| Hotline: 0983.970.780

Ai đang “chia chác” hồ Đại Lải?:

Đua tranh lấn chiếm 'hòn ngọc giữa thiên nhiên'

Thứ Hai 24/09/2018 , 08:41 (GMT+7)

Trên địa giới hành chính, hồ Đại Lải hiện thuộc quản lý của xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), tuy nhiên, từ nhiều năm nay, ngay cả những cơ quan quản lý cũng không thể nắm rõ diện tích chính xác của hồ còn lại bao nhiêu?

Từ năm 1959, hàng triệu ngày công của lực lượng chủ yếu là thanh niên xung phong đã biến hồ Đại Lải trở thành hồ nhân tạo lớn hàng đầu miền Bắc để phục vụ mục đích sản xuất. Hồ Đại Lải trở thành công trình biểu tượng lao động của con người. Tuy nhiên, kể từ khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc qui hoạch thêm mục đích du lịch, dịch vụ, hàng loạt dự án đổ bộ, xâm lấn đang biến “hòn ngọc giữa thiên nhiên” trở thành “chiếc bánh” vô cùng hấp dẫn... Những chủ đầu tư các dự án đã và đang tìm đủ mọi cách “xẻ thịt” lòng hồ nhằm trục lợi.

15-48-12_dl1
Hàng loạt công trình đang được xây dựng trong khu vực lòng hồ Đại Lải

Trên địa giới hành chính, hồ Đại Lải hiện thuộc quản lý của xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), tuy nhiên, từ nhiều năm nay, ngay cả những cơ quan quản lý cũng không thể nắm rõ diện tích chính xác của hồ còn lại bao nhiêu. Nguyên nhân bởi có quá nhiều dự án xây dựng ở khu vực xung quanh và hàng loạt hành vi xâm lấn…
 

Đến đơn vị quản lý cũng không biết diện tích hồ còn lại

Trong một quán hàng tạp hóa chông chênh sát mép nước hồ Đại Lải ở xã Ngọc Thanh, người đàn ông tên Chính ngồi bần thần lo lắng nhìn mực nước hồ đang dâng lên đe dọa hàng quán, “niêu cơm” của cả gia đình sống bám vào khu du lịch Đại Lải.

Ông nói với tôi, bố mẹ ông sinh ông trên một chiếc thuyền nan giữa lòng hồ. Đến nay đã gần 60 năm, chứng kiến bao thăng trầm, sự cố của hồ Đại Lải, nhưng chưa bao giờ cảm thấy buồn như bây giờ, khi hồ bị biến dạng, bị chia chác, bị thu hẹp diện tích bởi các dự án...

Cách quán ông Chính tầm 1km đường chim bay, trên một hòn đảo nhỏ giữa lòng hồ, mỗi ngày, ông Trịnh Duy Long đều thuê ca nô máy chạy ra canh giữ hòn đảo từ thời bố ông khai hoang đang bị những ông chủ doanh nghiệp tấn công quyết liệt để chiếm đoạt.

Cả ông Chính và ông Long cùng rất nhiều hộ dân khác đều nắm rõ lịch sử hồ Đại Lải đến từng con suối, bụi cây và có đủ tài liệu để chứng minh diện tích hồ Đại Lải đang bị những nhà đầu tư thâu tóm, chia chác. Họ nói rằng, đã từ lâu, những cánh rừng, những thửa đất ở quanh hồ vốn dĩ gắn bó tự bao đời nhưng dần dần bị mất quyền làm chủ một cách không minh bạch.

Những người già sống quanh hồ Đại Lải kể rằng, nguyên trước kia vùng hồ này chỉ là một thung lũng cằn cỗi nằm trên một phần của dãy núi Mỏ Quạ, giữa một bên là dải núi Thằn Lằn và một bên là các đồi trọc trải dần ra từ phía chân dãy Tam Đảo. Mỗi khi mùa mưa lũ đến, nước ở các con suối chảy dồn về như thác, nhưng lại cũng rút đi rất nhanh đã cuốn trôi theo bao phù sa màu mỡ, khiến cho đồng ruộng bị xói mòn, đất đai bạc màu vì khô cằn…

