| Hotline: 0983.970.780

Đưa vào Luật thủy sản nội dung EU khuyến cáo

Thứ Ba 21/11/2017 , 19:43 (GMT+7)

Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật thủy sản với đa số ĐBQH tán thành vào chiều 21/11, cuối giờ chiều cùng ngày Bộ NN – PTNT đã tổ chức cung thông tin cho các cơ quan báo chí về những điểm mới trong Luật thủy sản này.

Luật xây dựng phù hợp hội nhập quốc tế

Mở đầu cuộc họp, thay mặt Bộ NN – PTNT, với tư cách Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN – PTNT Vũ Văn Tám bày tỏ trân trọng cảm ơn đến Quốc hội, ĐBQH cùng các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí trong suốt thời gian qua đã ủng hộ giúp Bộ trong việc hoàn thiện các công việc được giao theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.

18-59-31_thu_truong_vu_vn_tm
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cung cấp thông tin báo chí ngay sau khi Luật thủy sản được Quốc hội thông qua với 89,8% ĐBQH tán thành

Thứ trưởng Vũ Văn Tám vui mừng trước việc Quốc hội biểu quyết thông qua Luật thủy sản và khẳng định Luật đã kế thừa các thành tựu của Luật năm 2003. Kết quả đó sẽ có đột phá trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản – một phương thức quản lý mới được nhiều quốc gia tiếp cận để quản lý hoạt động thủy sản, đặc biệt là bảo vệ, quản lý nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới. Với Luật thủy sản đã khắc phục được những hạn chế của luật hiện hành và sẽ có tác động lớn, tích cực đến đời sống ngư dân và người dân sống gần biển.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, điểm rõ nhất của Luật thủy sản là xây dựng theo hướng tiếp cận mới phù hợp với hội nhập quốc tế, phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lĩnh vực thủy sản, cải cách hành chính và biến đổi khí hậu.

“Đây là luật chuyên ngành chi tiết, những quy định trong luật được cơ bản thông qua. Có một số nội dung sẽ giao Chính phủ, Bộ NN – PTNT hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành. Đến trước 1/1/2019 sẽ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn này. Đây là bước ngoặt của ngành thủy sản, tổ chức lại, phát triển có bền vững”, Thứ trưởng nói.

Trước câu hỏi, Việt Nam có thoát được thẻ vàng của EU trước 2019 không? Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, năm nay EC có 3 đoàn sang kiểm tra, có 2 Cao Ủy sang làm việc với lãnh đạo Bộ. Thủ tướng đã có công điện 732 quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tàu địa phương vi phạm vùng đánh bắt sẽ xử nghiêm.

“Đến nay tình trạng tàu cá vi phạm của Việt Nam đã giảm hẳn. Quảng Ngãi từ tháng 7 đến nay không ghi nhận 1 tàu cá nào vi phạm nữa mặc dù đây là tỉnh đội sổ về số tàu cá vi phạm vùng đánh bắt lâu nay. EU quan tâm đến các hành động thực tiễn”, Thứ trưởng cho biết.

Gần 90% ĐBQH biểu quyết tán thành thông qua Luật thủy sản. Luật Thủy sản năm 2017 gồm 9 chương với 105 Điều, giảm 01 chương và tăng 43 Điều so với Luật Thủy sản 2003, trong đó có một số thay đổi về kết cấu, bổ sung 01 Chương (Kiểm ngư) nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam. Bỏ 02 Chương: Hợp tác quốc tế về hoạt động thủy sản; Khen thưởng và xử lý vi phạm.

Cũng theo Thứ trưởng, EC có thư gửi Chính phủ là nói Việt Nam chưa tiếp thu, chưa chuyển biến nên hôm 23/10 EU rút thẻ vàng chúng ta. Chúng ta sẽ tìm mọi cách để thoát thẻ vàng. Bộ đã họp báo công bố và dự thảo Chị thị trình Thủ tướng ban hành để 6 tháng thoát ra khỏi thẻ vàng. Tất cả các nội dung làm việc với EU hôm qua thì Bộ sẽ quyết tâm để được cụ thể hóa.
 

Xử phạt nặng đối với tàu cá vi phạm vùng đánh bắt

Đáng chú ý, Luật thủy sản đã Luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) trong đó có khuyến nghị của Ủy ban Châu âu (EC). Nội dung này theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục thủy sản (Bộ NN – PTNT) hiện đã được quy định rải rác trong các Điều và các chương của Luật.

