| Hotline: 0983.970.780

Đưa xuất khẩu thủy sản vào quy củ

Chủ Nhật 01/09/2019 , 15:45 (GMT+7)

Xuất khẩu (XK) thủy hải sản của Việt Nam thời gian qua đã hứng chịu những hệ lụy từ chính việc không tuân thủ những quy định về điều kiện XK sang thị trường Trung Quốc.

14-51-16_nh1
Thủy hải sản XK sang Trung Quốc phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc đánh bắt. Ảnh: Trung Hiếu.

Tổ chức SX, chế biến một cách bài bản, đáp ứng các quy định về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, ATTP... đang là yêu cầu tất yếu để thủy sản Việt Nam tạo chỗ đứng bền vững tại thị trường Trung Quốc.
 

Hàng loạt điều kiện kỹ thuật được siết chặt

Theo Cục Quản lí chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), từ cuối năm 2018 đến nay, sau khi có sự thay đổi cơ cấu tổ chức (một số cơ quan kiểm soát chất lượng, ATTP thủy sản XNK được chuyển về Tổng cục Hải quan), Trung Quốc đã chuyển mạnh sang hướng NK chính ngạch hàng thủy sản của Việt Nam.

Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu thực phẩm nói chung và thủy sản nói riêng XK sang nước này phải được thực hiện theo các thỏa thuận hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Giám sát Chất lượng, Kiểm tra và Kiểm dịch (nay là Tổng cục Hải quan Trung Quốc).

Cụ thể, lô hàng thủy sản NK vào Trung Quốc phải là chủng loại sản phẩm đã được phía Trung Quốc cho phép NK; được SX bởi DN trong danh sách được phép XK vào Trung Quốc; có bao bì thông tin ghi nhãn xuất xứ rõ ràng và kèm theo chứng thư ATTP do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp (cụ thể do Nafiqad cấp).

Theo các điều kiện này, Việt Nam hiện có 128 loài/dạng sản phẩm được cấp phép XK sang Trung Quốc (gồm cả sản phẩm thủy hải sản chế biến và thủy hải sản sống), với tổng 680 DN đã được cấp phép XK.

Theo quy định, hải sản khai thác nói riêng và thủy sản nói chung khi XK vào Trung Quốc đều phải có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, Trung Quốc yêu cầu trên chứng thư cấp cho lô hàng hải sản đánh bắt XK vào nước này phải có thông tin về vùng đánh bắt, tên và số hiệu tàu đánh bắt. Trung Quốc cũng quy định kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong SX kinh doanh thực phẩm (văn bản pháp lý cao nhất là Luật ATTP của Trung Quốc).

Đối với sản phẩm tôm sú, tôm thẻ chân trắng đông lạnh và các dạng chế biến khác, Trung Quốc không yêu cầu đối với cơ sở nuôi. Tuy nhiên đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng sống, phía Trung Quốc yêu cầu cơ sở nuôi phải có tên trong danh sách được phép XK.

14-51-16_tom3
Thủy sản nói chung, đặc biệt là tôm sẽ phải đảm bảo nhiều điều kiện về an toàn dịch bệnh, ATTP... khi XK sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Trung Hiếu.

Theo đó, Việt Nam đã có  49 cơ sở nuôi tôm sú và 16 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng được phía Trung Quốc chấp thuận trong danh sách XK vào nước này. Các cơ sở nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng phải được cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương của Việt Nam kiểm tra, chứng nhận điều kiện ATTP/điều kiện vệ sinh thú y và được cấp mã số; ngoài ra, phải được cơ quan thú y địa phương triển khai giám sát các bệnh gồm virus bệnh còi (MBV), hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), đốm trắng (WSSV) và hội chứng Taura (TSV) của 3 giai đoạn nuôi (trước khi thả giống, giữa giai đoạn nuôi và cuối giai đoạn nuôi). Các cơ sở có nhu cầu XK tôm sú, tôm thẻ chân trắng sống vào Trung Quốc phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nước này, sau đó gửi đăng ký về Nafiqad để được tổng hợp, gửi sang phía Trung Quốc xem xét, chấp thuận bổ sung vào danh sách...
 

Nỗ lực mở thêm sản phẩm và DN xuất khẩu

Trên thực tế, những quy định về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, các điều kiện về kiểm soát ATTP... đối với thủy sản NK từ Việt Nam đã được phía Trung Quốc áp dụng từ trước năm 2010 khi thỏa thuận hợp tác về ATTP thủy sản XNK giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Giám sát Chất lượng, Kiểm tra và Kiểm dịch Trung Quốc (nay là Tổng cục Hải quan) được ký kết.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc cho phép duy trì kéo dài NK thủy hải sản tiểu ngạch, cộng với việc các DN, thương nhân XK trong nước xem nhẹ, thậm chí phớt lờ việc thực hiện các thủ tục, yêu cầu kỹ thuật của Trung Quốc đã khiến không ít DN, thương nhân lao đao, ùn ứ hàng hóa thời gian qua khi Trung Quốc áp dụng chặt chẽ các quy định NK, đặc biệt là các sản phẩm như tôm (ướp đá), một số hải sản đánh bắt hoặc một số mặt hàng thủy hải sản chưa được phía Trung Quốc cho phép NK...

Theo Nafiqad, thời gian qua, khi phía Trung Quốc siết chặt việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa, chống gian lận thương mại, Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) đã phản ánh về việc một số lô hàng thủy sản Việt Nam XK qua các cửa khẩu do cơ quan này phụ trách kèm theo chứng thư giả.

Bên cạnh đó, có một số lô hàng thủy sản Việt Nam XK sang Trung Quốc cũng bị cảnh báo phát hiện tồn dư hóa chất kháng sinh (Chloramphenicol)...

