| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 08/12/2019 , 06:45 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 06:45 - 08/12/2019

Đừng làm hoen ố hình ảnh cảnh sát giao thông

Lâu nay, câu chuyện cảnh sát giao thông tham gia “bảo kê” cho các doanh nghiệp vận tải vẫn tạo tiếng bấc tiếng chì trong đời sống.

Thế nhưng, việc cấp dưới làm đơn tố cáo cấp trên “bảo kê” thì lần đầu tiên xuất hiện tại Đồng Nai.

15-39-14_biem_ho_bo_ke_xe_qu_ti
Biếm họa bảo kê xe quá tải.

Gần một tháng nay, hai sĩ quan trong biên chế cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan bảo vệ pháp luật về việc lãnh đạo đơn vị này có hành vi “bảo kê” cho xe quá tải.

Tất nhiên, những người bị nêu tên đều phủ nhận những điều bất lợi đối với mình, dù có chứng cứ là các clip ghi lại quá trình xử lý xe quá tải đều bị các cuộc điện thoại can thiệp một cách rõ ràng.

Đại tá Văn Quyết Thắng - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, xác nhận đã thành lập đoàn thanh tra các nội dung tố cáo liên quan đến vụ lãnh đạo cấp phòng, đội "bảo kê" xe quá tải.

Trước mắt, Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã họp, thống nhất thành lập đoàn thanh tra và giao một Phó Chánh thanh tra làm trưởng đoàn để làm rõ các nội dung trong đơn của 2 sĩ quan công an đang công tác ở Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08, Công an tỉnh Đồng Nai) tố giác cấp lãnh đạo ở đội và phòng "bảo kê", can thiệp, không cho xử lý xe quá tải trên quốc lộ.

Đại tá Văn Quyết Thắng nhấn mạnh: “Nếu có bằng chứng cụ thể về cán bộ, chiến sĩ sai phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của ngành".

Địa bàn tỉnh Đồng Nai không chỉ nằm trong khu vực kinh tế sôi động, mà còn giáp ranh đô thị lớn nhất phương Nam. Hầu hết dòng xe di chuyển vào TPHCM từ miền Trung và Tây Nguyên đều thuộc giới hạn quản lý của cảnh sát giao thông Đồng Nai.

Ngoài đoạn Quốc lộ 1A có chiều dài gần 100 km từ Xuân Lộc đến Biên Hoà, cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai còn giám sát Quốc lộ 20 nối Đà Lạt - TPHCM, Quốc lộ 51 nối Vũng Tàu - TPHCM và đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Diện tích rộng như vậy, rất nhiều áp lực và cũng rất nhiều cám dỗ. Có không ít thị phi xung quanh hoạt động nghiệp vụ của cảnh sát giao thông Đồng Nai, mà gần đây nhất là vụ án mua bán logo “xe vua” đã được Toà án nhân dân cấp cao tại TPHCM trả hồ sơ để điều tra lại vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Trong clip mà hai cảnh sát giao thông tố cáo cấp trên, có đoạn đối thoại giữa tài xế xe quá tải và chiến sĩ tuần tra, rất đáng kinh ngạc. Khi nhận được tín hiệu dừng xe của cảnh sát giao thông, tài xế nói luôn: “Dạ, xe gửi người nhà sếp rồi”. Chiến sĩ tuần tra hỏi: “Bằng lái đâu?”, tài xế đáp tỉnh bơ: “Dạ, bằng lái hết hạn rồi!”.

Rồi khi nhận được điện thoại từ cấp trên cho xe quá tải đi qua, chiến sĩ tuần tra truy vấn: "Xe này gửi một tháng bao nhiêu?", tài xế không ngần ngại thổ lộ: "Dạ! Chủ xe "chung" rồi nên cứ bảo đi. Có gì gọi điện về báo thôi".

Trường hợp khác, tài xế của xe quá tải từ Bảo Lộc di chuyển trên Quốc lộ 20, cũng rất tự tin tiết lộ: "Dạ, xe của sếp T. ở phòng… Đoàn xe có mười mấy chiếc đi bao nhiêu năm được "gửi" qua một người ở cây xăng T.S".

Ai đã quay clip? Liệu có sự dàn dựng với mưu tính tỉ mỉ chăng? Chưa biết được, nhưng không có lửa làm sao có khói. Các tài xế không phải diễn viên quần chúng để học thuộc lời thoại mạch lạc như vậy. Những cấp trên bị tố cáo có giọng ghi âm trong clip đã phản ứng như thế nào?