Theo đó, Luật Thuỷ sản đã được sửa đổi dựa trên các nguyên tắc của Công ước Luật biển 1982, Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO, Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp quốc, Bộ luật nghề cá có trách nhiệm của FAO, Kế hoạch hành động quốc tế của FAO về khai thác IUU, Hướng dẫn của FAO về thực hiện trách nhiệm quốc gia treo cờ, tập trung vào 9 khuyến nghị của EC, các khuyến nghị đó được thể hiện trong các nội dung sau:

Một là, quy định số lượng và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác của tàu theo nghề trên các vùng biển và phân cấp cho địa phương để cấp phép cho từng tàu cá; Quy định nội dung quản lý đầu ra theo hạn ngạch các loài di cư và các loài có tính kết đàn.

Một tàu cá của ngư dân Nghĩa Hưng (Nam Định) chuyển cá lên bờ sau chuyến ra khơi trúng đậm

Hai là, quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng; quy định thu hồi giấy phép khai thác đối với các nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam; quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU, không có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên trong đó tàu 24 mét trở lên phải có giám sát hành trình cập nhật tự động

Về Quản lý tàu cá (Điều 62 đến Điều 67), chuyển quản lý từ công suất (CV) sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên tham gia khai thác thủy sản phải có giấy phép, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên phải thực hiện đăng kiểm

Luật quy định điều kiện của cơ sở đóng mới cải hoán, tàu cá và phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện trước khi hoạt động. Khi đóng mới, cải hoán tàu cá phải có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Ba là, quy định trách nhiệm của thuyền trưởng của tàu khai thác từ vùng lộng trở ra phải cập cảng chỉ định do Bộ NN - PTNT công bố; quy định về kiểm tra, kiểm soát, giám sát tổng hợp tại các chương về khai thác, quản lý tàu cá và tăng cường năng lực thực thi cho lực lượng kiểm ngư và các lực lượng thực thi pháp luật có liên quan.

Bốn là, quy định việc xử lý đối với hành vi sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực…

Trả lời câu hỏi việc phân cấp triệt để cho UBND tỉnh khi mà tàu cá đi khắp các miền, vậy cơ sở nào để đảm bảo hạn ngạch, không vượt số tàu, hay mức phạt 1 tỷ đồng được dựa trên cơ sở nào? Xã hội hóa đăng kiểm là hợp lý, làm thế nào để hạn chế biến tướng? Vì sao để hiệu lực thi hành mãi đến 2019? Thứ trưởng Vũ Văn Tám lần lượt làm rõ các băn khoăn trên.

Theo Thứ trưởng, thực ra phân cấp cho địa phương để quản lý, cấp phép, thông qua cấp hạn ngạch, cái này kế thừa Nghị định 33, khai thác phân theo vùng biển, có 3 tuyến (bờ, lộng). Giữa các tỉnh biên giới vùng biển. Khai thác thủy sản đã quy định từ vùng lộng trở vào quản lý khai thác giao cho địa phương.

Điểm mới của Luật lần này là giao cho địa phương bảo vệ cả nguồn lợi thủy sản. Trên cơ sở điều tra nguồn lợi, các địa phương thông báo nguồn lợi, sản lượng, điều chỉnh khai thác. Vùng khơi trở ra sẽ do Trung ương quản lý, phân bổ khi đánh bắt xa bờ.

Về mức phạt 1 tỷ đồng, Thứ trưởng Tám cho rằng là căn cứ vào Luật xử phạt vi phạm hành chính, đây cũng là câu trả lời của chúng ta đối với EU. Họ bảo, Việt Nam phải đưa chi tiết các mức xử phạt vào Luật này. Tuy nhiên, chúng ta trân trọng tiếp thu được cái gì là đưa vào, còn sau này thiếu đâu sẽ bổ sung bằng Nghị định để cụ thể các lý do xử phạt. Hiện chỉ đưa ra mức phạt cao nhất vào luật như vậy.

Lý do hiệu lực thi hành mãi đến 2019 vì đây là luật chuyên ngành chi tiết, chứ không phải luật khung nữa. Chúng ta có thời gian để hoàn chỉnh Nghị định, thông tư hướng dẫn.

Về xã hội hóa đăng kiểm có bị biến tướng không? Thứ trưởng cho rằng, mục đích là để huy động được các nguồn lực, để giải quyết thắc mắc này, trước hết quản là quản những cơ sở chứng nhận đủ điều kiện. Những đơn vị đầu tư cơ sở đăng kiểm được cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra chứng nhận đủ điều kiện thì cấp phép, quản lý theo hệ thống, phân loại A, B,C. Đối với loại C thì tăng tần suất kiểm tra và nếu đến lần 2 không ổn thì sẽ rút giấy phép.

 

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Bình luận mới nhất