Đây là những nguy cơ rất nguy hại nếu hoạt động SX, chế biến và tổ chức XK mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam không có ý thức tuân thủ nghiêm quy định của Trung Quốc.

Trước những thực trạng trên, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ, chấn chỉnh, từng bước đưa hoạt động SX, chế biến, tổ chức XK đi vào quy củ.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cho biết, bên cạnh việc tìm giải pháp nhằm tháo gỡ tạm thời, giúp tiêu thụ và XK một số sản phẩm thủy hải sản bị ùn ứ, Nafiqad đang tập trung nhiều giải pháp để phổ biến, hướng dẫn một cách cụ thể, chi tiết về trình tự, thủ tục XK, các yêu cầu về điều kiện để XK thủy hải sản sang thị trường Trung Quốc cho các DN, thương nhân và người SX...

Bên cạnh đó, Nafiqad cũng đang tích cực phối hợp làm việc với các cơ quan của Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm tiếp tục mở cửa thêm một số sản phẩm thủy hải sản và tăng thêm số lượng DN được phép XK sang thị trường Trung Quốc.

14-51-16_15-21-15_4
Nhiều sản phẩm thủy hải sản có giá trị cao, tiềm năng lớn như tôm hùm của Việt Nam vẫn chưa thể XK sang Trung Quốc. Ảnh: Trung Hiếu.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang gia tăng các yêu cầu và thời gian xem xét, cấp phép bổ sung DN và loài/dạng sản phẩm thủy sản. Lần gần đây nhất phía Trung Quốc cập nhật danh sách là ngày 24/1/2019 (bổ sung 4 doanh nghiệp, theo đề nghị của phía Việt Nam từ quý III/2018). Các đề nghị cập nhật của phía Việt Nam tại quý IV/2018, quý I - II/2019 (tổng số 60 doanh nghiệp) hiện vẫn chưa được Trung Quốc chấp thuận, mặc dù phía Việt Nam đã có nhiều văn bản đề nghị...

Ngoài 128 loài/dạng sản phẩm thủy sản Việt Nam hiện đã được phép NK vào Trung Quốc, trong thời gian vừa qua, Nafiqad đã có văn bản gửi phía Trung Quốc đề nghị xem xét, bổ sung một số loài thủy hải sản mà Việt Nam có lợi thế XK như nghêu, cua biển, tôm hùm, ghẹ, bổ sung một số dạng sản phẩm như tôm thẻ, tôm sú ướp đá... đã có bằng chứng thông thương.

Đồng thời, đề nghị phía Trung Quốc hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục đăng ký để bổ sung các sản phẩm mới như cá rô phi, cá hồi, cá cờ, cá thu... vào danh mục được phép XK sang Trung Quốc. Mặc dù vậy, hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc vẫn chưa có phản hồi chính thức đối với các đề nghị của phía Việt Nam. Nafiqad hiện đang nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đôn đốc phía bạn sớm bố trí làm việc để trao đổi trực tiếp, trên cơ sở đó sớm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nêu trên...

Nhằm đảm bảo các yêu cầu về kiểm dịch sản phẩm thủy sản, Nafiqad đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản và các địa phương thực hiện việc giám sát dịch bệnh đối với các đối tượng nuôi phục vụ chế biến và XK như tôm sú, tôm thẻ (sống) đối với các bệnh theo yêu cầu của phía Trung Quốc như đốm trắng, hoại tử gan tụy... để giữ vững thị trường XK.

Để kiểm soát tình trạng DN xuất khẩu sử dụng chứng thư giả, Nafiqad đã làm việc với Hải quan Nam Ninh để trao đổi, thống nhất cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát liên quan đến chứng thư cấp cho lô hàng thủy sản XK vào Trung Quốc.

Theo đó, Cục đã thực hiện cung cấp thông tin về các chứng thư đã cấp trong từng ngày cho các lô hàng thủy sản XK đến tỉnh Quảng Tây. Cơ chế này đã được Hải quan Nam Ninh đánh giá cao về sự phù hợp, hiệu quả trong kiểm tra, giám sát hàng thủy sản NK từ Việt Nam, đảm bảo kiểm soát được gian lận thương mại và truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Về lâu dài, dự kiến thời gian tới sẽ trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc phối hợp cấp chứng thư điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại giữa hai bên và tăng cường phối hợp chống gian lận thương mại.

Trước việc một số lô hàng thủy sản như tôm, mực, cá đông lạnh/ướp đá, mực khô, cá nục khô... ở một số địa phương như Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị bị ùn ứ do không XK được vào Trung Quốc qua đường tiểu ngạch như trước đây, thời gian qua, Nafiqad đã tổ chức các đoàn công tác đến làm việc tại các địa phương để hướng dẫn, phối hợp xử lý, tổ chức kết nối các thương nhân XK tiểu ngạch với các cơ sở chế biến đã nằm trong danh sách được phép XK vào Trung Quốc để chuyển sang XK chính ngạch theo đúng quy định.


Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở chế biến thủy sản rà soát, nâng cấp điều kiện bảo đảm ATTP.  Kết quả tại Quảng Ninh đã thông quan được 23 lô hàng thủy sản sang Trung Quốc. Tại Quảng Nam, đến nay hầu hết lượng mực tồn đã được làm thủ tục để bán cho các cơ sở thu gom.

Tại Quảng Trị, đã xuất bán được 300-400 tấn cá nục khô. Bên cạnh đó, đã chứng nhận bổ sung sản phẩm, bổ sung danh sách XK vào Trung Quốc và hướng dẫn nâng cấp điều kiện ATTP cho 8 DN tại Quảng Ninh...

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất