Nông dân tập trung đòi nợ, công nhân đòi lương BISUCO niên vụ 2015-2016
Trước sự thể trên, cây mía ở Bình Định đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ trên địa bàn tỉnh này vì sự quay lưng của nông dân.
Tuy nhiên, không đến nỗi như vậy, bởi Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai), đã có ý định đầu tư và bao tiêu sản phẩm mía nguyên liệu tại Bình Định.
Thống kê sơ bộ của Sở NN-PTNT Bình Định cho thấy, hiện diện tích mía còn chưa đến 1.700 ha, giảm gần 1.000 ha so với vài năm trước đây. Nguyên nhân do những năm gần đây BISUCO thường xuyên nợ tiền mua mía nên nông dân tỉnh này chọn cây trồng khác thay cho cây mía có đầu ra ổn định hơn.
Thêm vào đó, những ngày gần đây, thông tin BISUCO sẽ ngưng hoạt động do vỡ nợ khiến nông dân càng hoang mang. Anh Nguyễn Văn Đức (47 tuổi) ở thôn Hòa Mỹ, xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn), người từng ăn nên làm ra nhờ hơn 10 ha mía, cũng là người đã từng gắn bó với BISUCO suốt nhiều năm qua cũng đang ăn không ngon ngủ không yên.
“Tôi là 1 trong những người đầu tiên ở Bình Định chọn cây mía để đầu tư thâm canh làm ăn lâu dài. Bây giờ nghe thông tin BISUCO sẽ ngưng hoạt động vì vỡ nợ, tôi như đang ngồi trên chảo lửa.
Trước đây BISUCO nợ tiền mía, trả chậm, tôi còn có thể chấp nhận mà gắn bó với cây mía. Nhưng nếu sắp tới đây BISUCO ngưng hoạt động thì tôi chẳng biết phải như thế nào, chắc là chuyển sang trồng mì, trồng bắp thôi!”, anh Đức bày tỏ nỗi lòng.
Đó không chỉ là nỗi hoang mang riêng của anh Đức, mà là tâm trạng chung của những chủ nhân của gần 1.700 ha mía đang đứng trên đất Bình Định.
Đang hoang mang tột độ thì người trồng mía ở Bình Định nhận được thông tin tựa như “ánh sáng cuối đường hầm”: Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai) sẽ đầu tư và thu mua mía nguyên liệu tại Bình Định trong thời gian tới.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết đường An Khê vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh và Sở NN-PTNT Bình Định xin chủ trương đầu tư mua mía trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Người trồng mía ở Bình Định đang hoang mang không biết còn gắn bó được với cây trồng này không
Ông Nguyễn Văn Hòe, Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, cho hay: Trong những năm qua, đường An Khê đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để trang thiết bị cơ giới hiện đại, nhằm áp dụng và chuyển giao KHKT tiên tiến vào SX mía. Kết quả đã mang lại bức tranh tươi sáng cho những người trồng mía thuộc 4 huyện, thị miền đông Gia Lai.
Trước đây, với phương thức SX thủ công, năng suất mía đạt chừng 50 tấn/ha, nay đã tăng đến 70 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 30 triệu đồng/ha. Đặc biệt, những diện tích mía trên cánh đồng lớn có năng suất bình quân 120 tấn/ha, lợi nhuận 50 triệu đồng/ha.
Hiện nay, Nhà máy Đường An Khê có trên 200 máy cày cơ giới, 10 máy thu hoạch mía liên hợp, hàng trăm thiết bị cơ giới kèm theo và Trung tâm Nghiên cứu - ứng dụng giống mía Gia Lai sẵn sàng đáp ứng cơ giới hóa vùng nguyên liệu và chuyển giao công nghệ cho người trồng mía.
“Công suất ép của Nhà máy Đường An Khê hiện là 18.000 tấn mía/ngày trong vụ ép 2016-2017, và sẽ tăng đến 25.000 tấn mía/ngày vào những năm tiếp theo.
Để cung cấp đủ nguyên liệu cho công suất ép của nhà máy trong thời gian tới, đồng thời đáp ứng đầu ra cho cây mía của tỉnh Bình Định, chúng tôi có nguyện vọng được đầu tư và mua mía trên địa bàn Bình Định”, ông Hòe bày tỏ.
“Nhà máy Đường An Khê cam kết đầu tư vốn, vật tư phân bón, áp dụng và chuyển giao tiến bộ KHKT cơ giới hóa tiên tiến nhất vào SX mía cho người trồng mía tại Bình Định, bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra, đảm bảo lợi nhuận cao nhất so với các loại cây trồng khác”, ông Nguyễn Văn Hòe, Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cam kết. |