| Hotline: 0983.970.780

Đường lên Hữu Kiệm

Thứ Ba 24/08/2021 , 09:52 (GMT+7)

Vận động bền bỉ đã dần làm thay đổi được nhận thức, nhà nào có tiền góp tiền, không có tiền thì góp ngày công, vật liệu, hiến đất, tạo nên kỳ tích nơi đây.

Một góc xã Hữu Kiệm.

Một góc xã Hữu Kiệm.

Là xã đặc biệt khó khăn đầu tiên của huyện rẻo cao biên giới thuộc diện 30a đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), Hữu Kiệm còn giúp Kỳ Sơn, huyện miền núi cuối cùng xóa trắng xã đạt chuẩn NTM như một kỳ tích nơi địa đầu rẻo cao biên giới của tỉnh Nghệ An.

Bứt phá trong nghèo khó

Ngôi nhà của chị Vi Thị My, 28 tuổi, ở bản Na Chảo, trên lưng chừng núi nhưng đường đã rải bê tông, xe máy leo vào tận cửa. Chị My xởi lởi chia sẻ: "Trước đây, gia đình tui thuộc diện hộ nghèo, được Phòng Tài chính huyện hỗ trợ 15 triệu đồng, gia đình đã góp thêm ba triệu đồng mua con bò giống kèm theo con me (bò con). Cán bộ Phòng Tài chính thường xuyên xuống kiểm tra hướng dẫn cách trồng cỏ voi nuôi bò. Cùng với đó cán bộ huyện còn hướng dẫn gia đình nuôi gà, trồng rau theo đúng kỹ thuật... Nay gia đình đã có thêm đàn bò ba con và đàn gà hàng chục con, mừng lắm!".

Chị My còn được tranh thủ học dệt thổ cẩm tăng thêm thu nhập khoảng 1,5 đến 2 triệu/tháng. Chồng My được hướng dẫn học nghề thợ nề, nhờ vậy gia đình đã thoát nghèo và có kinh phí nâng cấp lại ngôi nhà khang trang.

Ông Kha Văn Thái, Bí thư Chi bộ bản Na Chảo cho biết, Na Chảo có 96 hộ, chủ yếu hai dân tộc Thái, Mông chung sống. Nhờ được hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò, gà, lợn..., gia đình chị My cùng hàng chục hộ nghèo và cận nghèo Na Chảo đã cơ bản thoát nghèo.

Ba năm gần đây, toàn bản phát triển được đàn trâu bò hơn 370 con, nhiều gia đình như Lương Văn Tiếp, Lô Văn Tình, Vi Văn Đông… đã gây dựng mỗi hộ có đàn bò 7 đến 8 con. Năm gia đình đã phát triển trang trại kết hợp chăn nuôi cho thu nhập 40 - 60 triệu đồng/năm. Nghề dệt thổ cẩm ở Na Chảo đã được khôi phục với 30hội viên tham gia, cho thu nhập khoảng 1,5 đến 2,5 triệu đồng/hộ/tháng. Nhờ lồng ghép với Chương trình 67/CP, Na Chảo đã xóa hết nhà tạm.

Năm 2011, qua rà soát, hầu hết chỉ tiêu NTM ở xã Hữu Kiệm đều mức thấp. Đảng ủy Hữu Kiệm đã chọn đột phá, tập trung phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, những chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật như điện, đường, trường, trạm… có thể lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ của trung ương, tỉnh nhưng riêng nâng cao thu nhập cho bà con là vấn đề khó, có tính lâu dài. Nếu giải được “bài toán” nâng cao thu nhập cho người dân cũng đồng nghĩa với giải quyết được việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo cũng như xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại. Đây là những tiêu chí cực kỳ khó, nhưng vô cùng quan trọng trong xây dựng NTM.

Với thế mạnh của địa phương, Hữu Kiệm chọn giải pháp phát triển chăn nuôi gia súc dưới tán rừng và trồng rau sạch phục vụ thị trường tiêu dùng. Thông qua hỗ trợ sản xuất từ các chương trình của Chính phủ (chương trình 135, 30a, xây dựng NTM) các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận, hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò theo cách “cầm tay chỉ việc”..., Hữu Kiệm còn được tiếp sức bằng Chỉ thị 17 của Huyện ủy Kỳ Sơn “Mỗi Đảng viên giúp đỡ một hộ nghèo”, và “các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện giúp đỡ hộ nghèo”.

Từ chủ trương này, riêng năm 2019, thông qua các khoản đóng góp tự nguyện của cán bộ, công viên chức các cơ quan trên địa bàn đã mua được 37 con bò giống cho các hộ nghèo ở Hữu Kiệm. Ngoài việc góp tiền mua giống bò, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe còn vận động các cá nhân, doanh nghiệp ở ngoài địa bàn hỗ trợ cho bà con được 10 con bò giống. Một số đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An, TP Vinh cũng ủng hộ tiền mua bò hỗ trợ Hữu Kiệm...

Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo mua bò giống.

Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo mua bò giống.

10 năm qua, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ các hộ dân ở các bản Huồi Thợ, Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2; Na Lượng 2, Hòm… vay vốn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi hộ gia đình, và mô hình kinh tế gia trại theo hướng hàng hóa cùng nghề đan lát, dệt thổ cẩm, sản xuất rượu cần...

