Lúa thơm, tôm sạch
Nông dân Phạm Chí Mến (ấp Nam Quý, xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) cho biết: Trước đây, gia đình sản xuất lúa thường, sau đó Kỹ sư Hồ Quang Cua xuống tận nơi giúp nhân rộng mô hình lúa ST. Sau mấy mùa vụ, năng suất lúa đạt trung bình khoảng 6 -7 tấn/ha. Từ khi sản xuất lúa ST đến nay, giá lúa luôn được các thương lái mua giá cao.
"Bây giờ đi đến đâu, tôi cũng vận động bà con trồng giống lúa ST. Đến giờ người dân trong ấp Nam Quý đa phần đều sử dụng giống lúa ST của Kỹ sư Hồ Quang Cua. Ngoài ra, bà con còn kết hợp thả tôm trên ruộng lúa, thu về tổng lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha/năm", ông Mến phấn khởi.
Nông dân Phạm Văn Hai (ấp Tà Suôl, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Mô hình lúa - tôm đã và đang trở thành nguồn thu nhập chính. Nếu như trước đây, thu nhập của nông dân chỉ trông chờ vào 1 vụ lúa/năm thì nay đã có thêm thu nhập từ con tôm. Con tôm, cây lúa đã giúp nông dân làm giàu. Mô hình lúa - tôm thật sự là hình thức sản xuất thông minh trong điều kiện phải thích nghi với hạn mặn như hiện nay”.
Thấy được những hiệu quả thực từ mô hình lúa – tôm, nhiều địa phương, ông dân đã không ngừng mở rộng diện tích sản xuất. Tại Bạc Liêu, nếu năm 2001 mới bắt đầu manh nha tổ chức sản xuất tôm - lúa với diện tích gần 6.000 ha thì đến năm 2021, diện tích của mô hình này đã lên đến gần 40.000 ha, chiếm khoảng 34% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh.
PGS. TS Dương Nhựt Long, Giảng viên Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: Tôm càng xanh có khả năng thích ứng rất tốt với biến đổi khí hậu. Qua quá trình nghiên cứu mô hình tôm - lúa tại Bạc Liêu cho thấy, lợi nhuận đem lại trung bình khoảng 90 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang lên đến 130 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Với điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước đa dạng gồm 3 vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt, Bạc Liêu rất thuận lợi trong phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển thủy sản nói riêng.
Hiện nay, Bạc Liêu có trên 140.000 ha nuôi trồng thủy sản, với nhiều loại hình sản xuất nuôi trồng đa dạng. Bạc Liêu là nơi có sản lượng tôm nuôi đứng thứ 2 cả nước và là tỉnh có quy mô sản xuất tôm giống lớn nhất khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, đã có mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao, cho năng suất cao gấp 10 - 15 lần so với nuôi tôm thông thường.
Trong chuyển dịch cơ cấu, mô hình canh tác tôm - lúa đều tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng. Đây là mô hình phát triển bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa. Có nhiều doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất (nuôi tôm sạch, sinh thái, lúa thơm, chất lượng cao...) với các HTX, tổ hợp tác và bà con nông dân.
Mô hình tôm - lúa đã và đang có nhiều bước tiến bộ, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới như: Giống chịu mặn, cải tiến thời vụ, sử dụng phân bón, thuốc vi sinh, sinh học... Mô hình tôm - lúa tạo ra hệ sinh thái, môi trường an toàn, ổn định, có lợi cho nuôi tôm và trồng lúa bền vững, cho ra sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu hiện nay.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Cũng như một số tỉnh ven tỉnh biển tại khu vực ĐBSCL, tỉnh Cà Mau có diện tích khá lớn để phát triển thủy sản, luân canh một vụ lúa, một vụ tôm; có lợi thế phát triển tôm luân canh, với diện tích sản xuất ổn định khoảng 35.000 ha.
