Thủy sản là ngành đang gặp nhiều khó khăn do việc Trung Quốc siết chặt các quy định NK. |
Hiện nay, Trung Quốc tiếp tục tăng cường siết chặt quản lí XNK biên mậu, một số mặt hàng nông sản, hoa quả của VN như bưởi, dừa, chanh leo, roi, sầu riêng, sắn lát, thạch đen... không còn XK được theo hình thức biên mậu tại các cửa khẩu phụ mà trước đây Trung Quốc đã cho phép NK. Cùng với việc áp dụng các quy định về nguồn gốc xuất xứ, đóng gói, điều kiện bảo quản, tem nhãn... đối với nhiều mặt hàng trái cây của VN như dưa hấu, mít, chuối, Trung Quốc cũng đang và sẽ mở rộng việc áp dụng các quy định này.
Nhất là các mặt hàng thủy hải sản, Trung Quốc cũng đã và sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ hàng NK với các chính sách như kiểm soát nguồn gốc xuất xứ (C/O), chứng thư kiểm dịch, mã vùng nuôi trồng, vùng khai thác, quy cách bao bì, nhãn mác, truy xuất hồ sơ DN cùng các biện pháp kiểm soát, xử lí vi phạm của DN. Bên cạnh đó, những mặt hàng không có trong danh mục hàng thủy sản được Trung Quốc cho phép NK sẽ bị từ chối thông quan (ví dụ sứa)... Đối với mặt hàng tôm, cá ướp lạnh (ướp đá), Trung Quốc không cho phép thông quan mà phải thực hiện đúng hình thức bảo quản là đông lạnh (cấp đông)...
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) cho biết: Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng các yêu cầu phi thuế quan đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản NK từ VN. Đây là xu hướng chung của nhiều thị trường khác, chứ không chỉ riêng Trung Quốc.
Với thị trường Trung Quốc, các yêu cầu về kiểm dịch và ATTP trước đây họ cũng đã thực hiện, và hiện nay đang từng bước áp dụng chặt chẽ hơn đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản của VN xuất sang thị trường này bằng các yêu cầu phi thuế quan khác.
Các quy định về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, chống gian lận thương mại, đặc biệt là quy trình cấp phép cho các DN cũng như cấp phép cho các sản phẩm nông lâm thủy sản được phép XK vào Trung Quốc được áp dụng chặt chẽ hơn rất nhiều so với trước đây.
Trước đây, phía VN đề nghị cấp phép cho các DN xuất nông thủy sản vào Trung Quốc thì thường được cho phép ngay, tuy nhiên hiện nay việc đăng ký cho DN Việt Nam tham gia XK nông lâm thủy sản vào Trung Quốc không còn dễ như trước.
Chế biến thanh long trước khi xuất khẩu. |
Trung Quốc kiểm soát rất chặt chẽ về tên gọi của các mặt hàng nông lâm thủy sản, kể cả tên khoa học Latinh, nếu kiểm tra không đúng thì lập tức bị trả lại ngay. Các quy định về bao gói, ghi nhãn với yêu cầu rất chặt chẽ và kiểm tra phải có đầy đủ, đặc biệt là từ 1/5/2019 đến nay. |
Cụ thể thời gian qua, với mục tiêu nâng thêm số lượng DN XK thủy sản sang Trung Quốc, theo đề nghị của các DN, Nafiqad đã đăng ký bổ sung và đề nghị phía Trung Quốc xem xét chấp nhận đối với 64 DN thủy sản của VN. Tuy nhiên hiện phía Trung Quốc mới chỉ cấp phép được cho 4 DN.
Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Đối với cá tra, trong tổng diện tích cả nước khoảng 5.400ha, đến nay đã cơ bản được cấp đủ mã số vùng nuôi theo quy định để XK sang thị trường Trung Quốc. Hiện một số diện tích nuôi cá tra phát sinh nhỏ lẻ thời gian qua, Tổng cục Thủy sản đang làm việc với các Sở NN-PTNT có vùng nuôi cá tra phát sinh mới để triển khai cấp bổ sung mã vùng sản xuất.
Đối với tôm, Tổng cục Thủy sản cũng đang khẩn trương hướng dẫn, triển khai việc cấp mã số vùng nuôi theo các quy định mới tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP thi hành Luật Thủy sản.
Tổng cục đã có văn bản đốc thúc các địa phương khẩn trương triển khai việc cấp mã số vùng nuôi tôm để phục vụ XK theo các quy định của phía Trung Quốc, trong đó ưu tiên thực hiện trước đối với các vùng, khu vực, cơ sở nuôi tôm tập trung, có quy mô lớn.
Hiện Tổng cục Thủy sản cũng đã chọn TP Móng Cái (Quảng Ninh) là địa phương thí điểm đầu tiên để triển khai cấp mã số vùng nuôi tôm phục vụ XK sang thị trường Trung Quốc.
Về liên kết SX trong nuôi thủy sản, sau giai đoạn phát triển nóng, thời gian qua, đã có tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết giữa các cơ sở nuôi và các cơ sở chế biến thủy sản. Trước tình hình này, Tổng cục Thủy sản đã làm việc với các địa phương đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn xây dựng lại các mối liên kết, tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện một số tỉnh, điển hình như An Giang, Đồng Tháp... đã vào cuộc triển khai vận động đưa các DN chế biến đã phá hợp đồng liên kết đấu nối lại việc liên kết với các cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Đối với mặt hàng tôm, cá ướp lạnh (ướp đá), Trung Quốc không cho phép thông quan mà phải thực hiện đúng hình thức bảo quản là đông lạnh (cấp đông)... |
Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản cũng đang phối hợp chặt chẽ với Nafiqad nhằm tiếp tục đăng ký bổ sung các mặt hàng thủy sản để làm việc và đề nghị phía Trung Quốc cho phép bổ sung thêm vào danh mục được phép XK sang nước này.
