Hình minh họa. |
Ngày Tết là dịp để người nọ quan tâm đến người kia, giúp cộng đồng gần gũi và gắn kết. Thăm hỏi và tặng quà trong ngày Tết đã trở thành một phong tục nhắc nhở xã hội về sự nhân ái và lòng tri ân.
Tuy nhiên, khi phong tục bị lạm dụng để biến tướng thành cơ hội đút lót hoặc mua chuộc những người có quyền lực, thì lại là tệ nạn vô cùng nguy hiểm. Ngoài các Chỉ thị của Đảng và Chính phủ, ngành Thanh tra cũng thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin tố cáo về chuyện tặng quà Tết cho các cấp lãnh đạo.
Nhiều năm rồi, không có trường hợp nào bị xử lý. Vì người tặng quà không nói ra, và người nhận quà cũng không nói ra. Còn người tình cờ chứng kiến được, có thể nói ra không? Chắc chắn không, vì bằng chứng rất mong manh. Làm sao dám chắc trong túi quà ấy có gì mà tố cáo?
Làm sao dám khẳng định túi quà ấy nhằm mục đích đen tối hay khuất tất? Làm sao chứng minh quan hệ cho và nhận không phải tình cảm yêu mến và trong sáng? Chỉ cần những câu hỏi ấy thì đường dây nóng tố cáo tệ nạn tặng quà Tết đã nhanh chóng bị… nguội. Cứ thế, ai cần tặng cứ tặng thoải mái, ai muốn nhận cứ nhận vô tư.
Bởi lẽ ấy, cấm cấp dưới tặng quà Tết cho cấp trên là một vấn đề cực kỳ nan giải. Vì nâng cao ý thức minh bạch của đội ngũ cán bộ, thì chỉ thị vẫn phải được khuếch trương rộng rãi, nhưng mấy ai tiêu liệu được kết quả khả quan.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Quý Đức nhiều năm công tác ở Viện Khoa học Xã hội, cho rằng: “Chúng ta đều đưa ra Chỉ thị như vậy nhưng việc thực hiện như thế nào, kiểm tra, đôn đốc như thế nào mới là quan trọng.
Để những Chỉ thị có hiệu quả thì phải giải quyết một cách triệt để, rốt ráo những vấn đề như: Làm thế nào để xóa bỏ cơ chế xin - cho, những cơ chế cản trở chúng ta, hay như mối quan hệ 5 "ệ" (tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ, trí tuệ). Khi nào những yếu tố đó chi phối đời sống thì khi đó chúng ta chưa thể làm được.
Cho nên làm sao cho công tác cán bộ, vấn đề kinh tế minh bạch, rõ ràng và kiểm soát được thu nhập của cán bộ. Thứ hai là phải nâng cao lòng tự trọng, sự liêm sỉ của người lãnh đạo, của người đi đút lót. Khi ý thức đó được nâng lên thì mới giải quyết được vấn đề.
Trong đó, vai trò nêu gương của người đứng đầu đóng vai trò quan trọng. Lãnh đạo nêu gương trên 2 phương diện vừa là cấp trên - người nhận quà, vừa là cấp dưới của một lãnh đạo khác”.
Có cấp trên nào không thích nhận quà Tết không? Có đấy, thậm chí rất nhiều. Thế nhưng, không mấy vị lãnh đạo nỡ từ chối sự thành tâm của cấp dưới. Họ đến tận nhà, họ vào tận cửa, họ dâng tận tay, mà mình quay mặt đi lạnh lùng thì tàn nhẫn quá, bạc bẽo quá.
Thôi thì gật đầu nhận lấy cho người ta vui, mỗi năm chỉ có mấy ngày Tết, căng thẳng với nhau làm gì, dò xét với nhau làm gì. Phải hiểu cho cấp trên như vậy, mới thấu tình đạt lý.
Thậm chí, có lãnh đạo tuyên bố hùng hồn trước cơ quan về quan điểm không cho phép nhân viên đến chúc tết và tặng quà. Lãnh đạo nói và làm song hành, lãnh đạo đã quyết thì đố người nào dám cãi.
Trớ trêu thay, tranh thủ lúc lãnh đạo đi vắng, nhân viên đã mang quà đến nhà, mà khi lãnh đạp phát hiện được thì vợ đã nhận thay, con đã nhận dùm. Nhận quà Tết mà đem trả lại ư, khác gì hắt nước lạnh vào mặt người khác trong ngày xuân tươi thắm. Lãnh đạo đành ngao ngán giữ lại chút quà còm, xem như một gánh nặng ngàn cân “của biếu là của lo, của cho là của nợ”.
Sẽ là suy đoán chủ quan và khiếm nhã, nếu có ý nghĩ lãnh đạo chờ dịp Tết để nhận quà của nhân viên. Chút quà vặt có giá trị gì đâu, nhân viên cũng chạy ăn từng bữa, vui sướng gì mà nhận quà của họ.
