Đường cao tốc có vai trò quyết định đối với việc tăng trưởng kinh tế xã hội của từng địa phương và của cả quốc gia. Đường cao tốc phía Nam nhiều năm qua khiến dư luận ngao ngán vì sự chậm chạp triển khai. Trong đó, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được xem là một điểm nghẽn rất oái oăm.
Nhìn nhận một cách thẳng thắn, hiện nay hệ thống đường cao tốc phía Nam vẫn rất khiêm tốn và thiếu đồng bộ. Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thông xe năm 2009, tiếp theo đường cao tốc TP.HCM - Dầu Giây thông xe năm 2015. Và từ đó đến nay, sự kết nối giữa miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ vẫn là một niềm mong đợi mệt mỏi.
Nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung từ đồng bằng sông Cửu Long muốn đưa đến miền Trung, miền Bắc hoặc Tây Nguyên thì lũ lượt xe cộ vận tải phải nhọc nhằn đi qua đô thị TP.HCM chật chội thường xuyên tắc nghẽn.
Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là một nhu cầu cấp bách, được sự quan tâm của nhiều giới, nhiều ngành. Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8km, khởi công từ tháng 7/2014 nhưng đến đầu năm 2019 thì tạm ngưng. Vì sao dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã thi công được 80% khối lượng mà vẫn không thể hoàn thành suốt 4 năm qua? Lý do đưa ra là do gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật, nên không được bố trí vốn để tiếp tục thực hiện đối với các gói thầu sử dụng vốn vay và vốn đối ứng.
Việc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành phải nằm phơi nắng phơi sương, đã gây ra nhiều hệ lụy. Một số nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng và khởi kiện Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ra Trung tâm Trọng tài quốc tế để yêu cầu đền bù chi phí phát sinh. Đồng thời, tháng 6/2023, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng có văn bản bày tỏ quan ngại với Bộ Giao thông vận tải.
Vì vậy, Thủ tướng ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, góp phần tháo gỡ vướng mắc cho các bên liên quan. Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thanh được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để đưa vào sử dụng vào tháng 9/2025.
Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ rút ngắn khoảng cách giữa miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ trong tương lai. Hiện nay, nguồn vốn cho dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được giải quyết, thì nhất định phải có cơ chế giám sát thật chặt chẽ và thật hiệu quả. Phải giám sát từ khâu đấu thầu đến khâu thi công, thì may ra đường cao tốc mới không có nguy cơ thành đường... thấp tốc. Bởi lẽ, đường cao tốc thi công ì ạch đã đáng lo ngại, mà đường cao tốc thi công kém chất lượng càng đáng lo ngại hơn.