Trung tá Phạm Hải Cảng - Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát giao thông của Công an Đồng Nai, khẳng định: "Những cuộc gọi điện tôi chỉ hỏi thăm xử lý xe thế nào thôi, chứ không hề nói anh em bỏ qua. Những gì video tố cáo đưa lên mạng đều một chiều, chiến sĩ đó tự biên tự diễn. Giờ tôi không có ý kiến gì về việc này, thanh tra họ đang làm thì chờ kết luận thôi. Khi tôi gọi điện thoại, tôi nói nếu giải quyết được thì cho đi, còn không xử lý bình thường chứ em không muốn dính đến cái này. Tôi gọi cho anh em nhờ giải quyết nhưng không ngờ ghi âm lại. Tôi nghĩ tôi là nạn nhân và tôi chịu trách nhiệm mọi cái...".

Còn trung tá Phan Cẩm Tú - Đội phó Đội 1, Phòng Cảnh sát giao thông của Công an tỉnh Đồng Nai phân bua: "Tôi chẳng có sếp lớn nào cả. Trong cuộc sống, tôi cũng có những mối quan hệ, cũng có điện thoại xin nhưng chẳng nhớ ngày nào, tháng nào, xe nào. Anh em nhờ giúp mình giúp được thì giúp, không được thì thôi. Tôi cũng xin giùm thôi. Không giải quyết được thì thôi chứ...".

Khác hẳn trung tá Phạm Hải Cảng và trung tá Phan Cẩm Tú, thượng tá Đặng Thế Trung - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông của Công an tỉnh Đồng Nai lại cho rằng “chưa nghe, chưa nhận được thông tin gì” về scandal “bảo kê” xe quá tải, mà chỉ đề cập đến quy trình nghiệp vụ chỉnh chu: "Khi phát hiện xe vi phạm có dấu hiệu quá tải, cảnh sát giao thông đưa vào cân xe phát hiện quá tải thì phải lập biên bản xử lý và yêu cầu hạ tải mới cho lưu thông". 

Một góc độ đáng âu lo hơn. Theo những người tố giác, khi họ có ý kiến về việc "bảo kê" xe quá tải, ảnh hưởng đến việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông với lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông thì một vài ngày sau đã bị điều chuyển công tác khỏi đội. Một trong hai cảnh sát giao thông làm đơn tố giác cấp trên, chia sẻ: "Khi thấy việc bảo kê xe xảy ra nhiều lần, cá nhân tôi và một số cán bộ, chiến sĩ lên tiếng thì bị trù dập".

Bên cạnh tố giác biểu hiện “bảo kê” xe quá tải, một bức xúc nữa tồn tại trong lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai là sự mờ ám của tiền làm ca đêm, tiền trực lễ…

Một thiếu tá cảnh sát giao thông đề nghị cơ quan điều tra làm rõ các khoản phụ cấp mà nhiều năm qua cán bộ, chiến sĩ CSGT chỉ ký khống trên danh sách nhưng không được nhận tiền: "Cả phòng có hơn 100 cán bộ, chiến sĩ thì tiền chi trả gần 5 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên rất nhiều chiến sĩ tuần tra ở các quốc lộ cho hay chỉ ký khống mà không được nhận tiền. Sau khi tôi tố giác thì họ mời tôi lên đề nghị chi trả tiền".

Đối với cánh tài xế xe tải và xe khách, thì cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai rất đáng kiêng dè. Bởi lẽ, công an tỉnh Đồng Nai là một ví dụ hiếm hoi từng có Giám đốc xuất thân từ cảnh sát giao thông, đó là ông Huỳnh Tiến Mạnh. Sau khi để xảy ra nhiều lùm xùm, ông Huỳnh Tiến Mạnh đã bị kỷ luật về mặt Đảng và cách chức.

Và khi mọi chuyện sáng tỏ, thì công chúng phát hiện thêm nhiều sai phạm trong giai đoạn ông Huỳnh Tiến Mạnh làm Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai. Cái ghế Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai từ ngày ông Huỳnh Tiến Mạnh rời khỏi 2 tháng, ngày 27/11 mới được thay thế bằng đại tá Vũ Hồng Văn (nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk), nhưng những điều không hay về cảnh sát giao thông Đồng Nai thì tiếp tục phơi bày.

Trong đội ngũ công an nhân dân, cảnh sát giao thông là những người thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng nhất. Vì vậy, đừng để hoen ố hình ảnh cảnh sát giao thông trong mắt quần chúng. Đà Nẵng từng đề xuất chi trả thêm lương cho cảnh sát giao thông để ngăn ngừa tiêu cực.

Tuy nhiên, nếu củng cố vai trò cảnh sát giao thông chỉ bằng thu nhập thì e rằng hơi khiếm nhã. Trên mũ của cảnh sát giao thông khi thi hành công vụ, mọi người luôn thấy lấp lánh quốc huy. Cảnh sát giao thông manh tâm “bảo kê” cho xe quá tải, thì không những dung túng cho “hung thần” trên xa lộ, mà còn tiếp tay cho những kẻ phá hoại làm hư hại chất lượng đường sá, mất mát tài sản Nhà nước.