“Qua đánh giá nhiều năm, mô hình luân canh lúa - tôm cho năng suất vụ tôm đạt từ 4 – 4,5 tấn/ha, lúa dao động từ 4 – 4,5 tấn/ha bình quân. Ngoài ra, vùng phía bắc Cà Mau hiện nay diện tích nuôi tôm càng xanh từ 15.000 – 18.000 ha/năm, với tổng thu nhập từ 60 – 80 triệu động/ha/năm”, ông Sử chia sẻ.
Lan tỏa liên kết làm lúa - tôm
Bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề cho biết: Tại Bạc Liêu, đề án Chuyên nghiệp hóa người nông dân đã được triển khai thực hiện từ năm 2018. Tham gia đề án này, nông dân được trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, được chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất theo quy trình sinh học của Bồ Đề nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường thông qua sử dụng những sản phẩm được chiếc xuất từ công nghệ Bồ Đề.
“Ngoài ra, Tập đoàn Bồ Đề còn đào tạo kiến thức, tư duy cho nông dân để tham gia vào nền kinh tế thị trường, tạo ra môi trường sản xuất có tính cộng đồng, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái thông qua ứng dụng quy trình công nghệ sinh học”, bà Hằng chia sẻ.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập Đoàn Lộc Trời cho biết: Hiện nay, Tập đoàn đang triển khai liên kết sản xuất chặt chẽ với các HTX tại ĐBSCL trong sản xuất lúa hàng hóa, trong đó có mô hình sản xuất lúa - tôm. Lộc Trời chú trọng hỗ trợ, chuyển giao cho nông dân kỹ thuật, thay đổi tập quán, trên quan điểm cùng hợp tác, cùng chia sẻ lợi nhuận. Đặc biệt, Lộc Trời đặt chiến lược phát triển không sở hữu đất, sản xuất lớn bằng con đường liên kết làm cánh đồng lớn, trên cơ sở liên kết chặt chẽ hơn nữa với các HTX.
“Trước đây, làm cánh đồng mẫu lớn không thành công là do quản lý còn lỏng lẻo, còn bây giờ chúng ta làm chặt chẽ hơn bằng cách thành lập HTX”, ông Thòn chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Phong, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Khang (xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu), cho biết: HTX An Khang được thành lập tháng 7/2020, có 49 thành viên. Với mục tiêu sản xuất lúa chất lượng cao, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, HTX đã chủ động liên kết sản xuất với Tập đoàn Lộc Trời. Theo đó, Tập đoàn Lộc Trời cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Đây đang là xu hướng liên kết sản xuất mà nhiều HTX tại ĐBSCL đang chú trọng triển khai.
Trong chuyến thăm và khảo sát các vùng liên kết sản xuất, nhất là sản xuất lúa - tôm tại các tỉnh ĐBSCL mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Lâu nay, nông dân chỉ chú trọng đến những giá trị hữu hình, chứ chưa chú trọng những giá trị vô hình, nên chưa khai thác hết tiềm năng và lợi ích từ sản xuất. Vì vậy, nếu người dân tích hợp những giá trị vô hình thành các giá trị hữu hình, sẽ tạo nên những sản phẩm giá trị mới mang nhiều lợi ích kinh tế.
"Ngày xưa, phát triển theo tư duy đơn giá trị, có ngành hàng lúa, ngành hàng tôm, nhưng với mô hình tôm lúa như hiện nay thì 2 ngành hàng này sẽ tích hợp lại. Mặc dù mô hình tôm - lúa chỉ có ở vùng Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, nhưng rõ ràng đã minh chứng một điều là bà con đã thích ứng rất nhanh với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, nông dân đã thông qua các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học để thay đổi tư duy sản xuất. Mọi sự thay đổi ban đầu sẽ rất khó khăn nhưng nếu không thay đổi thì khó khăn sẽ còn chồng chất nhiều hơn trong bối cảnh hiện nay", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.