Để khắc phục những bất lợi từ thiên nhiên, ngay từ năm 1959 Bộ Thủy lợi đã tiến hành khảo sát, thiết kế xây dựng hồ Đại Lải với nhiệm vụ chủ yếu là chứa nước, tưới tiêu cho đại bộ phận ruộng đồng của huyện Kim Anh (cũ) và Sóc Sơn (Hà Nội) cùng một phần diện tích đất nông nghiệp huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc)…

Đó là một cuộc trường chinh lấy sức người đè sức thiên nhiên. Sau gần bốn năm nỗ lực, chỉ bằng sức lao động chân tay, người ta đã đắp chặn 3 dòng suối từ Tam Đảo và Thái Nguyên chảy về, đồng thời đắp đập quanh thung lũng để tạo thành hồ chứa nước. Công trình đã cơ bản hoàn thành vào năm 1963 với hơn 2,2 triệu ngày công, chủ yếu của thanh niên xung phong được huy động, 121.900m³ đất được đào đắp đã tạo nên lòng hồ rộng lớn.

Diện tích hồ Đại Lải được xác định phần mặt nước rộng 525ha, chứa 26,4 triệu m³ nước mang lại lợi ích thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nông lâm nghiệp và phục vụ tưới tiêu cho khoảng 2.900 - 3.500 ha đất canh tác.

15-48-12_dl3
Hàng loạt công trình đang được xây dựng trong khu vực lòng hồ Đại Lải

“Sau khi khánh thành, hồ Đại Lải trở thành nguồn nước tưới và cắt lũ cho rất nhiều diện tích thuộc Vĩnh Phúc và Hà Nội. Suốt một thời gian rất dài, mực nước hồ luôn ở mức ổn định, gần như không hề có sự xâm hại nào. Nhưng kể từ khi các dự án du lịch nghỉ dưỡng được xây dựng thì hàng loạt vấn đề nẩy sinh. Có diện tích hồ bị lấp, có sự tranh chấp, có người tù tội...”, những người già sống quanh hồ kể giọng trầm buồn.

Năm 2005, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quy hoạch chung Khu du lịch Đại Lải, giai đoạn 2005-2020, với diện tích 2.088 ha với mục tiêu xây dựng Đại Lải thành khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, văn hóa mang tầm cỡ quốc tế.

Trên cơ sở quy hoạch chung này, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng, sân gofl... liên tiếp mọc lên biến vùng đất vốn hẻo lánh trở thành những khu tổ hợp đắt đỏ và hiện đại. Giá đất quanh hồ Đại Lải tăng chóng mặt. Từ các tổ chức đến người dân đổ xô sở hữu. Những cuộc tranh chấp đất đai, những chiêu trò, thậm chí cả hành vi phạm tội khiến không ít người vướng vòng lao lý. Cho đến tận bây giờ “cuộc chiến” vẫn còn tiếp diễn...
 

Ngang nhiên và thách thức

Theo tìm hiểu của NNVN, 4 dự án lớn đang bao quanh khu vực hồ Đại Lải gồm Dự án khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải Resort; Dự án sân golf Đại Lải; Dự án khu biệt thự, ẩm thực cao cấp đảo Ngọc; Dự án nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Paradise Đại Lải...

Rất nhiều người dân bản địa thông tin đến NNVN, chính những dự án này đang làm biến dạng hồ Đại Lải. Và thực tế, tài liệu NNVN có được cũng chứng minh, so với diện tích được cấp ban đầu, các chủ đầu tư dự án liên tục có những điều chỉnh theo hướng tăng thêm, đặc biệt là những khu vực tiếp giáp lòng hồ. Ngoài ra, các biên bản kiểm tra của một số cơ quan quản lý cũng chứng minh: Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên tục xâm chiếm hồ Đại Lải.

Ngày 18/12/2017, Bảng tổng hợp thống kê các tập thể, cá nhân có vi phạm công trình thủy lợi của một đơn vị quản lý thể hiện: Chỉ trong một thời gian ngắn, tại khu vực hồ Đại Lải có đến 29 tổ chức, cá nhân có những hành vi xâm hại lòng hồ.