Cùng với đó, sẽ quyết liệt phối hợp với các địa phương nhằm chấn chỉnh tình trạng phá vỡ các hợp đồng liên kết trong SX và chế biến thủy sản, đồng thời siết chặt việc tổ chức SX, giám sát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với các mặt hàng này, nhất là các vùng nuôi, các DN, cơ sở chế biến nuôi trồng XK sang thị trường Trung Quốc.
Liên quan đến một số lô hàng thủy sản bị dồn ứ do ở một số địa phương thời gian qua như Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết Nafiqad đã trực tiếp làm việc với các DN, thương nhân và cơ quan quản lí ở địa phương. Theo đó, phương án xử lí trước mắt đối với các DN, tư thương có hàng tồn kho là phối hợp với các cơ sở, DN chế biến đã được cấp phép đủ điều kiện XK thủy sản sang Trung Quốc. Theo đó, các lô hàng tồn kho của các cơ sở chưa đủ điều kiện XK có thể đưa về chế biến, đóng gói, dán nhãn truy xuất tương tự như XK chính ngạch tại các cơ sở đã đủ điều kiện XK sang Trung Quốc. Sau đó đăng ký kiểm tra theo đúng quy định với Nafiqad để được cấp chứng thư ATTP để XK. Hiện tại, các lô hàng tồn kho đã cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên về lâu dài, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh thông tin, phổ biến về các quy định của Trung Quốc, Nafiqad sẽ khuyến khích các DN, các cơ sở, tư thương thu mua, chế biến thủy sản theo diện nhỏ lẻ tự mình nâng cấp về điều kiện chế biến để Nafiqad xem xét công nhận, đưa vào danh sách và gửi cho phía Trung Quốc xem xét chấp thuận cho phép NK. Thời gian tới, Nafiqad tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức các hội nghị khu vực trên cả nước nhằm tiếp tục phổ biến cho thương nhân, DN cũng như cơ quan quản lí ở địa phương về các yêu cầu, quy định, thủ tục để có thể XK thủy hải sản sang thị trường Trung Quốc. Cũng theo ông Tiệp, thời gian tới, Nafiqad sẽ sớm làm việc kỹ thuật với phía Trung Quốc để đề nghị cho phép XK thêm một số loài thủy hải sản sang. Nhất là một số loài có tiềm năng XK như tôm hùm, sứa và tôm thẻ. Đồng thời, cũng đề nghị phía Trung Quốc xem xét bổ sung thêm một số cơ sở chế biến vào danh sách được phép XK thủy sản sang nước này, đặc biệt là các cơ sở chế biến các mặt hàng thủy hải sản khô như tôm khô, mực khô, cá khô... |
Thanh long đối mặt thách thức Về mặt chính sách, thông thường một quốc gia sẽ không phụ thuộc hoàn toàn về lượng NK đối với mặt hàng nông sản nào đó ở một thị trường nhất định, mà cơ cấu thường phải đa dạng. Vì vậy đối với các mặt hàng hoa quả, Trung Quốc cũng không ngoại lệ về nguyên tắc đó, và sẽ đẩy mạnh việc NK các mặt hàng trái cây đa dạng hơn ở nhiều thị trường, ví dụ như Thái Lan, Campuchia...
Hiện thanh long VN đang chiếm tới 90% thị phần NK cùng loại của Trung Quốc. Vì vậy, với xu hướng tiến tới đa dạng hóa cơ cấu NK, việc XK thanh long của VN sang Trung Quốc sẽ không còn thuận lợi như lâu nay. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh SX một số loại trái cây mà VN đang XK sang thị trường này, trong đó có thanh long. Theo một số thông tin, Trung Quốc đang đẩy nhanh diện tích thanh long tại một số vùng như Quảng Đông, Quảng Tây và đảo Hải Nam. Hiện nước này đã trồng được khoảng 35 nghìn ha thanh long, và đang tiếp tục tăng mạnh về diện tích, nâng tổng diện tích thanh long lên đến khoảng 68 nghìn ha. Đây thực sự là một thách thức đối với VN về lâu dài. Về định hướng thời gian tới đối với XK mặt hàng hoa quả sang Trung Quốc, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết sẽ phải tiếp tục duy trì được các mặt hàng trái cây XK sang thị trường này, nhất là không để xảy ra các vướng mắc liên quan đến thủ tục kiểm dịch thực vật (KDTV). Hiện tại, cùng với 9 loại trái cây (thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt) đã được phép XK sang Trung Quốc, Cục BVTV cũng đã gửi hồ sơ cho phía Trung Quốc đối với 7 loại trái cây khác và gần đây nhất đã đề nghị phía Trung Quốc xem xét bổ sung cho phép NK đối với 2 mặt hàng khác là thạch đen và khoai lang. Cụ thể đối với mặt hàng khoai lang, hiện phía Trung Quốc đã có văn bản chính thức cho biết đang tiến hành việc đánh giá nguy cơ dịch hại (PRA) cũng như đề nghị VN bổ sung những thông tin cần thiết. Thời gian tới, Cục BVTV sẽ mời 2 chuyên gia của Trung Quốc sang trực tiếp đánh giá toàn bộ quy trình SX theo quy định... Đối với thạch đen, các thủ tục đánh giá cũng sẽ được cơ quan KDTV của phía Trung Quốc tiến hành hết sức chặt chẽ nhằm sớm hoàn tất thủ tục cho phép XK mặt hàng này sang Trung Quốc... |