Hỗ trợ 1.000 doanh nghiệp
EVFTA là một trong những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng đồng thời một loạt những thách thức quan đến phát triển bền vững, tiêu chuẩn lao động, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học cũng được đưa vào trong các thỏa thuận.
Trong số đó, “sinh thái - công bằng” (Eco-Fair) có những điều khoản ràng buộc cụ thể. Đây là một tiêu chuẩn kết hợp của quá trình sản xuất “sinh thái” và thương mại “công bằng”. Trong đó, sản xuất sinh thái tuân theo các yêu cầu của môi trường bền vững, vòng đời sản phẩm và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Còn thương mại “công bằng” là tôn trọng bình đẳng giới, nhu cầu của người khuyết tật, quyền của người thiểu số và người bản địa, cũng như thanh toán công bằng.
Các sản phẩm nông nghiệp sinh thái - công bằng mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, bởi đây là nguồn sản phẩm được đảm bảo chất lượng, tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ các sản phẩm bền vững làm giảm các tác động đến môi trường, cũng như mang lại cảm giác "trách nhiệm" cho cả người sản xuất lẫn tiêu dùng. Bằng cách lựa chọn các sản phẩm này, mọi người góp phần thay đổi nhận thức và trách nhiệm xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho thế hệ mai sau.
Nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là nhóm vừa và nhỏ, tiếp cận nhanh hơn với các tiêu chuẩn Eco-Fair, Dự án "Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái - công bằng tại Việt Nam" (Eco-Fair) được Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, và phối hợp triển khai cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI), Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Sáng tạo và Phát triển Bền vững (CCS), và Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC).
Ông Koen Duchateau - Trưởng ban Hợp tác, Tham tán thứ nhất, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Dự án Eco-Fair mang đến cơ hội để Việt Nam tiến tới một ngành nông nghiệp bền vững hơn, thông qua việc thu hút các bên liên quan trong chuỗi giá trị, bao gồm khu vực tư nhân, các nhóm người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách để đạt được mục tiêu chuyển đổi sang sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn”.
Dự án Eco-Fair đặt ra nhiều mục tiêu trong chương trình hành động tại Việt Nam. Cụ thể, ít nhất 1.000 doanh nghiệp được đào tạo qua ứng dụng di động, 200 doanh nghiệp được đánh giá và chuyển giao công nghệ về sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), 200 sản phẩm sinh thái - công bằng được thương mại hoá.
Trong thời gian triển khai dự án, các doanh nghiệp được lựa chọn sẽ nhận nhiều hỗ trợ từ tiếp cận tài chính xanh, phát triển sản phẩm mới và công nghệ sạch cho đến chứng nhận sinh thái - công bằng (Eco-Fair). Đối tượng hưởng lợi sau cùng của dự án - người tiêu dùng sẽ được nâng cao nhận thức và ủng hộ tiêu dùng bền vững.
"Chúng tôi dự kiến khoảng 500.000 người tiêu dùng sẽ được nhận những thành quả của Dự án Eco-Fair", ông Duchateau chia sẻ.
Trong giai đoạn 3 năm thực hiện từ 2020 - 2023, Dự án sẽ thúc đẩy tiêu dùng bền vững các sản phẩm chế biến nông nghiệp sinh thái - công bằng ở Việt Nam, từ đó góp phần vào sự thịnh vượng kinh tế và phát triển sinh kế bền vững và kinh tế xanh trong quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế các bon thấp, hiệu quả tài nguyên và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
TS Nguyễn Bảo Thoa, Viện trưởng VIRI nhận xét, những người xây dựng Dự án Eco-Fair mong muốn truyền cảm hứng về các giá trị bền vững với xã hội và môi trường thông qua việc thực hiện các hoạt động của dự án như nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.
"Giải pháp của chúng tôi là xây dựng các bộ quy tắc ứng xử về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành, thiết lập mạng lưới vận động chính sách sản xuất và tiêu dùng bền vững của chính phủ để hỗ trợ những mục tiêu này", bà Thoa bày tỏ.