Đến nay, Hữu Kiệm đã phát triển đàn gia súc lên hơn 2.000 con cùng hàng nghìn con gia cầm. Không ít lao động được đào tạo nghề, làm việc ở các doanh nghiệp ngoại tỉnh và xuất khẩu lao động… Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người ở Hữu Kiệm đã tăng lên đáng kể. Nếu năm 2010, thu nhập bình quân đầu người mới đạt hơn tám triệu đồng/năm thì đến tháng 3/2020 đã đạt 36,2 triệu đồng/năm.

Về đích

Như chị Vi Thị My bản Na Chảo đã chia sẻ: "Chính sự nhiệt tình, kiên trì, hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ, huyện đã dần tạo cho bà con chúng tôi nếp làm ăn mới, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại".

Nói đến sự phát triển của Hữu Kiệm hôm nay phải kể đến thành công mô hình hợp tác xã trồng rau Khe Nhinh, bản Na Lượng 1 với sự tham gia của 14 gia đình cho thu nhập gấp 4 - 5 lần trồng lúa. Bên cạnh đó, nhiều hộ ở bản Khe Tỳ đã biết cải tạo vườn tạp sang trồng cây thanh long, dưa hấu… cho thu nhập cao.

Một góc bản Na Chảo thuộc xã Hữu Kiệm.

Một góc bản Na Chảo thuộc xã Hữu Kiệm.

Điều khó khăn nhất với cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị ở Hữu Kiệm là xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chuyển sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Để làm việc này, ngoài việc hỗ trợ xây dựng mô hình từ các chương trình, dự án của tỉnh và trung ương, từng cán bộ, đảng viên được phân công kèm, hỗ trợ các hộ nghèo đã phải thường xuyên xuống địa bàn, cầm tay chỉ việc, kiên trì hướng dẫn để bà con dần thạo việc làm ăn, từ cách chăm con gà, cây rau đến nuôi bò...

Ông Nguyễn Hữu Lương, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho biết, để xây dựng NTM thành công, trước hết huyện, xã phải dày công tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiểu về xây dựng NTM sau đó mới truyên truyền cho người dân. Ban Chỉ đạo huyện thường xuyên xuống xã làm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương trong suốt quá trình thực hiện Chương trình NTM. Đảng ủy, chính quyền và các cấp hội, đoàn thể luôn sâu sát, phối hợp chặt chẽ với ban chỉ đạo các bản, kiên trì tuyên truyền, động viên nhân dân, để mọi người thấu hiểu, mình là chủ thể xây dựng NTM nhằm tạo sự đồng thuận; cùng với đó, người dân đã cởi bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, có quyết tâm phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập…

Xã Hữu Kiệm, một trong 20 xã đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn, hơn 1.000 hộ, hơn 4.890 nhân khẩu, 88,7% đồng bào các dân tộc thiểu số gồm Thái, Khơ Mú, Mông và Kinh. Xuất phát điểm thấp, khi bắt tay vào xây dựng NTM (năm 2011), xã chỉ đạt 1/19 tiêu chí, đó là tiêu chí quy hoạch; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo lên đến 72,8%. Sau 10 năm tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,1%.

Hữu Kiệm có 9 bản, trong đó có nhiều bản 100% là người dân tộc thiểu số nên việc huy động nguồn lực gặp rất nhiều khó khăn. Chính quá trình vận động xây dựng NTM một cách bền bỉ đã dần làm thay đổi được nhận thức và nếp nghĩ của người dân đối với cộng đồng. Nhà nào có tiền thì góp tiền, không có tiền thì góp ngày công, góp vật liệu, hiến đất. Chỉ tính riêng 8km đường liên bản (từ bản Bà đi bản Định Sơn 1, Định Sơn 2) rộng 3m, người dân đã góp hàng nghìn ngày công, hàng trăm m3 cát, sỏi và tự giải phóng mặt bằng… Đây chính là những kỳ tích mà Hữu Kiệm đã đạt được thời gian qua.

Để về đích NTM, Hữu Kiệm đã nhận được sự ưu tiên hỗ trợ rất lớn từ tỉnh, đến huyện; đặc biệt việc lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Chương trình 135, Chương trình 30a của Chính phủ. 10 năm qua, thực hiện xây dựng NTM, xã Hữu Kiệm huy động tổng nguồn vốn trên 51 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp trên hơn 44 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 5 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp và huy động 900 triệu đồng, vốn đóng góp của nhân dân 845 triệu đồng, người dân đóng góp 845 triệu đồng, hiến 3.800m2 đất và 9.000 ngày công....

Đến nay, toàn xã đã bê tông hóa 90% đường nội thôn, liên thôn. Hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng, tu sửa khang trang sạch, đẹp, 100% bản đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,66%; thông qua chương trình hỗ trợ, Hữu Kiệm đã xóa hết nhà tạm bợ...

Đây chỉ là bước khởi đầu cho những dự định tiếp theo của nhân dân và cán bộ xã Hữu Kiệm. Đó là phải tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Tiếp tục phát triển các mô hình kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hoá trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị kinh tế, tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định và bền vững cho người dân địa phương…

Sau 10 năm nỗ lực không ngừng, xã Hữu Kiệm, huyện rẻo biên giới diện 30a Kỳ Sơn đã tạo nên kỳ tích, góp phần xóa trắng huyện chưa có xã NTM miền tây Nghệ An.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.