Cụ thể, hàng chục hộ dân đã đổ đất, trồng cây vào khu vực lòng hồ với diện tích vi phạm lên đến hàng nghìn m2. Hộ ông Nguyễn Văn Dũng trồng 300 cây bạch đàn trên diện tích 300m2 ngay chân cống lấy nước số 1 hồ Đại Lải; hộ ông Tuấn (người Hà Nội) san đất tại cống số 2 với chiều dài 50m, chiều rộng 25m; hộ ông ngô Văn Bình (thôn Miếu Gỗ, xã Ngọc Thanh) xây nhà kiên cố tại chân mái hạ lưu đập đông hồ Đại Lải…

15-48-12_dl4
Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện dự án ở quanh hồ Đại Lải đều bị lập biên bản vi phạm lấn chiếm

Không chỉ các hộ dân, những dự án trọng điểm du lịch sinh thái được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép ở khu vực xung quanh hồ cũng liên tục có những hành vi xâm lấn.

Điển hình như việc Cty CP Xây dựng Thương mại Nhật Hằng (chủ đầu tư dự án Khu biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải) đã 2 lần đổ đất lấp lòng hồ ngăn hồ tạo thành một vùng hồ nước nhỏ nằm trong hồ Đại Lải với diện tích khoảng 4,2 ha. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn làm đường xuyên giữa lòng hồ, nối các đảo với nhau khiến lòng hồ bị chia cắt, đổ đất lấn ra mép hồ xây dựng khu nhà nghỉ trong phạm vi lòng hồ với chiều dài khoảng 100m, lấn ra khoảng 30m…

Hay như chủ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải Resort, chỉ trong vòng 2 năm doanh nghiệp này có tới 7 lần đổ đất lấp lòng hồ với diện tích vi phạm lên đến hàng nghìn m2.

Tại khu Đảo Ngọc, hòn đảo đẹp nhất giữa lòng hồ Đại Lải, Cty TNHH Đạt Tiến, chủ đầu tư của dự án Đảo Ngọc Resort với hàng loạt công trình xây dựng như chùa chiền, biệt thự đã ngang nhiên đổ đất lấn chiếm lòng hồ để xây nhà. Có mặt tại Đảo Ngọc thời điểm này, theo ghi nhận của NNVN, một công trình xây dựng đồ sộ đang được chủ đầu tư xây dựng ở ngay mép nước lòng hồ Đại Lải.

Trước sự xâm lấn, “xẻ thịt” lòng hồ Đại Lải của các tổ chức, cá nhân, những đơn vị quản lý hồ này đã nhiều lần lập biên bản vi phạm, tổng hợp báo cáo gửi các cơ quan chức năng xử lý. Mặc dù vậy, rất nhiều chủ đầu tư các dự án đã đối phó bằng việc không ký vào biên bản. Càng lạ hơn, trước sự thách thức của những ông chủ doanh nghiệp, không thấy biện pháp mạnh tay nào từ phía cơ quan chức năng.

Ông Đường Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT Cty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên, đơn vị quản lý trực tiếp lòng hồ Đại Lải, khi được hỏi về thực trạng này đã nói rằng: Các dự án đều theo trình tự qui định, đều được cấp phép. Tuy nhiên, các dự án trong lòng hồ dứt khoát ảnh hưởng đến quản lý khai thác. Không bàn cãi gì cả. Lúc tính toán xây dựng đây là rừng, bây giờ ông san ra đổ bê tông dứt khoát dòng chảy khác đi. Ví dụ trước kia 2 tiếng lũ về bây giờ chỉ một tiếng thôi. Và việc ảnh hưởng đến mức nào thì phải qua các cơ quan đánh giá cụ thể. Chúng tôi chỉ biết, quy trình hồ Đại Lải từ trước kia điều tiết ở mức 20,7 bây giờ điều tiết về 20,5, nguyên nhân ít nhiều do dung tích hồ bị giảm.

Trong quá trình làm rõ diện tích hồ Đại Lải hiện tại, chúng tôi có nhiều buổi làm việc với phòng TNMT thành phố Phúc Yên, Cty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên và UBND xã Ngọc Thanh, những cơ quan quản lý trực tiếp hồ Đại Lải. Tuy nhiên, điều vô cùng ngạc nhiên không một cơ quan nào đưa ra con số chính xác về diện tích hồ hiện tại. Theo cách giải thích của một số cán bộ những cơ quan này, hầu hết các dự án quanh hồ đều là những dự án lớn, chủ đầu tư làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc nên các bộ phận ở địa phương không nắm được?

 

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.