Vậy mà, nhân viên đã khệ nệ chở quà đến tặng, thì sếp biết làm sao? Có không ít vị lãnh đạo đối phó bằng cách chuẩn bị sẵn quà trả lễ. Túi nhỏ, túi to xếp sẵn một góc, tay này nhận quà của nhân viên thì tay kia tặng lại quà cho nhân viên. Đấy là đạo đức của một lãnh đạo tử tế.
Không dễ gặp, nhưng không phải hiếm. Vì sao, vì không muốn mang tai tiếng, mà cũng không muốn tốn kém cho nhân viên. Đành chọn giải pháp, nhận chục quả quýt thì tặng lại chục quả cam, nhận chục quả cam thì tặng lại chục quả bưởi. Ai cũng vui, mà ai cũng thấy bản thân đã được cho, đã được nhận theo đúng phong tục Tết Việt.
Giới cán bộ vẫn truyền tụng câu chuyện của một vị lãnh đạo ở miền Trung. Năm đầu tiên ông nhậm chức, quà lớn quà bé nối đuôi nhau vào nhà. Ông không khước từ, và ông cũng không hả hê. Ông lịch sử cảm ơn và ông cho thân nhân ghi chép rất cẩn thận.
Hình minh họa. |
Sau Tết, ông chở đống quà đến văn phòng và đưa cho nhân viên kiểm đếm lại theo danh sách. Ngày 26 tháng Chạp nhận bao nhiêu phong bì, tổng cộng bao nhiêu tiền. Ngày 27 tháng Chạp nhận mấy chai rượu. Ngày 28 tháng Chạp nhận số lượng hải sản mấy chục kg. Ngày 29 tháng Chạp nhận cái điện thoại nhãn hiệu…
Ông nhấn mạnh: “Còn mấy cái bánh chưng và giò chả nữa. Nếu để qua Tết thì hư hỏng hết, nên tôi đã phát cho những người nghèo trong xóm”. Với số quà Tết công khai, ông đề nghị bán lại để tặng cho quỹ xóa đói giảm nghèo của tỉnh nhà. Cách ứng xử đó rất được nhiều người hoan nghênh và cũng không ít người… giật mình.
Phong tục tặng quà Tết, từ một cái “lệ” biến thành một cái “tệ” là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, để chấm dứt cái “lệ” lẫn cái “tệ” đòi hỏi sự thay đổi tư duy không chỉ của vài cá nhân. Cấm tặng quà Tết cho cấp trên, liệu ngăn chặn được vấn nạn hối lộ chăng? Chưa hẳn, cả năm thiếu gì dịp để người ta biếu xén cho lãnh đạo, nếu họ có tà tâm hoặc có mưu tính.
Quà Tết chỉ được hình thức công khai, chứ làm sao “nặng đô” bằng lợi ích được hối lộ qua từng dự án. Lãnh đạo muốn nhận hối lộ thì cũng chẳng cần đến dịp Tết mới tha hồ mở gói hàng đếm phong bì. Quà Tết năm ba triệu đồng chỉ là con muỗi, so với hành động mua xe cho sếp hoặc xây nhà cho sếp. Vì vậy, cấm cấp dưới tặng quà cho cấp trên không thể quan trọng bằng cấp cấm trên nhận quà của cấp dưới.
Đồng thời, cũng cần quy định, quà tặng trị giá bao nhiêu là tình cảm mến thương, còn quà tặng trị giá bao nhiêu là tranh thủ đút lót. Nếu chỉ dừng ở mức “chút quà quê” hoặc “của nhà trồng được” mà hoạnh họe nhau về sự mờ ám thì quan hệ giữa con người với con người trở nên khô cứng quá.
Tặng quà dịp Tết vẫn là một nét đẹp, nếu không chen vào những lợi ích quanh co. Nếu những ai không có ràng buộc cơm áo với nhau, mà tặng quà cho nhau thì còn gì thú vị hơn. Tuy nhiên, giữa cấp trên và cấp dưới thì lại vô cùng nhạy cảm. Cấp dưới thờ ơ với cấp trên, không phải dấu hiệu tốt. Còn cấp trên vòi vĩnh cấp dưới, lại càng đáng chê trách. Quà tặng dịp Tết sẽ phát huy được ý nghĩa nhân văn, nếu đó là sự trân trọng thực sự, sự cám ơn thực sự.
Câu hỏi đặt ra: Chúng ta cấm cấp dưới tặng quà cấp trên, sao không khuyến khích cấp trên tặng quà cấp dưới. Hãy nhớ, tâm lý chung của người lao động bao đời nay là trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng. Cấp trên thu nhập cao hơn, nếu cấp trên tặng quà Tết cho cấp dưới, vì đã giúp mình hoàn thành nhiệm vụ, thì văn hóa công sở sẽ hiển lộ đầy đủ ánh sáng văn minh.