Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc gặp khó khăn vì NDT giảm giá mạnh. |
Ngày 15/7, Trung Quốc công bố GDP trong quý II/2019 của nước này chỉ tăng 6,2%, là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1992 đến nay. Kinh tế giảm tăng trưởng tác động không nhỏ tới tiêu dùng của nước này. Bằng chứng là trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc chỉ đạt 990 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã ảnh hưởng ít nhiều tới những nước có giá trị xuất khẩu hàng hóa lớn vào Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 16,68 tỷ USD, chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo giải thích của Bộ Công Thương, những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng rất thấp là nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm do kinh tế nước này không khởi sắc; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không có đơn hàng mới, phải cắt giảm nhân công, qua đó tác động không nhỏ tới thu nhập và sức tiêu dùng của người Trung Quốc…
Trong số những mặt hàng mà Trung Quốc giảm về giá trị nhập khẩu, có không ít hàng nông sản. Trong đó, có những mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, 6 tháng đầu năm: Nhập khẩu gạo đạt 1,27 triệu tấn, trị giá 665,9 triệu USD, giảm 28,7% về lượng và 30,7% về trị giá; cá đông lạnh đạt 2,3 tỷ USD, giảm 9,5% về trị giá… Trong 5 tháng đầu năm, nhập khẩu cao su vào Trung Quốc đạt 2,72 triệu tấn, trị giá 4,16 tỷ USD, giảm 3,2 % về lượng và 11,8% về trị giá…
Việc Trung Quốc giảm nhập khẩu cùng một số nguyên nhân khác đã khiến cho nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng rất thấp, thậm chí là tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2018. Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc chỉ đạt 46,9 triệu USD, giảm so với 52,1 triệu USD của 6 tháng đầu năm 2018; gạo đạt 145,3 triệu USD, giảm so với 474, 6 triệu USD cùng kỳ; sắn và sản phẩm sắn đạt 406,3 triệu USD, giảm so với 476 triệu USD cùng kỳ; rau quả đạt 1,457 tỷ USD, giảm so với 1,482 tỷ USD cùng kỳ…
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến nhu cầu, đồng Nhân dân tệ (NDT) mất giá cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng đến XK nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc.
Chẳng hạn, theo VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm mạnh trong năm 2018 và tiếp tục giảm trong những tháng đầu năm nay. Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc chỉ đạt 233,5 triệu USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, từ vị trí thứ 4, Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 6 trong số những nước xuất khẩu tôm lớn nhất vào Trung Quốc.
Đồng NDT liên tục bị mất giá so với đồng USD đã tạo chênh lệch mất giá giữa đồng NDT so với VND, khiến cho giá trị của VND so với NDT tăng lên. Do vậy, giá XK tôm từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, làm giảm sức cạnh tranh về giá của tôm Việt Nam. Hiện nay, trong các nguồn cung cấp tôm chính cho thị trường Trung Quốc, giá tôm Việt Nam chỉ đứng sau giá tôm Thái Lan và cao hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia…
Việc Trung Quốc giá phá đồng NDT nhằm phản ứng với quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% lên 300 tỷ USD giá trị hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể sẽ tiếp tục gây khó khăn cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc. Bởi như đã nói ở trên, so với NDT, giá trị của VND đang tăng lên, thành ra giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc sẽ trở nên cao hơn trước. Trong khi đó, đồng Rupee của Ấn Độ cũng giảm sâu so với USD, nên chênh lệch mất giá giữa Rupee với NDT ít hơn so với giữa VND và NDT. Thành ra, tôm Ấn Độ vốn đã có giá rẻ hơn so với tôm Việt Nam, lại càng có lợi thế cạnh tranh hơn về giá trên thị trường Trung Quốc.
Giá sắn xuất đi Trung Quốc sụt mạnh Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), từ năm 2018, Trung Quốc đã tăng cường bán ngô từ kho dự trữ của Chính phủ thông qua đấu giá định kỳ, nhằm đối phó với tình trạng giá thức ăn chăn nuôi ở nước này tăng vọt vì tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Ngô được bán ra với khối lượng lớn, giá cạnh tranh, qua đó, làm giảm nhu cầu về các sản phẩm thay thế, nhất là sắn lát. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần khiến cho xuất khẩu sắn từ Việt Nam sang Trung Quốc nói riêng và xuất khẩu sắn nói chung giảm mạnh trong nửa đầu năm nay. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng sắn lát khô xuất khẩu đạt 197,36 nghìn tấn, trị giá 46,32 triệu USD, giảm tới 63,3% về lượng và giảm 61,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Sắn lát khô chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếm 65,2% tổng lượng sắt lát khô xuất khẩu của Việt Nam. |
Theo Bộ Công thương, trong tháng 7, giá cao su trên thị trường thế giới biến động theo xu hướng giảm so với cuối tháng 6. Cụ thể, ngày 30/7: Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 8 giao dịch ở mức 228 Yên/kg (tương đương 2,10 USD/kg), giảm 2,4% so với cuối tháng 6; tại Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn giao tháng 8 giao dịch ở mức 10.605 NDT/tấn (tương đương 1,64 USD/kg), giảm 6,5% so với cuối tháng 6; tại Thái Lan, giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 52,4 Baht/kg (tương đương 1,70 USD/kg), giảm 15% so với cuối tháng 6. Tháng 7, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước có xu hướng giảm theo thị trường thế giới. Ngày 30/7, tại Đăk Lăk, giá thu mua mủ cao su nước tại vườn và nhà máy đạt lần lượt 245 đồng/độ TSC và 250 đồng/độ TSC, giảm tới 25 đồng/độ TSC so với cuối tháng 6. Thông tin thị trường xe hơi Trung Quốc suy yếu là yếu tố bất lợi đối với mặt hàng cao su. Hiệp hội ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã cắt giảm dự báo doanh số bán xe trong năm 2019 do tăng trưởng kinh tế chậm lại và dự kiến doanh số bán ra sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm 2019. |