| Hotline: 0983.970.780

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng:

Đừng vì tình làng nghĩa xóm mà bao che cho tiêu cực

Thứ Tư 20/05/2020 , 10:31 (GMT+7)

Nhằm ngăn chặn phát sinh điểm “nóng” khiếu nại, khiếu kiện trong chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức giám sát chặt chẽ từ khâu lập danh sách.

Để đảm bảo chi trả đúng đối tượng cho nhóm hộ kinh doanh, lao động mất việc làm..., các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh tăng cường giám sát từ khâu lập danh sách. Ảnh: Thanh Nga.

Để đảm bảo chi trả đúng đối tượng cho nhóm hộ kinh doanh, lao động mất việc làm..., các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh tăng cường giám sát từ khâu lập danh sách. Ảnh: Thanh Nga.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, đến thời điểm này, 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành chi trả cho 143.980/173.428 đối tượng thuộc nhóm đối tượng chính sách được hỗ trợ theo Nghị quyết của Chính phủ, với tổng số tiền hơn 168 tỷ đồng. Nhiều địa phương như: huyện Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Khê, Kỳ Anh, Vũ Quang, Hương Sơn, thị xã Kỳ Anh…cơ bản chi trả xong cho các đối tượng, số còn lại hầu hết đang đi vắng khỏi địa phương nên chưa chi trả được.

Theo tìm hiểu của NNVN, nhóm đối tượng chính sách (hộ nghèo, cận nghèo, người có công, bảo trợ xã hội) là nhóm có danh sách quản lý của ngành LĐ-TB&XH, dễ chi trả nhất nên việc lựa chọn nhóm này tiến hành chi trả đầu tiên là để rút kinh nghiệm chi trả cho các nhóm đối tượng sau.

Hiện, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đang gấp rút, rà soát, lập danh sách nhóm đối tượng hộ kinh doanh; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm… để sớm niêm yết, chi trả hỗ trợ kịp thời.

Tuy nhiên, với nhóm này, “nút thắt” nguy hiểm nhất chính là việc lập danh sách từ thôn, tổ dân phố lên. Nó tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm.

Theo thống kê của thị xã Kỳ Anh, đến nay địa phương đã rà soát, thẩm định, chi trả cho nhóm đối tượng chính sách với tổng số 9.060 người; tổng kinh phí hơn 9,9 tỷ đồng.

Để ngăn chặn phát sinh điểm “nóng” khiếu nại, khiếu kiện, 2 đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh và các tổ chức đoàn thể đã chia ra thành các nhánh nhỏ, lần lượt về các địa phương, đến tận hộ gia đình để giám sát việc lập danh sách.

Ông Hoàng Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng đoàn giám sát số 1 cho rằng, công tác giám sát của MTTQ các cấp phải quyết liệt, thận trọng với mục tiêu đảm bảo 3 yếu tố: Không mất ngân sách, không mất cán bộ và nâng cao uy tín, lòng tin của nhân dân đối với của Đảng, Nhà nước.

“Danh sách phê duyệt phải niêm yết công khai ngay cả khi đã chi trả xong cũng tiếp tục niêm yết để người dân giám sát. Do việc chi trả cho 4 nhóm đối tượng còn lại đều lập từ cơ sở lên nên cán bộ mặt trận phải giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng nể nang, tình làng nghĩa xóm và bao che cho sai phạm”, Đức nhấn mạnh. Đồng thời yêu cầu, khâu tuyên truyền cũng cần bám sát cơ sở, tuyên truyền cụ thể nhưng đơn giản, dễ hiểu để người dân nắm bắt và biết được là mình có nằm trong đối tượng hỗ trợ hay không.

Mục đích cuối cùng là để dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra từng khâu, từng đối tượng thụ hưởng chính sách. Có như thế việc chi trả gói 62.000 tỷ đồng mới khách quan, minh bạch, dân chủ.

Đến tận hộ gia đình để thẩm định, đánh giá. Ảnh: Thanh Nga.

Đến tận hộ gia đình để thẩm định, đánh giá. Ảnh: Thanh Nga.

Chia sẻ về khó khăn trong việc chi trả giai đoạn 2, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42, ông Đặng Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh nói: “Hiện nay không ít lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng ở địa bàn khác nên khó xác định đối tượng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có lao động làm việc nhưng không có hợp đồng lao động gây khó khăn cho việc điều tra, rà soát của cơ quan chức năng”.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều nhóm lao động khác nhau làm nghề tự do bị giảm sâu về thu nhập nhưng chưa được xem xét giải quyết chính sách hỗ trợ, điều này dễ phát sinh thắc mắc, khiếu nại trong nhân dân.

Đặc biệt, Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ không quy định cụ thể việc người lao động bị mất việc làm từ bao nhiêu ngày trở lên thì mới đủ điều kiện hỗ trợ. Đây là nội dung rất khó để xác định đối tượng thụ hưởng chinh sách. Hệ thống biểu mẫu, hồ sơ chưa đồng bộ, thiếu sự thống nhất, gây khó khăn cho quá trình rà soát, thẩm định, tổ chức chi trả, quản lý kinh phí, báo cáo tình hình thực hiện cho cấp trên...

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.