Ba vấn đề cần cải thiện
Buổi hội thảo trực tuyến chuyên đề hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản nâng cao năng lực sản xuất bền vững của Dự án Eco-Fair ngày 11/3 thu hút sự quan tâm của gần 200 người. Ngoài phát triển hệ thống sản xuất, kinh doanh, tiếp thị, phân phối, các doanh nghiệp tham dự còn bày tỏ mong muốn được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn tài chính xanh.
Tài chính xanh là tăng cường mức độ dòng chảy tài chính (ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư) từ khu vực nhà nước, tư nhân và phi lợi nhuận sang các ưu tiên phát triển bền vững. Đây là điều mà các doanh nghiệp có thể đạt được, nếu có những kế hoạch, lộ trình phát triển bền vững, chẳng hạn như xây dựng hệ thống nông nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, điều này còn hạn chế ở Việt Nam.
Anh Nguyễn Xuân Trưởng, giám đốc một công ty chuyên sản xuất các loại máy lọc nước ở Kiên Giang nêu thực trạng về khó khăn trong việc vay vốn so với các doanh nghiệp lớn hơn. Qua hội thảo, anh cho biết đã tự đúc rút được ra câu trả lời.
"Tôi nghĩ, công ty mình cần chuyển dịch bằng cách sử dụng một cách hiệu quả hơn nguồn tài nguyên, đồng thời sản xuất sạch hơn. Trước mắt, tôi sẽ vạch ra kế hoạch để đạt sản phẩm chứng nhận bền vững", anh Trưởng nói.
Được đào tạo miễn phí về sản xuất nông nghiệp sinh thái, công ty của anh Trưởng cùng hàng trăm, nghìn đối tác khác nhận ra 3 vấn đề chính, cần cải thiện trong quá trình sản xuất. Một là công nghệ sau thu hoạch, bao gồm phân loại, bảo quản, chế biến rau, củ, quả. Hai là số lượng doanh nghiệp chế biến sâu trên cả nước còn hạn chế. Ba là quy cách đóng gói, bao bì còn chưa theo kịp với xu hướng chung của thế giới.
Được các chuyên gia của Dự án Eco-Fair tư vấn, giải đáp, anh Trưởng tin rằng, cần hành động sớm để đạt được các tiêu chuẩn sinh thái - công bằng. Anh lấy ví dụ về việc nhiều cơ sở sản xuất hiện đóng gói bao bì với kích thước lớn hơn nhiều so với thể tích thực của hàng hóa nông sản.
"Việc làm này không những khiến chúng ta sử dụng nhiều hơn các loại túi ni lông, nhựa, gây lãng phí mà còn khiến người tiêu dùng hoang mang, hoài nghi về sản phẩm, nhất là khi thông tin về hướng dẫn sử dụng, truy xuất nguồn gốc, hay hạn sử dụng bị thiếu", anh Trưởng nhấn mạnh.
Văn phòng Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (PSAV), trực thuộc Bộ NN-PTNT, được thành lập từ năm 2010 theo “Sáng kiến tầm nhìn mới cho nông nghiệp 2020” hướng tới mục tiêu 20-20-20, gồm tăng 20% năng suất, giảm 20% đói nghèo, và giảm 20% phát thải.
PSAV tập trung vào kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam theo hình thức Đối tác công tư (PPP). Tới thời điểm hiện tại , PSAV có 8 Nhóm công tác PPP ngành hàng, bao gồm các nhóm về cà phê, chè, rau quả, thủy sản, gạo, gia vị và hồ tiêu, chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp, được thành lập và hoạt động với sự tham gia của 120 tổ chức, gồm các cơ quan Chính phủ, các công ty, hiệp hội ngành hàng, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ.
Dự án Eco-Fair nằm trong những ưu tiên của PSAV hiện nay.