| Hotline: 0983.970.780

Đừng phá hỏng thương hiệu lúa gạo Việt Nam vì lòng tham

Thứ Tư 20/11/2019 , 08:52 (GMT+7)

Từ khi giống lúa ST24 và/hoặc ST25 của nhóm tác giả Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, được bình chọn là giống lúa ngon nhất thế giới năm 2019 tại Philippines, chỉ trong vài ngày đã có nhiều cá nhân rao bán lúa giống, gạo ST24...

11-20-00_img_20191118_111649

Có điều, họ lại ghi lên nhãn mác bao bì cả địa chỉ, số điện thoại liên lạc... không phải là nhãn lúa giống, gạo ST24 của tác giả.

Từ những hiện tượng nêu trên, chúng tôi nghĩ cần phải nêu vài lưu ý dưới đây để góp phần giữ cho giống lúa này xứng đáng ngôi vị số một được lâu bền. Bởi nếu chúng ta không nói thẳng ra, cứ úp mở, dĩ hòa vi quý thì rất có thể ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu không chỉ của riêng giống lúa ST24 mà còn hạ thấp uy tín của hạt gạo Việt Nam trên thị trường gạo thế giới.

Trước hết, giống lúa ST24 đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệpvà Phát triển nông thôn) cấp bằng bảo hộ giống cây trồng số 28.VN.2018 ngày 2/4/2018 và nhãn mác bao bì lúa giống, gạo ST24 cũng đã đăng ký với Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng.

Theo pháp luật Việt Nam nếu vi phạm về sản xuất, mua bán giống lúa đã được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mà không có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả hoặc cơ quan tác giả thì hành vi này sẽ bị phạt rất nặng về tài chính cũng như phạt bổ sung nếu tái phạm.

Thứ hai, nếu doanh nghiệp hoặc cá nhân đã được tác giả nhượng quyền thì vì tính minh bạch và có lợi cho cả hai phía cần thể hiện rõ trên bao bì khi kinh doanh lúa giống hoặc sản phẩm gạo ST, như vậy người tiêu dùng sẽ dễ nhận biết và chúng ta sẽ luôn có một loại gạo ST từ các cấp giống được kiểm soát sẽ giữ đúng phẩm chất và chất lượng gạo sẽ ổn định, yếu tố này rất cần thiết khi xây dựng thương hiệu gạo.

11-20-00_20191118_203511
Một doanh nghiệp kinh doanh lúa giống ST24 tại An Giang mà không được sự nhượng quyền của tác giả.

Thứ ba, chúng ta hay than phiền rằng gạo Việt Nam chưa có thương hiệu, nhưng khi vừa có được giải thưởng cao nhất, chuẩn bị cho việc xây dựng thương hiệu gạo ST thì bắt đầu có hiện tượng sử dụng giống không đúng của tác giả, không đúng phẩm cấp (nguyên chủng hay xác nhận), vi phạm bản quyền (quyền sở hữu trí tuệ),  canh tác không đúng quy trình, nói vượt quá những tiêu chí sản xuất có thật như hữu cơ, gạo sạch ... hoặc đưa ra khái niệm trừu tượng như canh tác theo quy trình bền vững.

Những điều trên cho thấy, đã không có sự tôn trọng với công sức hơn 20 năm (có thể dài hơn) của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua và nhóm tác giả. Cũng phải nói thêm có khi trong khoảng 20 hoặc 30 năm nữa chúng ta cũng chưa chắc có thêm một giống lúa nào ngon hơn và được xếp hạng nhất trên thế giới như vậy.

Ngoài ra khi thực hiện hành vi trên là cách giúp cho các quốc gia cạnh tranh gạo với Việt Nam có cơ hội loại bỏ việc thương lượng mua, bán gạo ST24/25 vì sẽ không đúng chất lượng như gạo đưa đi dự thi và như vậy là tự làm mất đi cơ hội của rất nhiều nông dân khác đã sản xuất đúng giống lúa này.

Sự thiệt thòi của những người đã cùng chịu đựng một thời gian dài khi chưa bán được gạo ST với đúng giá trị của nó, như vậy là không công bằng, chỉ vì lợi dụng thương hiệu giống của người khác, mang lại lợi nhuận cho riêng mình mà phủ nhận công sức của nhiều người, nhiều năm và gián tiếp làm cho gạo Việt Nam tiếp tục khó xây dựng thương hiệu.

Muốn xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam hoặc thương hiệu của doanh nghiệp tiêu thụ gạo trong nước, chúng tôi kêu gọi cùng góp sức kinh doanh lúa giống, gạo ST theo pháp luật, đúng bản quyền (được nhượng quyền), đúng phẩm cấp giống, đúng với vùng sản xuất thích nghi, đúng mùa vụ gieo trồng, đúng quy trình bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật, sấy đúng kỹ thuật, xay chà đúng thiết bị, bảo quản đúng chất liệu và đúng thời gian, giữ đúng ẩm độ khi bảo quản, tỉ lệ gạo nguyên đúng như công bố.

11-20-00_20191118_203431
Một doanh nghiệp lập lờ với bao bì giống lúa ST24 tại Cần Thơ.

Đặc biệt, không pha trộn với các loại gạo khác, vì khi pha trộn với các loại gạo khác thì dù tỉ lệ pha chỉ 5% thôi cũng đã cho ra sản phẩm ST không đúng với giống, người ăn trong nước có thể khó phân biệt nhưng xuất khẩu không thể "lừa" doanh nghiệp nước ngoài được vì chất lượng gạo ST đã được họ phân tích rất kỹ về nhiều thông số.

Rất mong mọi người cùng góp sức, hãy cùng nhau bảo vệ thương hiệu lúa gạo Việt Nam, đừng góp phần hạ thấp chất lượng và làm mất thương hiệu như đã làm đối với các giống lúa một thời nổi tiếng trước đây, như Jasmine 85, RVT, Nàng hoa 9, VD20 và gần đây là OM5451 đã bị chính chúng ta làm mất chất lượng, mất thị trường.

(Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.