉnh”.
Dừa là cây thích nghi lớn với biến đổi khí hậu (BĐKH), ngay cả những vùng bị xâm nhập mặn với nhiều loại cây ăn trái thị bị ảnh hưởng có thể bị thất thu, nhưng cây dừa vẫn phát triển tốt. Bến Tre có 3 vùng sinh thái nước ngọt, lợ và mặn do đó đã hình thành nên các hệ thực vật tương ứng.
Ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre phát triển khá ổn định với các sản phẩm đa dạng như dừa trái, cơm dừa sấy khô, bột sữa dừa, sữa dừa đóng lon, than gáo dừa, than hoạt tính, thạch dừa, chỉ xơ dừa, keo dừa, lưới xơ dừa… |
Trong đó vùng sinh thái nước lợ rất phù hợp cho cây dừa. Ngoài các giống dừa lấy dầu chất lượng tốt, năng suất cao, hàm lượng dầu cao, còn có các giống dừa uống nước rất đa dạng, chất lượng cao, nước ngọt.
Đặc biệt, dừa là cây trồng có khả năng chịu được ẩm độ và mặn; đồng thời là một trong những cây trồng giải quyết việc làm ở nông thôn gắn với các làng nghề thủ công mỹ nghệ.
Theo các nhà khoa học, dừa là cây trồng kinh tế đồng thời là biểu tượng văn hóa tâm linh gắn bó lâu đời tại hơn 20 quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Giá trị của cây dừa không chỉ là văn hóa, lịch sử mà còn có tác dụng rất lớn trong điều kiện BĐKH hiện nay, vì dừa là loại cây thích ứng ngập mặn nên được chọn để thay thế các loại cây trồng khác.
Nhìn nhận về giá trị của cây dừa, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa VN cho rằng: "Với hơn 20 triệu cây dừa được trồng ở quanh nhà, dọc đường đi, trên những kênh mương và các con đê nếu được đầu tư đúng mức thì cây dừa không chỉ nằm ở những sản phẩm cụ thể, mà còn cả giá trị của nó rất lớn trong bối cảnh BĐKH khốc liệt hiện nay.
Các địa phương dọc sông Tiền chưa có hệ thống thủy lợi khép kín, mùa khô nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, chỉ có cây dừa mới chống chịu mặn hiệu quả. Cây dừa có bộ rễ chùm, mềm dẻo như lớp lưới bám chặt vào lòng đất để giữ đất chống sạt lở...".
Theo thống kê, nước ta có khoảng 150.000 ha dừa, đứng thứ tư sau cao su, điều, cà phê. Tháng 5/2011, cây dừa được công nhận trong danh mục giống cây trồng quốc gia. Dừa đã trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cộng đồng trong lĩnh vực trồng, chế biến và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, thu nhiều ngoại tệ.